Bản tin Covid-19 ngày 4.12: Cả nước 13.998 ca | Cảnh giác cao độ vì biến thể Omicron
Bản tin Covid-19 ngày 4.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 4.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 13.998 ca nhiễm mới, 1.107 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 4.12 cho biết tính từ 16h ngày 3.12 đến 16h ngày 4.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.998 ca nhiễm mới, 1.107 ca khỏi bệnh.Trong ngày ghi nhận thêm 203 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 26.061 ca.
Ngày 4.12: Cả nước 13.998 ca Covid-19, 1.107 ca khỏi | TP.HCM 1.636 ca |
Thông tin về 13.998 ca nhiễm mới như sau:
- 5 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
- 13.993 ca ghi nhận trong nước (tăng 332 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 8.402 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.636), Cần Thơ (998), Tây Ninh (787), Bến Tre (762), Bình Thuận (626), Đồng Tháp (624), Bà Rịa - Vũng Tàu (620), Cà Mau (568), Bạc Liêu (565), Bình Phước (562), Vĩnh Long (552), Kiên Giang (498), Khánh Hòa (467), Hà Nội (455), Đồng Nai (433), Thừa Thiên-Huế (335), An Giang (319), Bình Dương (319), Trà Vinh (301), Hậu Giang (288), Tiền Giang (209), Bình Định (203), Gia Lai (180), Hà Giang (140), Bắc Ninh (119), Đắk Nông (116), Đà Nẵng (104), Thanh Hóa (103), Long An (91), Thái Nguyên (82), Hải Phòng (81), Ninh Thuận (76), Hưng Yên (65), Nghệ An (61), Quảng Nam (59), Hải Dương (55), Phú Yên (52), Phú Thọ (49), Vĩnh Phúc (44), Đắk Lắk (42), Quảng Ngãi (41), Yên Bái (40), Nam Định (39), Quảng Trị (34), Thái Bình (27), Quảng Bình (25), Tuyên Quang (25), Hà Tĩnh (21), Hòa Bình (20), Quảng Ninh (20), Bắc Giang (20), Lào Cai (11), Hà Nam (8), Cao Bằng (8), Ninh Bình (6), Sơn La (1), Bắc Kạn (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-336), Đắk Lắk (-129), Hải Phòng (-117).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+325), Bạc Liêu (+231), Thừa Thiên-Huế (+207).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.784 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.294.778 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.135 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.289.511 ca, trong đó có 1.004.749 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (476.818), Bình Dương (283.908), Đồng Nai (89.159), Long An (38.607), Tây Ninh (31.691).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.107 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.007.566 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.788 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.547 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.377 ca
- Thở máy không xâm lấn: 185 ca
- Thở máy xâm lấn: 665 ca
- ECMO: 14 ca
Từ 17h30 ngày 3.12 đến 17h30 ngày 4.12 ghi nhận 203 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (75) trong đó có 11 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (6), Bến Tre (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1), Tiền Giang (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (20), Bình Dương (18), Cần Thơ (15), Đồng Nai (13), Tiền Giang (10), Long (7), Kiên Giang (7), Sóc Trăng (5), Đồng Tháp (5), Vĩnh Long (5), Bạc Liêu (5), Bình Thuận (4), Khánh Hoà (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hậu Giang (2), Quảng Ngãi (2), Trà Vinh (2), Quảng Ninh (1), Đắk Lắk (1), Bình Phước (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 196 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.061 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 126.002 xét nghiệm cho 264.655 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 26.862.472 mẫu cho 69.698.432 lượt người.
Trong ngày 3.12 có 991.961 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 126.846.771 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.155.299 liều, tiêm mũi 2 là 53.691.472 liều.
Việt Nam đã tiêm gần 127 triệu liều vắc xin
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến 14 giờ ngày 4.12.2021, cả nước đã tiêm gần 127 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.
Việt Nam đã tiêm gần 127 triệu liều vắc xin Covid-19 |
Đến hết ngày 3.12, số liều vắc xin tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 121 triệu liều, trong đó có hơn 68,7 triệu liều mũi 1 và hơn 52,3 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 95,3% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 72,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:
- Miền Bắc là 91,0% và 66,0%.
- Miền Trung là 92,1% và 64,6%.
- Tây Nguyên là 92,5% và 52,6%.
- Miền Nam là 99,1% và 82,5%.
Có 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 28 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
4/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều cho dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên gồm: Yên Bái (73,3%), Thanh Hóa (77,1%), Hà Giang (77,3%) và Cao Bằng (79,5%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin Covid-19 cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.
Hiện đã có 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 33 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90% gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng và Cà Mau.
Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, Bộ Y tế cho biết đã có 42 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi gồm: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Tổng số vắc xin đã tiêm được là hơn 4,8 triệu liều, trong đó có hơn 3,9 triệu liều mũi 1 và hơn 900.000 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 43,6% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 9,9% dân số từ 12 -17 tuổi.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.
Lo ngại biến thể Omicron, hàng không đề nghị khẩn dừng chuyến bay từ 10 nước châu Phi
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 8706 ban hành ngày 29.11.2021 giao các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm soát biến chủng Omicron.
Lo ngại biến thể Omicron, hàng không đề nghị khẩn dừng chuyến bay từ 10 nước châu Phi |
Theo văn bản này, Thủ tướng giao Bộ GTVT và các bộ, ngành kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể Covid-19 này vào nước ta.
Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới vào Việt Nam, Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép dừng các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi (gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia ) đến Việt Nam.
Đồng thời, cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.
Cục Hàng không cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát y tế đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ngoài ra, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác cách ly y tế, đảm bảo 100% hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ GTVT có ý kiến và đề nghị Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam qua của khẩu hàng không.
Theo Cục Hàng không, thế giới đang chạy đua ngăn chặn biến thể mới Omicron. Trong đó, các quốc gia như Israel cho biết sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả khách nước ngoài, Liên minh châu Âu (EU) thúc giục 27 nước thành viên hạn chế đi lại tới các quốc gia phía nam châu Phi. Thực tế, nhiều nước EU đã ra các quyết định tương tự.
Tại khu vực châu Á, từ ngày 3.12, tất cả khách đến Singapore bằng đường hàng không, bao gồm cư dân của nước này và người quá cảnh tại sân bay Changi, sẽ phải tuân thủ quy định xét nghiệm nghiêm ngặt; tạm hoãn triển khai chương trình "Làn đi lại" dành cho người đã tiêm vắc xin với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 1.12, Bộ Y tế Malaysia thông báo sẽ tạm thời cấm nhập cảnh đối với người đến từ các quốc gia có ca nhiễm biến thể Omicron hoặc được xem là có nguy cơ cao với biến thể này gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi. Malaysia cũng dự kiến cấm nhập cảnh những khách từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biến chủng Omicron như Hồng Kông, Anh, Úc và một số khu vực khác. Bộ Y tế Thái Lan cũng đã đưa ra các hạn chế nhập cảnh với người đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe...
Học sinh có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 không được vào trường
Ngày 3.12.2021, Sở Y tế và Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành hướng dẫn chi tiết cho các trường nhằm chuẩn bị mọi phương án trước ngày đón học sinh đi học trở lại vào 13.12.
Học sinh có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 không được vào trường |
Cụ thể, trước khi tổ chức lại hoạt động giáo dục trực tiếp, các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng đối phó với các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong cơ sở giáo dục.
Trường phải có ban chỉ đạo phòng dịch, tổ an toàn Covid-19; nhân viên y tế được tập huấn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm nhanh… Đồng thời, nhà trường phải rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; tăng cường các biện pháp thông khí phòng học, phòng làm việc, bố trí phòng cách ly tạm thời…
Trường lớp, đồ dùng học tập đều phải được vệ sinh, khử khuẩn, người làm việc trong cơ sở giáo dục phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, hoặc đã khỏi bệnh. Nếu thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin thì sẽ xét nghiệm tầm soát định kỳ hàng tuần.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp, phụ huynh hoặc người đưa đón không vào trong khuôn viên trường. Học sinh và nhân viên, giáo viên thì được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay bằng xà phòng… Người nào có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 (như sốt, ho, khó thở…) sẽ không được vào trường, lớp.
Giáo viên, nhà trường cần theo dõi, ghi nhận kịp thời học sinh vắng mặt và lý do để có hướng xử lý nếu có liên quan đến dịch bệnh. Phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19.
Đồng thời, nhà trường phải đảm bảo các yêu cầu về giãn cách trong phòng học, phòng làm việc; hạn chế những hoạt động có giao tiếp gần trong lớp học; hạn chế tối đa việc giao tiếp giữa các lớp.
Học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đeo khẩu trang (trừ khi ăn uống); riêng trẻ mầm non không yêu cầu đeo khẩu trang.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, học sinh lớp 1, 9, 12 sẽ đi học trực tiếp tại trường vào ngày 13.12, sau đó một tuần các trường mầm non sẽ mở cửa đón lứa trẻ 5 tuổi (tức lớp lá).
Người lao động tại TP.HCM điều trị Covid-19 tại nhà làm sao để hưởng BHXH?
Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành công văn số 9000 ngày 2.12.2021 về việc cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội đối với người lao động là F0 mắc Covid-19.
Người lao động tại TP.HCM điều trị Covid-19 tại nhà làm sao để hưởng BHXH? |
Theo công văn này, đối với trường hợp người lao động là F0 cách ly tại nhà thì Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Trạm Y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 ký xác nhận, đơn vị chủ quản là Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm Y tế phường, xã, thị trấn ký đóng dấu.
Đối với trường hợp người lao động là F0 điều trị nội trú hoặc cách ly tập trung tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (cơ sở cách ly tập trung F0), cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, bệnh viện điều trị Covid-19 cấp giấy ra viện đúng quy định. Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (tầng 1) sử dụng con dấu của bệnh viện được giao phụ trách.
Sở Y tế hướng dẫn một lần khám, bệnh nhân được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cũng nhấn mạnh kể từ ngày 24.11, đối với các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017 của Bộ Y tế do các cơ sở khám chữa bệnh đã cấp chưa đúng mẫu, chưa đúng cho người lao động nghỉ ngoại trú quá 30 ngày cho một lần khám, chữa bệnh thì các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo điều kiện cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nếu người lao động có đầy đủ hồ sơ xác nhận đã cách ly hoặc điều trị Covid-19.
Châu Á-Thái Bình Dương 'xây tường' đối phó biến thể Omicron ra sao?
Sau khi biến thể Omicron được WHO liệt vào danh sách đáng quan ngại, hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương đã áp dụng các quy định nhập cảnh để ngăn chặn sự lây lan của chủng mới này.
Hồng Kông
Hồng Kông là một trong những nơi đầu tiên hành động. Kể từ hôm 29.11, Hồng Kông đã thêm ít nhất 16 nước, bao gồm Nhật Bản, Canada và Úc, vào nhóm A có nguy cơ cao. Những người nhập cảnh từ các nước nhóm A bắt buộc phải cách ly 21 ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương đã hành động gì để đối phó biến thể Omicron? |
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho rằng đây có thể chỉ là một biến thể mới không có tác động gì lớn và nước này sẽ tiếp tục sống chung với Covid-19.
Tuy nhiên, từ ngày 3.12, các hành khách bao gồm cả cư dân về nước và người quá cảnh qua sân bay Changi sẽ phải tuân theo quy định kiểm tra chặt chẽ. Hành khách bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và xét nghiệm PCR khi đến.
Bên cạnh đó, kế hoạch triển khai 27 đường bay miễn cách ly đối với du khách đã chủng ngừa đầy đủ (VTL) sẽ bị hoãn đối với các chuyến bay với Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út. Đây là các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi biến thể mới.
Những hành khách đi trên chuyến bay VTL từ ngày 3.12 sẽ phải làm thêm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 sau khi họ đến Singapore.
Dù chưa phát hiện ca nhiễm nào nhưng bệnh nhân mắc biến thể Omicron và những người tiếp xúc sẽ được đưa đi cách ly tập trung thay vì ở nhà.
Bộ Y tế Malaysia hôm 1.12 thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với người từ các nước đã ghi nhận ca nhiễm Omicron hoặc nước có nguy cơ cao. Cũng giống như hầu hết các nước khác, Malaysia cũng đã cấm đi lại từ 7 quốc gia miền nam châu Phi sau khi biến thể mới được phát hiện ở khu vực này.
Cư dân được phép trở về từ các quốc gia này nhưng phải cách ly tập trung 14 ngày.
Hôm 30.11, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cho biết chính phủ sẽ tạm dừng kế hoạch xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Indonesia
Công dân nước ngoài đã đến Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Malawi, Zimbabwe, Angola, Zambia và Hồng Kông trong 14 ngày qua sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Indonesia.
Công dân Indonesia đã đến các nước trên sẽ phải cách ly 14 ngày khi về nước. Công dân Indonesia và hành khách quốc tế đến từ nơi khác sẽ cách ly trong 1 tuần, tăng 3 ngày so với trước đó.
Myanmar
Myanmar hôm 1.12 đã kéo dài các hạn chế đối với các trường hợp nhập cảnh không có lý do thiết yếu. Tuần trước, hai cửa khẩu biên giới Myanmar-Trung Quốc đã được mở lại thông thương sau gần 7 tháng đóng cửa.
Chính phủ nước này chưa thông báo mới về hai cửa khẩu này sau khi biến thể Omicron xuất hiện.
Ấn Độ
Ấn Độ không cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Hồng Kông hoặc Botswana. Tuy nhiên, hành khách đi từ hoặc quá cảnh các điểm này (và những nơi có nguy cơ cao) sẽ phải xét nghiệm PCR khi đến Ấn Độ.
Các tiểu bang được yêu cầu truy vết những người nhập cảnh trong tháng qua và xét nghiệm cũng đang được tăng cường.
Cho đến nay, mặc dù đã kiểm tra hàng trăm mẫu từ ngày 26.11, nước này vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Omicron.
Trước mối đe dọa của Omicron, bang Kerala cho biết những người không chịu tiêm vắc xin mũi hai sẽ không được điều trị miễn phí nếu họ nhiễm virus.
Trong khi đó, bang Maharashtra đã ra quy định cách ly tập trung 7 ngày đối với hành khách quốc tế từ các nước có nguy cơ. Hành khách quốc tế chỉ được phép bay quá cảnh khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính tại sân bay.
Hàn Quốc
Tổng thống Moon Jae-in hôm 30.11 kêu gọi giới chức thắt chặt ngay việc kiểm tra nhập cảnh, ngay sau khi các cơ quan y tế báo cáo 5 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trên toàn quốc.
Ngày 28.11, nước này đã thông báo cấm nhập cảnh đối với 8 nước châu Phi. Hành khách đã tiêm chủng từ các nước khác phải nộp kết quả xét nghiệm PCR, sau đó làm thêm xét nghiệm tại trung tâm y tế địa phương và tự cách ly tại nơi cư trú cho đến khi có kết quả. Những người có kết quả âm tính sẽ được miễn cách ly, nhưng phải làm tiếp một xét nghiệm nữa vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7.
Nhật Bản
Ngày 1.12, Nhật Bản bắt đầu từ chối nhập cảnh đối với công dân của 10 quốc gia ở miền nam châu Phi, ngay cả khi họ là thường trú nhân tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, công dân Nhật Bản và thường trú nhân nước ngoài phải cách ly tập trung 10 ngày khi nhập cảnh.
Nước này cũng yêu cầu các hãng hàng không ngừng nhận đặt chỗ chuyến bay đến mới do lo ngại về biến thể Omicron.
Philippines
Từ hôm 28.11, Philippines đã cấm tất cả du khách từ 14 nước ở châu Phi và châu Âu. Quy định này sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 15.12.
Thái Lan
Kể từ 1.12, Bộ Y tế công cộng đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Hành khách đến từ các quốc gia châu Phi khác vẫn được phép đến Thái Lan nhưng sẽ phải cách ly 14 ngày. Trong thời gian đó, họ phải thực hiện ba xét nghiệm PCR.
Úc
Úc yêu cầu các công dân trở về từ các nước miền nam châu Phi phải cách ly 14 ngày.
Công dân Úc đã được chủng ngừa đến Sydney và Melbourne từ tất cả các nước phải cách ly trong 72 giờ.
New Zealand
Hôm 29.11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nước này vẫn sẽ chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch dù biến thể mới xuất hiện. Dù chưa phát hiện ca nhiễm Omicron nào, nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của chủng mới.
Chính phủ New Zealand có kế hoạch đóng cửa với hầu hết hành khách quốc tế trong 5 tháng tới. New Zealand cũng thông báo rằng chỉ có công dân nước này mới có thể nhập cảnh từ 9 nước miền nam châu Phi và họ bắt buộc phải cách ly tập trung 2 tuần.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 4.12 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)