Bạn trẻ biến mây tre thành những sản phẩm độc đáo

24/09/2021 12:12 GMT+7

Những sản phẩm ống hút, hộp đựng tăm, cốc uống nước… được chế tạo bằng mây, tre đang được một số người trẻ Vân Kiều sống tại các xã phía bắc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sản xuất, mang lại cơm áo hàng ngày...

Sống dựa vào rừng theo… một cách khác

Nằm dưới chân đèo Sa Mù cách TT.Khe Sanh (H.Hướng Hóa) gần 50 km, thôn Trăng Tà Puồng là một trong những nơi đầu tiên của xã Hướng Việt có cơ sở sản xuất mây tre do người Vân Kiều chế tạo. Đây là một phần của dự án nhận được nguồn tài trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan (MCNV), giúp tăng sinh kế cho bà con vùng sâu vùng xa.
Tại cơ sở sản xuất mây tre Krơng Aho (thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), anh Hồ Văn Giỏi (28 tuổi) cho biết anh đã có 4 năm trong nghề. Anh Giỏi là tổ trưởng tổ mây tre Trăng Tà Puồng và trước đó đã được cử đi tập huấn và đào tạo để chế tác các sản phẩm từ mây tre. 
Hiện hợp tác xã Trăng Tà Puồng do anh đứng đầu có 6 thành viên, chủ yếu là những người trẻ. Nguồn lực không nhiều nhưng vẫn đủ để đáp ứng chỉ tiêu sản phẩm cung cấp cho các đại lý.

Nhóm sản xuất mây tre tại thôn Trăng Tà Puồng (xã Hướng Việt) đi vào hoạt động gần 4 năm

BÁ CƯỜNG

Thôn Trăng Tà Puồng là địa điểm tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với động Tà Puồng, thác Tà Puồng… và những sản phẩm làm từ mây tre chính là thứ cho du khách lưu lại kỷ niệm, tạo sự gần gũi khi về với thiên nhiên núi rừng.

Đôi tay tỉ mẩn của những bạn trẻ vùng cao tạo nên những sản phẩm mây, tre độc đáo

 BÁ CƯỜNG

“Sản phẩm cốc, muôi, hộp đựng tăm, đựng hương… làm bằng mây tre rất thân thiện với môi trường. Chắc chắn những sản phẩm như vậy sẽ thu hút khách hàng, đặc biệt là những khách hàng yêu thiên nhiên. Tôi mong rằng sản phẩm này sẽ sớm thay thế các sản phẩm làm bằng nhựa để vừa tiết kiệm chi phí và quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường”, anh Giỏi chia sẻ.
Theo anh Giỏi, mỗi sản phẩm mây tre trung bình mất từ 2 - 30 phút để hoàn thành tùy vào tay nghề của người thợ. Việc lựa chọn nguyên liệu cũng hết sức tỉ mỉ, tre phải lấy vào những ngày không có trăng, tre già vàng, không bị sâu mới đủ tiêu chí để đưa về sản xuất. Mức giá cho các sản phẩm là từ 2.000 - 100.000 đồng với đa dạng chủng loại.

Những người trẻ này cho biết họ đang sống dựa vào rừng nhưng không phải phá rừng mà theo một cách rất khác

BÁ CƯỜNG

“Bên cạnh những khóm tre có sẵn trong nương rẫy của các hộ gia đình, khi thiếu nguyên liệu, nhóm sẽ băng rừng để tìm và phải xin phép kiểm lâm, hạt quản lý rừng từ trước. Mỗi lần đi, nhóm có thể mang về 40 cây tre. Mỗi cây tre sẽ tạo ra được 3 - 5 sản phẩm tùy kích cỡ. Chúng tôi đang sống dựa vào rừng nhưng không làm 'lâm tặc' mà theo một cách rất khác”, anh Hồ La Cay, thành viên nhóm sản xuất mây tre, chia sẻ.

Khát vọng về Hợp tác xã Vân Kiều Bamboo

Anh Giỏi cũng cho biết không chỉ tạo ra những sản phẩm mà cả thương hiệu cũng sẽ mang đậm chất văn hóa vùng miền, văn hóa của đồng bào thiểu số. Krơng Aho tiếng Vân Kiều có nghĩa là sản phẩm làm từ mây tre, các sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được gửi về TP.Đông Hà để khắc lazer hình ảnh danh lam thắng cảnh Việt Nam, chân dung người phụ nữ đồng bào Vân Kiều…

Những sản phẩm khi hoàn thành khá đẹp mắt

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Hiện các sản phẩm của hợp tác xã mây tre đan Trăng Tà Puồng với tên gọi Krơng Aho được bày bán tại Hội An và xuất khẩu ra nước ngoài. Trong tương lai, nhóm sẽ phấn đấu nâng cao tay nghề để tạo ra được các sản phẩm lớn hơn như bàn, ghế…
Qua nguồn tài trợ của dự án, hợp tác xã của anh Giỏi được hỗ trợ máy cưa, máy tiện, mấy sấy tre và được xây dựng cơ sở riêng chế tạo. Được biết trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 3 tổ sản xuất mây tre đan tại các xã Hướng Việt, Hướng Phùng và Hướng Sơn với nhiều dự án như sản xuất mây tre, trồng cà phê, trồng trẩu… Tất cả sẽ được kết nối với nhau sau khi Hợp tác xã Vân Kiều Bamboo thành lập.

Khát vọng của những người trẻ này là thành lập được hợp tác xã Vân Kiều Bamboo, mở rộng quy mô sản xuất

 BÁ CƯỜNG

“Từ khi bà con biết được cách chế tác các sản phẩm từ mây tre, thu nhập của họ cũng tăng lên đáng kể, nhất là khi tận dụng được thời gian rảnh rỗi sau công việc nương rẫy. Xã sẽ tiếp tục động viên và tạo điều kiện cho thêm nhiều hộ dân khác được đi học, tập huấn để mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất mây tre trên địa bàn”, ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch xã Hướng Việt, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.