Bangkok phong tỏa nhưng không cấm đi lại, người Việt nấu món Việt tặng hàng xóm

Phạm Vũ
Phạm Vũ
18/07/2021 17:02 GMT+7

Dù phong tỏa nhưng việc đi lại của người dân không bị ngăn cản ở Bangkok và các tỉnh lân cận. Dẫu vậy, hàng xóm tôi vẫn cảnh giác cao độ với Covid-19 nên được quan tâm hay cho món ăn Việt Nam, họ vẫn rất dè chừng.

Hàng xóm né nhau vì sợ Covid-19

Sau khi hay tin chính phủ ra lệnh lockdown (phong tỏa) chống dịch Covid-19, Maythera quyết định hủy chuyến đi Pattaya mà chị lên kế hoạch từ trước. Nhóm bạn chị muốn đến thành phố du lịch này để gặp một người bạn lâu năm, đồng thời nghỉ ngơi tránh không khí ngột ngạt vì Covid-19 bên trong Bangkok. Thủ đô Thái Lan đang là tâm điểm của dịch bệnh với số ca mới nhiều nhất nước, hơn 3.000 ca mỗi ngày và đó là nguyên nhân dẫn đến quyết định phong tỏa của chính phủ.
Liên tục trong nhiều tháng đầu năm 2021, người dân lo lắng khi Thái Lan có hơn 2.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày. Họ sửng sốt khi ca mới tăng lên 3.000, rồi 4.000 và 5.000. Con số tiếp tục nhảy múa và tiếp tục gây sợ hãi trong công chúng khi vượt qua 6.000 trong những ngày đầu tháng 7.2021 bất chấp nỗ lực của chính quyền.

Cảnh vắng vẻ trong một trung tâm thương mại lớn trong Bangkok

Chưa dừng lại đó, báo cáo hơn 9.000 ca mới trong mấy ngày qua và dự báo sẽ vượt 10.000 trước khi kết thúc tháng 7 đang khiến chính phủ buộc phải ra lệnh phong tỏa ở nhiều tỉnh thành, kể cả Bangkok. “Tình hình thật sự đáng sợ, có cảm giác ai cũng có virus. Tốt nhất là hạn chế ra ngoài, ở nhà cho an toàn”, Maythera, một người sinh trưởng trong Bangkok, chia sẻ sau khi thông báo với nhóm bạn dời lại chuyến đi.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Bangkok bất ngờ và bất thường, không rõ nguyên nhân trong khi nhiều tháng trước các tỉnh lân cận là nguồn lây thì thủ đô của Thái Lan chỉ có vài chục ca hoặc nhiều lắm là hơn trăm ca. Chính quyền cho xét nghiệm đại trà và càng xét nghiệm số ca nhiễm Covid-19 được phát hiện ở Bangkok càng tăng. Mọi người gần như tránh né nhau, nhất là đối với những người đến từ Bangkok. Một số tỉnh áp dụng cách ly đối với người đến từ thành phố này bất kể họ ở đó bao lâu hay chỉ đi ngang qua. Ngay trong cùng một khu dân cư mọi người gặp nhau chỉ chào nhanh rồi đi, không dám dừng lại hỏi thăm, thậm chí bước vào nhà người khác cũng khiến họ lo sợ.
Chị An Tran, nhà cách chúng tôi vài trăm mét, gần như không bước ra khỏi cửa hơn tháng nay. Trước đây, chị thường qua nhà chúng tôi để chuyện trò, tâm sự cuộc sống khi còn ở Việt Nam. Chị theo chồng ở bên này hơn 20 năm nên nhớ nhà, nhớ món ăn Việt, nấu món nào thường mang qua chia sẻ, chúng tôi cũng vậy. Dạo gần đây chị không dám đến siêu thị kể cả ngôi chợ đầu hẻm. Mọi thứ cần cho gia đình chị đặt mua trên mạng và có người đưa đến tận nhà.
Nhiều gia đình bạn chúng tôi cũng cảnh giác cao độ với Covid-19. Minjim cấm chồng và con ra khỏi nhà. Chúng tôi làm vài món ăn Việt Nam đem cho họ nhưng không dám tự đến nếu không báo trước. Mỗi khi mang đồ sang chị tiếp chúng tôi một cách dè chừng, nhưng chúng tôi không giận vì hiểu tâm lý lo lắng của chị cũng như mọi người. Những lần sang nhà chị, chúng tôi chỉ dừng trước sân, trao đổi vài câu và không quên chúc gia đình chị hưởng thức ngon miệng món ăn Việt trước khi ra về.
Câu chuyện lockdown của một người Việt ở Thái Lan

Khu chợ tự phát bên ngoài Bangkok

Anh Po và chị Vero vốn là những hàng xóm vui vẻ trong khu dân cư mới Indy Town bên ngoài Bangkok. Từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở Thái Lan họ gần như xa lánh hàng xóm. Nhà họ thường xuyên cửa đóng then cài, rèm màn che phủ như muốn nói không chào đón bất kỳ ai đến thăm. Hơn 5 tháng nay, hàng xóm không nhìn thấy họ, lo lắng nhắn tin hỏi thăm mới hay họ vẫn ổn, chỉ vì sợ không dám tiếp xúc với ai, cho dù với đồng nghiệp ở khoảng cách đủ xa và khẩu trang đeo đúng quy định.
Anh Po tuyên bố tiếp tục “cấm cung” cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát và nhất là khi gia đình anh được tiêm vắc xin đầy đủ. Trong khi chúng tôi vẫn sinh hoạt tương đối bình thường dù ý thức dịch bệnh nguy hiểm và nguy cơ bị lây nhiễm cao, vẫn có những buổi ăn bên ngoài và chuyến du lịch trong điều kiện cho phép.

Phong tỏa nhưng người dân không bị cấm đi lại

Bangkok là một trong 10 tỉnh thành bị phong tỏa tạm thời đến cuối tháng 7.2021 theo chỉ thị mới của chính phủ Thái Lan. Người dân bị hạn chế ra khỏi nhà, sang tỉnh thành khác; các cơ sở kinh doanh ngưng hoạt động ngoài trừ cung cấp sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, cấp thiết cho người dân như chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, dịch vụ y tế... Các cơ sở thẩm mỹ làm đẹp, massage, thể dục thể thao, vui chơi giải trí... bị cấm từ nhiều tháng trước khi có lệnh phong tỏa.
Lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng ở Bangkok và những tỉnh thuộc diện phong tỏa chủ yếu xung quanh thủ đô, người dân bị cấm ra đường sau 21 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Họ phải đeo khẩu trang mỗi khi bước chân ra khỏi cửa, thậm chí ngồi trên xe hơi với người trong gia đình nếu từ 2 người trở lên cũng phải đeo, vi phạm có thể bị phạt đến 6.000 baht (khoảng 4,2 triệu đồng). Giới chức lập 88 trạm kiểm soát ở nhiều địa điểm trong Bangkok nhưng không phải ngăn cản mà nhắc nhở người dân. Tuy nhiên, nếu vi phạm lệnh giới nghiêm, từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, sẽ bị phạt nặng 20.000 -  40.000 baht (14 - 28 triệu đồng).
Dù có lệnh lockdown nhưng việc đi lại của người dân không bị ngăn cản hay nghiêm cấm ở Bangkok và các tỉnh lân cận. Đây là lần thứ hai Bangkok phong tỏa chống dịch Covid-19, lần đầu hồi tháng 4.2020.
Chúng tôi không thấy giới chức sắc xuất hiện trong khu mình sinh sống để kiểm tra, giám sát hay tuyên truyền việc thực thi chỉ thị của chính phủ. Mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh, yêu cầu của chính phủ đều được báo đài đăng tải hàng ngày hoặc mạng xã hội loan tải. Ý thức của người dân địa phương khá cao, họ chấp hành tốt các quy định của chính phủ với mong muốn mau chóng dập được dịch Covid-19.
Chính phủ có chính sách hỗ trợ người dân, nhất là người lao động. Ngoài tiền trợ cấp 5.000 baht (hơn 3,5 triệu đồng), người dân còn được trợ giá khi mua thực phẩm trong chương trình “Mỗi bên một nửa”, chương trình hỗ trợ cho cả người bán và người mua.
Câu chuyện lockdown của một người Việt ở Thái Lan

Nhóm người nước ngoài trong đó có người Việt tham gia hỗ trợ người nghèo ở THái Lan

Gần như mỗi ngày, chúng tôi có thể đến các siêu thị, trung tâm thương mại để mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, hoặc chợ tự phát gần nhà. Chúng tôi cẩn trọng khi mua thực phẩm, chỉ chọn đồ tươi hoặc chắc chắn an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi có thể chọn chúng trên mạng và chỉ cần vài cái “click” là có người đưa đến tức thì, bất kỳ hàng hóa nào.
Từ nhiều tháng nay biết tình hình phong tỏa chống Covid-19 sẽ xảy ra đối với Bangkok và các tỉnh lân cận, một số nhà bán lẻ như BigC và cửa hàng tiện lợi 7-11 bắt đầu chiến dịch bán hàng trên mạng và giao hàng cho khách tận nhà. BigC còn cho xe lưu động quảng bá dịch vụ của mình khắp các khu dân cư. Vì vậy không có cảnh chen lấn hay gom hàng trong các siêu thị, có chăng là số người vào mua sắm đông hơn trước.
Chúng tôi có thể đến nhà hàng để chọn món nhưng không được ngồi ăn tại chỗ, thay vào đó phải mang đi. Ở trong nhà ngột ngạt, chúng tôi thỉnh thoảng đổi không khí bằng cách đặt món ở nhà hàng và đem ra công viên gần bên để gia đình cùng thưởng thức bữa tối ngoài trời. 
Thái Lan ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm tính từ khi Covid-19 được phát hiện ở vương quốc này hồi tháng 3.2020, khiến hơn 2.600 người tử vong. Chính phủ đang tăng cường tiêm chủng bên cạnh áp dụng biện pháp cách ly và phong tỏa toàn xã hội nhằm khống chế dịch bệnh. Hơn 11 triệu liều vắc xin, phần lớn được sản xuất từ Trung Quốc, đã được chích cho người Thái và người nước ngoài sinh sống tại đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.