Bánh mì Việt Nam: Từ bị 'tẩy chay' đến món ăn quốc dân

11/10/2022 09:26 GMT+7

Sáng nay (11.10), Báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp Việt Nam phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia”.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên đã mang đến bức tranh khái quát về hành trình bánh mì Việt, từ bối cảnh lịch sử du nhập, sự tiếp nhận sáng tạo của người Việt Nam cho đến trở thành món ẩm thực được nhận diện thành thương hiệu quốc gia như hiện nay trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Du nhập vào Việt Nam nhưng bánh mì đã có một hành trình kỳ lạ, kéo dài hàng trăm năm để trở thành món ăn "quốc dân"

NGỌC DƯƠNG

Từ phong tục phương Tây bị "tẩy chay"...

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, bánh mì vốn dĩ chỉ là món ăn đơn giản, nhưng ít ai nghĩ rằng, bản thân món ăn đơn giản này lại chứa đựng trong mình hành trình lịch sử, mà cụ thể là lịch sử mở rộng thuộc địa của người Pháp và phản ứng của người Việt với văn minh phương Tây, diễn ra trong suốt gần 100 năm.

Trên những chiếc tàu viễn chinh của người Pháp không chỉ có thủy quân, lục quân mà còn có cả những kiến trúc sư đến để xây dựng một thành phố kiểu Pháp dành cho người Pháp, dần biến đổi thành Gia Định trở thành một Sài Gòn mỹ lệ; có cả những đầu bếp và bột mì, bơ sữa để nấu những bữa ăn Pháp...

Rõ ràng, bánh mì đến xứ Đông Dương theo chân người Pháp khi tiến chiếm thuộc địa. Họ ăn bánh mì hằng ngày như người Việt ăn cơm. Cũng có một số giả thuyết cho rằng bánh mì đã xuất hiện theo chân các cha cố truyền đạo. Tuy nhiên, giả thuyết này, ông Nguyễn Ngọc Toàn nhận định rằng chưa đủ thuyết phục.

Bánh mì Việt Nam: Từ xe đẩy vỉa hè đến món ăn nổi tiếng thế giới

Người Việt đầu tiên ghi lại về bánh mì chính là Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất Gia Định - xứ Nam kỳ. Năm 1861, hai năm sau khi thành Gia Định thất thủ, ông viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, có câu: "Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ". Người Việt ban đầu ghét quân xâm lược nên cũng không ưa những phong tục phương Tây mang đến, trong đó có văn hóa ẩm thực.

Tuyên ngôn này của cụ Đồ Chiểu đã phát động phong trào đối kháng cả tinh thần lẫn vật chất với những tân thời phương Tây. Nhiều người đã theo ông tẩy chay rượu chát, giặt quần áo bằng tro chứ không dùng xà bông … Bánh mì cũng không ngoại lệ.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu tại Hội thảo

NGỌC DƯƠNG

Tới món ăn "quốc dân" phổ biến khắp cả nước

Tuy vậy, lâu dần, bánh mì đã gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt Nam từ lúc nào không biết, trở nên thân thuộc, gần gũi. Những khách hàng đầu tiên mua bánh mì có thể kể đến là học sinh trường Tây thời cũ, thông ngôn, bồi bàn, công chức tân trào…

Sau này bánh mì dần phổ biến đến khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn. Ban đầu món bánh của người Tây này được thưởng thức như một món ăn chơi. Sau này được biến tấu thành bữa ăn chính cho đến ngày nay. Món ăn phổ biến cho buổi sáng tiện lợi và dinh dưỡng.

Nói về cuộc hội nhập của bánh mì, Tổng biên tập Báo Thanh Niên dẫn lời nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: "Sài Gòn tự nó đã là một thành phố ngã ba đường, nối được những luồng thông thương chủ yếu với thế giới rộng lớn hơn bên ngoài, sự giao lưu không ngừng của những con người, những tư tưởng, luồng tư bản, hàng hóa.

Bối cảnh lịch sử, văn hóa của việc hội nhập bánh mì là quá trình tiêu biểu cho cuộc đụng đầu lịch sử: tập trung những xung đột và giao lưu, áp đặt và giải trừ, áp bức và đấu tranh, thắng lợi và thất bại, tình trạng thế giới hóa và nỗ lực bảo tồn phong hóa. Để rồi giờ đây, bánh mì đã là một thành tố quan trọng của văn hóa ẩm thực Việt".

Từ đó, ông Nguyễn Ngọc Toàn nhận định: Việc trở thành thành tố quan trọng của văn hóa ẩm thực Việt mà bánh mì mang lại không chỉ được thể hiện bằng tinh thần mà còn bằng sự tiếp nhận sáng tạo của Việt Nam đối với món ăn vốn dĩ không phải của cộng đồng mình.

Bánh mì Việt Nam được báo chí thế giới ca ngợi và vào từ điển Oxford

h.m

Từ việc đổi mới trong cách thức pha bột để cho vỏ bánh mì trở nên, giòn, xốp hơn… cho đến sự thăng hoa từ các loại nhân bánh mì mà chắc không có bánh mì tại quốc gia nào trên thế giới lại đa dạng về nhân bánh mì như Việt Nam, đó là sự sáng tạo vô hạn theo khẩu vị của từng vùng miền đã tạo cho bánh mì Việt Nam vượt ra khỏi phạm vi chỉ là một món ăn mà trở thành “thương hiệu” của ẩm thực Việt trên thế giới" -

Thông qua Hội thảo, Báo Thanh Niên kỳ vọng ngoài việc góp phần tôn vinh, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, đây còn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực quốc tế và trong nước để trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến tiến trình lịch sử Bánh mì Việt Nam - Hành trình giao thoa văn hóa, góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mì các nước trên thế giới.

Hội thảo có sự tham gia của các khách mời là chuyên gia ẩm thực, đầu bếp quốc tế, lãnh đạo các bộ ngành, giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học (khoảng 1.000 người).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.