Hành trình bánh mì Việt Nam: Bánh mì Việt Nam chinh phục thế giới

11/10/2022 06:30 GMT+7

Theo chân lính Pháp đến Sài Gòn, trở thành món ăn “quốc dân” nhờ trải mạng lưới chân rết phủ từ đường lớn đến phố nhỏ, ngõ hẻm khắp đất nước. Hành trình của bánh mì VN còn gây kinh ngạc cho tất cả mọi người khi tiếp tục “ngược dòng”, đưa văn hóa Việt chinh phục thế giới .

Người Việt đi tới đâu, bánh mì theo tới đó

Gần nửa năm sang Nhật Bản du học, Vũ Tuấn (28 tuổi) sút gần 10 kg. Một phần vì lần đầu tiên ra nước ngoài sinh sống một mình, phần khác vì chưa quen được với ẩm thực ở đất nước mặt trời mọc. Quê gốc Củ Chi, là dân Sài Gòn “chính hiệu” và chưa từng đi đâu xa nhà quá 2 tuần, Vũ Tuấn tự nhận không thể “xa” cơm tấm, hủ tiếu, đặc biệt là bánh mì. Gần 2 tuần cách ly ở khách sạn (theo quy định đối với người nhập cảnh mà Nhật Bản áp dụng hồi đầu năm) ngày 3 bữa ăn đồ Nhật, Tuấn nhớ bánh mì đến quay quắt. Hồi còn ở VN, sáng nào anh cũng ăn bánh mì. Ngày nào đổi bữa sáng thì đến trưa hoặc bữa xế… kiểu gì trong ngày Tuấn cũng phải “bỏ bụng” ít nhất một ổ bánh mì kẹp thịt. Vì thế, khi hết thời hạn cách ly và được đưa tới Higashikawa, một thị trấn nhỏ ở Hokkaido, điều đầu tiên mà chàng trai Sài Gòn lo lắng đó là “ở đây xa thành phố thế này, làm sao tìm được bánh mì VN”. Thế nhưng, chỉ vừa nhắc tới bánh mì, mấy người bạn Nhật Bản cùng phòng của Tuấn đã ồ lên: “Tưởng gì, chuyện nhỏ!”

Tiệm bánh “Bánh mì VN THIENG HENG” tại Paris, Pháp

N.T.T

Ngay hôm sau, mọi người đưa Vũ Tuấn đến TP.Sapporo, nơi có quán “Bánh mì Saigon Fresh”. Một tiệm bánh nhỏ chỉ có khoảng 2 bàn cho vài người khách ngồi ăn tại chỗ nhưng Saigon Fresh lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. “Người Nhật đến mua về rất đông. Mỗi ổ bánh mì ở đây giá từ 690 - 750 yen, khoảng 110.000 - 120.000 đồng, đắt gấp nhiều lần ở VN nhưng quan trọng là hương vị rất ngon. Vẫn là chả, giò, pate, trứng chiên, hành chẻ, đồ chua… những nguyên liệu quen thuộc. Mặc dù không có chan nước thịt kho như quán quen mình hay ăn ở Sài Gòn nhưng vẫn đậm đà vị chiếc bánh mì quê hương. Lần nào tới Sapporo mình và bạn bè cũng ghé Saigon Fresh. Mấy bạn Nhật Bản và Thái Lan cũng mê tít”, Vũ Tuấn không giấu nổi sự tự hào.

Càng khám phá Nhật Bản, chàng trai trẻ VN càng phát hiện ra có rất nhiều cửa hàng bánh mì ở nước này. Không chỉ là những thương hiệu thành chuỗi nổi tiếng như Bánh mì Saigon Fresh, Bánh mì Xin chào… bánh mì VN còn có mặt trên kệ hàng của hầu hết các chuỗi cửa hàng tiện lợi phổ biến ở Nhật Bản.

Thực tế, bánh mì đã theo chân người Việt đến những đất nước ở nửa kia địa cầu, trước khi phổ biến ở khu vực châu Á như hiện nay. Năm 1975, khi một bộ phận người Việt di cư sang bờ Tây nước Mỹ đã tạo nên cộng đồng người Việt tại đây rồi đưa món bánh mì đến rộng rãi hơn với người Mỹ, trước khi tiếp tục lan rộng sang Anh, Pháp, Đức, Úc… Theo điều tra dân số, đến năm 2020 đã có 2,1 triệu người gốc Việt sinh sống ở Mỹ. Tỷ lệ thuận với sự gia tăng dân số, từ con số 2, 3 cửa hàng bánh mì thịt VN trên đất Mỹ, mạng lưới món ăn quốc dân của người Việt đã phát triển mạnh mẽ, xuất hiện những thương hiệu mở rộng thành chuỗi, có chuỗi tới 62 cửa hàng ở 8 bang.

Được ghi nhận là cửa hàng đặt nền móng cho ngành công nghiệp bánh mì VN trên đất Mỹ, tiệm bánh Đông Phương (Dong Phuong Bakery) ở New Orleans, bang Louisiana là một trong 5 đơn vị nhận giải thưởng James Beard danh giá vào năm 2018. Từ cuối những năm 1970, gia đình bà Hương Trần định cư tại Louisiana rồi mở cửa hiệu bánh Đông Phương, một trong những lò bánh mì đầu tiên của khu vực, vào năm 1982. Lúc đầu, họ chỉ chú trọng phục vụ người Việt nghèo với đa số vừa định cư ở Mỹ bằng các loại bánh mì VN. Dần dần, Đông Phương trở nên nổi tiếng với món bánh mì pate, xúc xích, thịt gà nướng ăn kèm đồ chua và rau thơm tươi. Từ cửa hiệu bánh mì nhỏ trên con phố vắng, nay cửa hàng của bà Hương Trần đã thành nơi cung cấp sỉ bánh mì cho hàng chục quán cà phê và cửa hiệu khác. Dong Phuong Bakery gần như đã trở thành một trong những biểu tượng của TP.New Orleans.

Trở lại chinh phục người Pháp

Có rất nhiều hệ thống bánh mì VN vang danh ở Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Song, cuộc xâm nhập đất Pháp để đọ sức với baguette mới là câu chuyện hấp dẫn hơn cả. Tất nhiên, về số lượng cửa hàng, bánh mì thịt của VN không thể “đấu” với hệ thống tiệm bánh đồ sộ của một dân tộc mê bánh mì nhưng bánh mì VN vẫn đủ sức mê hoặc người Pháp ngay trên chính đất nước họ. Trên các trang chuyên hỏi đáp về điểm đến du lịch của người bản địa, nếu đặt câu hỏi “ăn bánh mì ở đâu ngon nhất Paris”, trong danh sách 10 câu trả lời chắc chắn sẽ có tới 1 - 2 tiệm bánh mì VN. Ở quận 13, bánh mì VN phổ biến không kém gì baguette. Bên trong tiệm bánh “Bánh mì VN THIENG HENG”, không khó để bắt gặp những người Pháp cầm trên tay chiếc bánh mì kẹp chả, bánh mì thịt bò, bánh mì xá xíu... Tờ nhật báo 77 năm tuổi của Pháp Le Monde còn nhận định bánh mì VN với hương vị thơm ngon sẽ là “đối thủ đáng gờm” của bánh burger kẹp thịt Mỹ.

Nguyên liệu dễ kiếm, dễ biến hóa đa dạng nhiều công thức, bánh mì dễ dàng theo chân người Việt đi khắp 5 châu. Thế nhưng, để có thể mê hoặc một người nước ngoài vì quá yêu mến hương vị đó nên phải tìm tòi học hỏi công thức để chuyển nghề kinh doanh, thì chắc chỉ có bánh mì Việt làm được.

Đầu tháng 8 vừa qua, câu chuyện anh Luke Farrell chuẩn bị khai trương cửa tiệm bánh mì VN với cái tên “Việt Populaire” trên đường New Oxford tại thủ đô London của Anh đã được đưa tin chi tiết trên trang tin địa phương secretldn. Trong ngày khai trương, anh Farrell tặng miễn phí 100 ổ bánh mì đầu tiên cho những khách đến sớm nhất. Bên cạnh phục vụ bánh mì truyền thống và bánh mì xíu mại của VN, quán của anh Farrell sẽ còn mang đến đặc sản cà phê phin đường phố mang hương vị Việt.

Chia sẻ trong ngày khai trương, anh Farrell bày tỏ rất hạnh phúc khi “Việt Populaire” được mọi người đón nhận. Là một đầu bếp có cơ hội đến VN và trải nghiệm nhiều món ăn địa phương, Farrell cho biết anh có niềm yêu thích đặc biệt với ẩm thực Việt, nhất là bánh mì. “Tôi dành tình yêu rất lớn cho bánh mì VN và thậm chí cảm thấy bị ám ảnh bởi món ăn này. Nó thôi thúc tôi phải mang bánh mì đến với quê nhà London nhằm chia sẻ hương vị của VN tới nước Anh xa xôi. Tôi chắc chắn sẽ mang đến món bánh mì VN ngon nhất cho người dân tại London để có thể chia sẻ niềm yêu thích ẩm thực Việt với mọi người”, Luke Farrell khẳng định.

Tôn vinh văn hóa bánh mì Việt Nam

Với mục đích nghiên cứu, sưu tập tư liệu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu khoa học về tiến trình lịch sử bánh mì VN - Hành trình giao thoa văn hóa, sáng nay (11.10), Báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp VN phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì VN: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia”.

Những nội dung được bàn luận trong hội thảo sẽ góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt so với bánh mì các nước trên thế giới, đồng thời tôn vinh văn hóa ẩm thực dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước VN ra thế giới.

Đồng thời, thông qua chương trình này, đặc biệt với sự tham gia của các siêu đầu bếp uy tín, nổi tiếng trên thế giới cùng đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, BTC mong muốn góp phần quảng bá văn hóa VN nói chung, TP.HCM nói riêng, thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố. Hội thảo có sự tham gia của các khách mời là chuyên gia ẩm thực, đầu bếp quốc tế, lãnh đạo các bộ ngành, giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học (khoảng 1.000 người).

Trong đó có sự góp mặt của bà Judy Koh (Hiệu trưởng Trường Creative Culinarie, thành viên Hiệp hội Bánh mì và bánh ngọt châu Á), ông Gunther Koerffer (Chủ tịch Liên đoàn Bánh mì và bánh ngọt thế giới), ông Trần Lê Thanh Thiện (Đại sứ gia vị, siêu đầu bếp thế giới tại VN), ông Lý Sanh (Nghệ nhân ẩm thực VN, Cố vấn Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại VN), PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu (Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang) và ông Nguyễn Ngọc Toàn (Tổng biên tập Báo Thanh Niên, chủ trì hội thảo)… Hội thảo được tổ chức tại Hội trường Trịnh Công Sơn, Trường ĐH Văn Lang (69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.