Theo Vụ Thị trường trong nước, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã gửi phương án cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ, trong đó đặc biệt chú trọng đến 13 mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, nước uống, khẩu trang, gas… Vụ Thị trường trong nước cũng đã xây dựng sơ đồ tổng kho theo vùng về nguồn hàng để có thể điều tiết khi cần thiết.
Bộ Công thương đã giao cho Vụ thị trường trong nước làm việc với các địa phương, doanh nghiệp đầu mối cung ứng, phân phối hàng hóa để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa, về tình hình lưu trữ, phương án, nhân lực vận chuyển hàng hóa trong những ngày tới. Đặc biệt, các địa phương phải thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình về cung cầu hàng hóa từ 3 - 4 tiếng/lần và giữ liên lạc thông suốt với lãnh đạo, cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp cung ứng hàng hóa.
|
Trước đó, chiều 31.3, sau khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp trực tuyến triển khai ngay các biện pháp, trong đó tập trung xử lý vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hóa, điện cũng như các vấn đề cấp bách khác. Ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) để cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế). Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Ngoài ra, Bộ cũng giao cho Cục Điều tiết điện lực làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cập nhật tình hình liên tục qua hình thức trực tuyến, triển khai các phương án, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như các cơ sở y tế, cơ sở cách ly. Cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng ra công văn 1972 về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm vận hành an toàn, ổn định và liên tục hệ thống điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt người dân trong thời gian 1.4 - 15.4, khoảng thời gian “cách ly toàn xã hội” theo Chỉ thị của Thủ tướng. Đặc biệt, EVN lưu ý đối với cán bộ công nhân viên trong ngành điện trực tiếp sản xuất như: bộ phận điều độ, viễn thông, công nghệ thông tin, vận hành nhà máy, trạm biến áp, bộ phận sửa chữa… bố trí chỗ nghỉ tập trung sau ca làm việc, gần nơi làm việc, nơi nghỉ của các kíp tách biệt nhau để sẵn sàng thay thế, hỗ trợ lẫn nhau.
Bình luận (0)