Bảo đảm các điều kiện để trẻ em khuyết tật được tiếp cận với giáo dục

Bích Thanh
Bích Thanh
12/09/2022 16:19 GMT+7

Ngày 12.9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai việc thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Giáo viên trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập huyện Bình Chánh

T.T

Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các phòng GD-ĐT tích cực tham mưu với UBND chỉ đạo thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập nhằm thúc đẩy công tác giáo dục hòa nhập ở TP.Thủ Đức và từng quận, huyện. Đối với những nơi có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đồng thời xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ khuyết tật.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các quận, huyện bảo đảm các điều kiện để trẻ em khuyết tật được tiếp cận với giáo dục, tăng cường giáo dục hòa nhập. Tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vấn đề giáo dục hòa nhập, trong đó học sinh học hòa nhập được học tập và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân. Tùy theo dạng tật, mức độ khuyết tật mà học sinh được miễn một phần, một số nội dung, một số môn học với mục tiêu giúp học sinh khuyết tật được giao tiếp, hoạt động cùng bạn bè, hòa nhập và yêu cuộc sống.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng nhấn mạnh, phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện tham mưu với các cấp có thẩm quyền để thực hiện đầy đủ các chính sách đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập và đối với các cơ sở giáo dục có học sinh khuyết tật học hòa nhập. Bồi dưỡng giáo viên về công tác dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập qua các lớp tập huấn với giảng viên chuyên trách giáo dục trẻ khuyết tật. Trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học phù hợp. Đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp ghép các điểm trường tại những nơi đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, đối với trẻ em lang thang cơ nhỡ, Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức các lớp học linh hoạt cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ theo kế hoạch dạy học và thời khoá biểu được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương. Nội dung học tập cần tập trung vào các môn tiếng Việt, toán nhằm rèn kỹ năng đọc, viết và tính toán cho học sinh. Căn cứ số lượng trẻ, có thể tổ chức thành các lớp cùng trình độ hoặc các lớp ghép không quá 2 trình độ. Đánh giá, xếp loại học sinh có hoàn cảnh khó khăn thực hiện theo quy định hiện hành và căn cứ vào mức độ đạt được so với nội dung và yêu cầu đã được điều chỉnh theo quy định.

Cũng trong kế hoạch giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, Sở GD-ĐT đề nghị phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện tham mưu lãnh đạo UBND tiếp tục triển khai, tuyên truyền rộng rãi qua các trang mạng xã hội để huy động các nguồn lực giáo viên, sinh viên sư phạm (trên địa bàn phường) tự nguyện đem kiến thức đến với trẻ. Bên cạnh đó cần phối hợp các ban, ngành địa phương để hỗ trợ cho lực lượng giáo dục và bản thân học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.