Nói không với xứng tầm, kỷ lục
GS-TS Nguyễn Thị Hiền (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã cảnh báo về nguy cơ hủy hoại không gian, ý nghĩa của di sản tại hội thảo "Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng" do Hội Di sản văn hóa VN và Sở VH-TT Hà Nội tổ chức ngày 26.12.
Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết một số di sản như hát xoan, dân ca quan họ Bắc Ninh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... sau khi được UNESCO ghi danh đã bị gắn thêm ý tưởng và quan điểm về sự xứng tầm, hoành tráng. "Điều này tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn làm hủy hoại đến không gian, ý nghĩa vốn có của di sản", bà Hiền nói.
Bà Hiền cũng nhắc tới việc các không gian trình diễn hát xoan được mở rộng, những đền thờ mới trong Khu di tích lịch sử văn hóa đền Hùng (Phú Thọ) được xây thêm. Bên cạnh đó, các tour du lịch cũng được kết nối với đình của 4 làng xoan cổ mới được trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới. Những điều này được coi là làm thay đổi nhận thức về những giá trị vốn có của di sản để đáp ứng nhu cầu của người ngoài cộng đồng - khách du lịch.
GS-TS Hiền còn cảnh báo về việc xây dựng và triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản như đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO về không gian cồng chiêng Tây nguyên, ca trù, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt... chưa được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên từ sau khi được ghi danh.
"Đôi khi, do hiểu biết chưa đầy đủ về sự ghi danh, còn có quan điểm cho rằng sự ghi danh trong các danh sách mang tầm quốc tế và tầm quốc gia, vì thế một số địa phương đã sử dụng di sản văn hóa phi vật thể như một đối tượng, một công cụ để khai thác du lịch hay lập kỷ lục, tức là triển khai những hành động khai thác, quảng bá mà không vì mục đích bảo vệ di sản cho cộng đồng", GS-TS Hiền phân tích.
Điều này khiến nhiều người nghĩ đến kỷ lục cả nghìn người cùng hát quan họ ở Bắc Ninh hay vòng xòe kỷ lục ở Yên Bái… Đó là những thực hành văn hóa có thể dẫn đến nguy cơ làm sai lệch di sản, gây chia rẽ cộng đồng sở hữu di sản.
Chú trọng chính sách cho nghệ nhân
Cũng trên quan điểm đề cao cộng đồng của di sản văn hóa phi vật thể, hội thảo có nhiều ý kiến liên quan đến các nghệ nhân, chính sách cho nghệ nhân để từ đó thúc đẩy cộng đồng giữ di sản.
GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, cho biết cuối năm 2022 Hội Văn nghệ dân gian VN đã nhận được cuộc điện thoại của PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, đề nghị xem xét công nhận nghệ nhân cho 4 nghệ nhân múa Ải Lao (Hà Nội). Trong số này có cụ Nguyễn Văn Lũy, đúng 100 tuổi, là nghệ nhân nắm bắt và truyền dạy những kỹ năng của điệu múa Ải Lao của hội Gióng.
"Về thủ tục, mỗi năm hội chỉ có 2 lần xét phong tặng nghệ nhân vào các đợt họp ban chấp hành giữa năm và cuối năm. Tuy nhiên, gặp những trường hợp như trên, hội sẵn sàng tiến hành các thủ tục để công nhận và phong tặng cho họ, đề phòng việc chờ đến lúc ban chấp hành họp thì nghệ nhân đã qua đời. Khi đó, dù có truy tặng thì cũng đâu còn nhiều ý nghĩa", GS-TS Lý cho biết.
GS-TS Lê Hồng Lý cũng cảnh báo việc thời gian qua có không ít những vụ việc lấy danh nghĩa hội, đoàn để vinh danh, thu tiền người thực hành di sản. Ông cho biết Hội Văn nghệ dân gian VN thường xuyên từ chối các trường hợp đến xin chứng nhận đã tham gia hội thảo, tọa đàm hoặc thực hành di sản tại đâu đó. "Thậm chí họ sẵn sàng nộp một khoản lệ phí không nhỏ để có được những chứng nhận đó, song chúng tôi luôn từ chối. Hiện tượng lấy danh hội, đoàn này nọ để chứng nhận, ghi danh tên tuổi rồi thu lệ phí của người thực hành di sản không phải là hiếm thấy ở nước ta thời gian qua".
Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu (Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện giữ di sản phi vật thể của mình. Ông cho biết trước năm 2007, địa điểm buôn bán, giới thiệu các sản phẩm con giống bột diễn ra chủ yếu ở công viên hay gần trường học. Năm 2007, Nghị định 39 ra đời cấm bán hàng rong, những người làm nghề nặn con giống bột không được hoạt động trong các không gian công cộng như trước nữa. Nhiều người làm nghề của làng tò he đã bỏ nghề.
Ông Hậu sau đó lập website toheviet.vn và fanpage "Tò he Việt" để quảng bá sản phẩm thay vì buôn bán trực tiếp nơi công cộng. Ông cũng liên hệ với các trường học, các sự kiện văn hóa tổ chức trải nghiệm nặn con giống bột, tạo thêm thu nhập cho người làm tò he. Ông Hậu còn mở lớp dạy nghề miễn phí cho học sinh từ 15 tuổi trở lên. "Ngoài học miễn phí, các em còn được trả lương ngay sau khi hoàn thiện được những sản phẩm đầu tiên. Đó cũng là cách để tôi khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn nghề truyền thống", ông Hậu nói.
Ông Hậu đề xuất cần thống kê lại lao động ở các làng nghề để xem xét bổ sung và bồi dưỡng lao động đang bị thiếu hụt, cải thiện mức thu nhập của những người thợ có tay nghề cao. Ông cũng cho rằng cần hỗ trợ nhiều hơn các nghệ nhân, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho nghệ nhân, thợ giỏi học thêm về thiết kế, học vẽ, kiến thức về văn hóa, lịch sử...
Bình luận (0)