Không chỉ 3 vụ tai nạn đau lòng này mà nhiều vụ tai nạn đuối nước khác thường xảy ra ở khu vực nông thôn, vào thời điểm sau khi tan trường, học sinh rủ nhau ra kênh mương hay sông suối để tắm.
Thậm chí, có nhiều vụ đuối nước tập thể do các em biết bơi ứng cứu bạn bị sập hố sâu dẫn đến cùng gặp nạn.
Qua các vụ việc này, dễ dàng nhận ra vấn đề là học sinh ở Việt Nam còn yếu về kỹ năng phòng chống đuối nước cũng như các kỹ năng mềm khác. Trong nhiều lần tác nghiệp liên quan đến tai nạn đuối nước, tôi thường chỉ ao ước: Giá như các em biết bơi, biết khi cứu bạn đuối nước không được tự nhảy xuống cứu trực tiếp mà phải hô hoán, dùng sào, dùng dây… thì chuyện đau lòng đâu có xảy ra.
Môi trường sống ở Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn có nhiều ao hồ, kênh, rạch, sông, suối… là nguy cơ tiềm ẩn của đuối nước. Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, trước hết là phải dạy bơi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, hiện việc dạy bơi cho học sinh trong nhà trường còn hạn chế; rất ít trường học đầu tư bể bơi do thiếu kinh phí; nhiều trường chỉ tập trung vào việc dạy văn hóa mà không quan tâm đến việc trang bị các kỹ năng mềm cho học sinh…
Vì vậy, ngành giáo dục cần quan tâm, tăng cường hơn nữa việc dạy những kỹ năng mềm cho học sinh, trong đó có dạy bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước… để giúp các em có cách ứng xử phù hợp với các tình huống thực tế của cuộc sống.
Trong khi việc dạy ở nhà trường còn hạn chế thì phụ huynh cần chủ động hơn trong việc trang bị kỹ năng mềm cho học sinh như: tự đưa con đi học bơi, trang bị cho các em kỹ năng nhận biết để tránh xa các khu vực nguy hiểm, vũng nước sâu, cách cứu đuối nước…
Hơn nữa, phụ huynh phải thường xuyên kiểm soát, theo dõi việc đi lại, vui chơi của con em mình để bảo vệ an toàn các em; đồng thời không nên chủ quan và ủy thác trách nhiệm nuôi dạy con cho xã hội hay quá tin tưởng vào khả năng của con em mình...
Bình luận (0)