Sáng 11.5, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư; Bộ VH-TT- DL; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đài Truyền hình Việt Nam và Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”.
Ban tổ chức chủ trì hội thảo |
ngọc thắng |
Nhiều thách thức bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, đã đánh giá cao những phong trào và hoạt động của tổ chức Đoàn để góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa.
Đó là sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia bên cạnh những điểm tích cực, cũng còn có những thách thức khi những giá trị không phù hợp với văn hóa Việt, thậm chí có cả những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo |
ngọc tHẮng |
Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội để tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ. Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Ông Nghĩa biểu dương T.Ư Đoàn chủ trì tổ chức hội thảo giúp cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương có thêm cái nhìn toàn diện về những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay và vai trò, sứ mệnh của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ cao cả đó.
Theo ông Nghĩa, cần tận dụng tối đa ưu thế của không gian mạng và quá trình chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của dân tộc, những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc; về vị trí, vai trò của văn hóa đối với quá trình phát triển đất nước.
"Coi trọng việc phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách trong thanh thiếu nhi và xây dựng thanh thiếu nhi phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tâm hồn để phát triển văn hóa", ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng, cần chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng với phương châm “nhận thức đúng, thông tin đủ, hành động nhanh, kết nối mạnh, lan toả rộng”.
Cần cơ chế kiểm soát kịp thời
Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu ra những thực trạng báo động về sự xâm lăng văn hóa trên không gian mạng. Ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch, Tổng giám đốc DatVietVAC Group Holdings, cho biết Việt Nam đã có nhiều nỗ lực kiểm soát truyền thông, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong không gian mạng chưa thực sự làm chủ được. Các tập đoàn tư bản xuất khẩu văn hóa tư tưởng xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng chưa có chế tài quản lý, giám sát, xử phạt từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế về tính hợp pháp của hoạt động và phân phối nội dung.
Ông Đinh Bá Thành báo động về sự xâm lăng văn hóa trên không gian mạng |
Ngọc thắng |
“Họ không tương đồng về nền tảng chính trị, văn hóa, giá trị, tư tưởng với Việt Nam. Người tiêu dùng sản phẩm không được bảo vệ. Không bị kiểm duyệt nội dung, không được biên tập phù hợp, không được biên dịch đầy đủ. Vì vậy, có nhiều sản phẩm tác động không tốt, cung cấp thông tin không chính xác đến người dân, hoặc có những sản phẩm không phù hợp với văn hóa Việt Nam”, ông Thành lưu ý.
Theo ông Thành, nếu không có cơ chế kiểm soát kịp thời, những thông tin đó sẽ tác động tiêu cực tới rất nhiều khán giả, trong đó chủ yếu là khán giả trẻ.
“Hãy cùng hình dung ra những hậu quả nghiêm trọng, một khi không gian mạng mất chủ quyền, văn hóa biến chất, và những giá trị bản địa bị hòa tan. Hãy hình dung toàn bộ thế hệ trẻ, những người kế thừa đất nước tương lai, bị tấn công vào trí não từng giây phút, mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị điện tử, một cách có hệ thống trên không gian mạng mà không nhận thức được điều đó, hoặc có nhận thức được thì không cưỡng lại được, hoặc xem như đó là bình thường, thậm chí là một phần lối sống hợp xu thế”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó còn là những tổn thất to lớn khác trong nhiều lĩnh vực thiết yếu: về kinh tế và nguồn lực, giáo dục, gia đình, xã hội... “Chúng ta được gì khi không quan tâm, chấp nhận cho con cháu xem phim bạo lực, gợi dục, trả thù, suy tôn đồng tiền hào nhoáng mỗi ngày? Một thế hệ trẻ thả trôi cho bản năng cuốn trôi vô định. Sẽ còn ai quan tâm đến đồng bào khi thần tượng của các bạn là những idol vụt sáng rồi lụi tàn sau đó ít lâu, và họ lại sẵn sàng chạy theo idol khác”, ông Thành chia sẻ.
Bà Từ Thị Loan chia sẻ những mặt trái của mạng xã hội |
ngọc thắng |
Theo GS - TS Từ Thị Loan, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện các kênh truyền thông cực đoan của các thế lực thù địch được phát hành tự do, thoải mái trên mạng. Việc gỡ bỏ, ngăn chặn các kênh thông tin xấu độc này là cực kỳ khó khăn. Điều đó có thể gây lung lạc, ảnh hưởng đến nhận thức, niềm tin của thế hệ trẻ.
Các hành vi phản cảm, ứng xử vô văn hóa trên không gian mạng ngày càng lan tràn: những thông tin lá cải, tin tức hot về giới showbiz, scandal của những người nổi tiếng, các chiêu trò đánh bóng tên tuổi, lăng xê, tung ảnh nóng, hiện tượng ném đá hội đồng, cuồng “like”, comment “bẩn”, háo danh trên mạng, anh hùng bàn phím... ngày càng phổ biến. Ngôn ngữ mạng (ngôn ngữ thời @, ngôn ngữ tuổi teen…) đang ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt
“Nhìn chung, việc bảo vệ biên cương về văn hóa tư tưởng trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, phức tạp. Biên cương đó khó có thể bảo vệ tốt nếu chúng ta không có sự kiểm soát chặt chẽ, biện pháp quản lý tương thích và chế tài xử lý phù hợp”, bà Loan nói.
Bình luận (0)