Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong bảo vệ biên cương văn hoá

Vũ Thơ
Vũ Thơ
11/05/2022 07:17 GMT+7

Ban tổ chức hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” cho biết nhiều tham luận đưa ra giải pháp để phát huy vai trò của tuổi trẻ trong bảo vệ biên cương văn hoá.

Sáng nay 11.5, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”.

Một tiết mục văn nghệ trong buổi toạ đàm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vùng biên vừa được T.Ư Đoàn tổ chức tại Hà Giang

đăng hải

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến và phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội của Đoàn từ T.Ư tới cơ sở.

Tham gia và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; ông Đặng Xuân Phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; PGS - TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn.

Những thách thức của phát triển văn hoá

Ban tổ chức cho biết, hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là điều kiện, động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Ngọc tHẮng

Tuy nhiên, việc tiếp xúc và giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay đã mang đến những thách thức cho sự phát triển của văn hóa như: sự tụt hậu về văn hóa so với tốc độ phát triển kinh tế, sự chệch hướng về phát triển văn hóa; xu hướng phản văn hoá, văn hoá ngoại lai và sự “xâm lăng mềm” về văn hóa từ bên ngoài, đang ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là đối với thế thế hệ trẻ.

Văn hóa trở thành một trong những mũi nhọn chống phá của các thế lực thù địch. Tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để vừa phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong tham gia phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới, phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia mang thương hiệu Việt Nam; vừa nhận thức đúng và hành động đúng để góp phần bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong kỷ nguyên số.

Hội thảo nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021; thể hiện vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam trong công cuộc giữ gìn, phát triển và chấn hưng văn hóa Việt Nam, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo về nền văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Thanh niên các dân tộc tham gia buổi toạ đàm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vùng biên tại Hà Giang

đăng hải

Nhiều tham luận phân tích về không gian mạng

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận của đại biểu. Các tham luận đều được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, tổng kết từ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hoá. Nội dung tham luận tập trung trên 2 nhóm vấn đề chính:

Một là, nhận diện tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ văn hóa xuyên biên giới đối với công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó phân tích nguyên nhân đề xuất, kiến nghị giải pháp với Đảng, Nhà nước bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong kỷ nguyên số.

Hai là, phân tích về vị trí, vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng và phát triển các dịch vụ văn hóa xuyên biên giới phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam, qua đó góp phần thiết thực bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Các bài tham luận gửi tới hội thảo đề cập đến nhiều nội dung, trên nhiều khía cạnh, rất đa chiều cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nhiều tác giả tập trung phân tích sâu về không gian mạng và tác động của không gian mạng đến các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, nhất là về thể chế, chính sách pháp luật để quản lý, tạo môi trường cho các sản phẩm văn hóa truyền thống, tinh hoa văn hóa nhân loại được giao thoa, được ươm mầm, nảy nở.

Nhiều tham luận đề cập đến thực trạng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời để xuất giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa “made in Vietnam” ngang tầm thế giới.

Nhiều tham luận đề cập sâu đến nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng thụ hưởng các sản phẩm văn hóa của thế hệ trẻ hiện tại và tương lai, từ đó đề xuất giải pháp cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp; các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương triển khai các phong trào thi đua, các hoạt động sát với thực tiễn.

Các tham luận cũng đưa ra giải pháp tạo môi trường, cơ chế để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh văn hóa, tạo ra những sản phẩm mới, giá trị mới phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần thực chất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.