Nhiều bạn đọc bức xúc thốt lên “Bao giờ thì hết ngập?” và mong muốn TP.HCM có giải pháp căn cơ để trị dứt điểm vấn nạn “trời mưa, ngập nước, kẹt xe” vốn đã kéo dài nhiều năm nay.
Như Thanh Niên đã đưa tin, chỉ mới mấy cơn mưa đầu mùa mưa mà đường phố TP.HCM nhiều nơi ngập nặng dẫn đến kẹt xe, làm đảo lộn đời sống, sinh hoạt của nhiều người dân.
Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã giải quyết được 25/36 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Trong đó, nhiều tuyến đường như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, QL13 (Q.Bình Thạnh), An Dương Vương... thực tế lại là những tuyến đường ngập nghiêm trọng ngay trong những trận mưa đầu mùa. Tương tự, Sở Xây dựng dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xóa được 9/9 tuyến đường trục chính bị ngập do triều nhưng trước khi mùa mưa tới, hàng loạt tuyến đường từ cửa ngõ đến nội thành của TP cũng đã biến thành sông vì triều dâng...
Ngập nước, kẹt xe là... “đặc sản”
Lý giải về những ngày vừa qua đường phố và nhiều nhà dân bị ngập nước, nhiều bạn đọc (BĐ) nói “vui” rằng “ngập là tại... trời mưa”. BĐ Chăm hài hước: Lỗi tại ông trời mưa, nếu nắng mà ngập thì mới tại mình. Đáp lại, BĐ Minh Diện cho rằng: “Triều cường cũng gây ngập chứ có phải trời mưa không đâu”. Cái điệp khúc “trời mưa, ngập nước, kẹt xe” đã quá quen thuộc trong nhiều năm qua đến mức nhiều BĐ cho rằng “phải sống chung với ngập”, hoặc như BĐ Vy Thái thì gọi “ngập nước, kẹt xe” là “đặc sản” của TP.HCM.
Trong khi đó, thẳng thắn nhìn vào vấn đề, nhiều BĐ chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ngập, đó là ý thức kém của không ít người. BĐ Bích Quyên nhận định: Ngập là chuyện đương nhiên rồi, thử nhìn các cống xem, bao nhiêu là rác, thứ gì cũng tống xuống cống được thì không ngập mới lạ.
Cùng quan điểm, BĐ Vietroad cho biết: Một người làm 10 người phá thì làm cả đời cũng không xong. Mới móc cống hôm trước hôm sau lại đầy rác. Ra đường thì vô tư phát tờ rơi bay tá lả trên đường mà chả thấy ai nói gì, mưa xuống lại dồn hết xuống cống. Quán ăn lề đường thì cứ vô tư đổ thức ăn thừa với bao nhiêu là dầu mỡ xuống miệng cống, lâu ngày bít hết miệng cống, chỗ đâu mà nước chảy. Còn hàng tá hành động vô ý thức như vậy thì có... NASA mới quy hoạch nổi.
Làm sao để dứt điểm ngập nước?
“Tôi tán đồng ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Muốn dứt điểm ngập, phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực chứ không chỉ tập trung giải quyết mỗi con đường. Đối với các tuyến đường trung tâm cũng vậy, nếu chỉ dựa vào một vài dự án cải tạo đường ống thoát nước thì không thể hết ngập. Do đó, TP cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng...”. Nhưng bao giờ thì làm được, bao giờ thì hết ngập?”, BĐ Xuân Dũng bức xúc viết.
Câu hỏi của BĐ Xuân Dũng cũng là câu hỏi của nhiều BĐ khác. BĐ Chuc Quan thẳng thắn: Hãy phạt người quy hoạch, người phê duyệt quy hoạch kém để xảy ra ngập nước, tắc đường. BĐ Vothienthong cho rằng: Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng xem ra cũng luẩn quẩn, loay hoay tìm lối thoát chứ chưa phải là giải pháp chống ngập hiệu quả. Càng chống càng ngập thì người dân TP phải chịu đựng đến bao giờ? BĐ mr***@gmail.com cũng cho rằng: “Cao độ, đường ống, rác thải, lấn chiếm kênh rạch, quy hoạch yếu kém... là những nguyên nhân”, và tỏ ý lo lắng “hệ thống chống ngập 10.000 tỉ cũng không biết có chống ngập nổi không?”.
Chúng ta cứ loay hoay mãi mà ngập vẫn cứ ngập. Và theo tôi sẽ còn ngập dài dài nếu vẫn cứ loay hoay mãi thế này. Chẳng lẽ thời đại 4.0 là ngập đường từ 4 tấc trở lên? Đô thị thông minh là đô thị kết hợp xe và xuồng, mô tô nước?
Chất
“Khu vực trung tâm TP.HCM sẽ hết ngập vào năm... 2021”, các bác nói được thì làm cho được nhé. Nghe nhiều rồi mà chưa thấy hết ngập.
Quang Bửu
|
Bình luận (0)