Bão số 6 đổ bộ, sóng biển cao 3 - 6 m đe dọa cảng biển

09/11/2019 06:06 GMT+7

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, bão số 6 khiến sóng biển ngoài khơi cao 7 - 8 m; ở ven bờ sóng cao từ 4 - 6 m.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 6, trong ngày 8.11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư, lãnh đạo một số địa phương để triển khai công tác ứng phó với bão số 6 hiện đang hướng vào các tỉnh nam Trung bộ.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết bão số 6 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh trong khoảng từ chiều tối 10.11 cho đến rạng sáng 11.11. Các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự báo sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 - 13.
Người dân ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) gia cố lại mái nhà trước khi bão đến ẢNH: BẢO THOA
Người dân ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) gia cố lại mái nhà trước khi bão đến ẢNH: BẢO THOA

Người dân ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) gia cố lại mái nhà trước khi bão đến

ẢNH: BẢO THOA

Ông Khiêm cảnh báo, bão số 6 khiến sóng biển ngoài khơi cao 7 - 8 m; ở ven bờ sóng cao từ 4 - 6 m. Nước biển dâng kết hợp triều cường cao 2 - 3 m. Đặc biệt, vùng biển các tỉnh bão đổ bộ trực tiếp như Bình Định - Phú Yên có sóng cao 5 - 6 m. Sâu bên trong cảng Quy Nhơn có sóng cao 3 - 4 m; khu vực Phú Yên sóng cao 4 - 5 m. “Sóng biển dâng cao kèm gió mạnh sẽ tác động trực tiếp đến các khu neo đậu tàu thuyền, bến cảng và các công trình đê kè biển”, ông Khiêm nói.

Cấp tập ứng phó bão

Ngày 8.11, các tỉnh duyên hải nam Trung bộ đã sơ tán hàng ngàn hộ dân đến nơi an toàn, ban hành lệnh cấm biển, điều động lực lượng vũ trang, lập sở chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 6.
Chiều 8.11, UBND tỉnh Bình Định thành lập các đoàn kiểm tra các công trình xung yếu, cảng cá, đê điều... để ứng phó với bão số 6. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kiểm tra công tác ứng phó bão tại xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn) và tại cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, H.Phù Cát). Ông Dũng yêu cầu UBND TP.Quy Nhơn huy động lực lượng gia cố xong đoạn kè biển Nhơn Hải bị bão số 5 làm sập đổ và di dời các hộ dân sinh sống sát đoạn kè này trước khi bão số 6 đến. Ông Dũng chỉ đạo Cảng vụ Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh bố trí khu vực neo đậu tàu cá, tàu hàng an toàn, nhất quyết không để các phương tiện bị trôi neo.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Định có văn bản giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT và chính quyền các địa phương không cho tàu thuyền xuất bến bắt đầu từ 17 giờ ngày 8.11 cho đến khi kết thúc bão số 6. Sở GD-ĐT cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc cho học sinh, học viên được nghỉ học ngày 11.11, sau đó tùy tình hình thời tiết sẽ có quyết định tiếp theo.
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố dừng tất cả các cuộc họp để dành thời gian triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6. Hiện UBND tỉnh Bình Định lên phương án di dời 1.300 hộ dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, triều cường. Trong chiều 8.11, các địa phương trong tỉnh củng cố các đội xung kích, tập trung sơ tán dân, dự kiến sẽ hoàn thành công tác này trước 12 giờ ngày 10.11.
Tại Phú Yên, sáng 8.11, Sở GD-ĐT tỉnh đã có thông báo cho phép học sinh nghỉ học ngày 11.11. Chiều cùng ngày, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ban hành lệnh cấm tàu thuyền các loại ra khơi và đánh bắt thủy, hải sản trên biển, ven bờ, kể từ 7 giờ ngày 9.11; yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin diễn biến của thời tiết để chủ động thông báo cho ngư dân hoạt động hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão...
Tại Quảng Ngãi, chiều 8.11, UBND tỉnh triệu tập khẩn cấp cuộc họp để bàn biện pháp ứng phó với bão số 6. Tại Quảng Ngãi khả năng có mưa to đến rất to, các sông sẽ xuất hiện lũ ở mức báo động 3 và trên báo động 3; dự báo sẽ có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đồi ở các vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp. Tỉnh đã sẵn sàng di dời 3.614 hộ với 13.633 nhân khẩu; đưa lực lượng sẵn sàng di dời, ứng cứu ở các điểm nguy cơ ngập lũ với 8.184 hộ (28.626 nhân khẩu), khu vực trọng điểm sạt lở đất, núi với 1.429 hộ (5.624 nhân khẩu).
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, đến chiều 8.11 đã liên lạc với tất cả các tàu thuyền đang đánh bắt ở các vùng biển, với 375 tàu thuyền (4.448 lao động). Các tàu này hiện đã tìm nơi trú ẩn, trong đó có 11 tàu thuyền với hơn 300 lao động đang đánh bắt gần Philippines cũng vào trú, cập bến tại vùng biển nước này an toàn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh này cũng chốt 100% quân số trực chiến, ứng phó bão; đã lập sở chỉ huy tiền phương tại H.Đức Phổ, sẵn sàng giúp chính quyền và nhân dân... Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thông báo cho tất cả học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 11.11.
Ngày 8.10, UBND tỉnh Khánh Hòa có công điện khẩn về việc triển khai ứng phó với bão số 6 và mưa lũ. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở ngành... rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, có nguy cơ sạt lở.
Các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12 giờ ngày 10.11; ngưng hoạt động cáp treo Vinpearl từ 18 giờ ngày 10.11. Đối với ngư dân, hộ đang nuôi trồng thủy sản tại các lồng bè trên biển phải vào bờ bắt buộc trước 15 giờ ngày 10.11 cho đến khi hết bão. Sở GD-ĐT và các trường học thực hiện cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong hai ngày 10 và 11.11...
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các dự án, công trình xây dựng (đặc biệt là tại các khu vực đồi núi); chỉ đạo chủ đầu tư kiểm tra, tháo dỡ hoặc hạ thấp các cần cẩu, che chắn các khu vực đang xây dựng, hố móng công trình để đảm bảo an toàn...
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão nên các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và khu vực Tây nguyên sẽ có một đợt mưa to đến rất to. Đợt mưa này bắt đầu từ chiều 9.11 và kéo dài đến hết ngày 12.11 với tổng lượng mưa phổ biến trong khoảng 200 - 400 mm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh không được phép chủ quan trong công tác ứng phó bão số 6 khi thông tin dự báo đây là cơn bão mạnh nhất từ đầu mùa mưa bão đến nay. Các địa phương nằm trong vùng dự báo rà soát ngay các công trình kè, đê biển, đặc biệt là vị trí xung yếu có biện pháp gia cố, không để xảy ra các tình huống mất an toàn khi bão đổ bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.