Báo Thanh Niên giúp nhiều học sinh 'đứt gánh giữa đường' viết tiếp ước mơ đời mình

02/01/2023 06:00 GMT+7

Nhờ loạt bài trong chương trình học bổng “Nghị lực mùa thi” của Báo Thanh Niên mà hằng năm nhiều học trò gặp nguy cơ “đứt gánh giữa đường” vì hoàn cảnh quá khó khăn, đã được rất nhiều tấm lòng hảo tâm san sẻ và hỗ trợ để các em viết tiếp ước mơ đời mình.

Một trưa cuối năm, cái nắng miền Nam đã bớt oi bức nhờ những đợt khí lạnh chiều lòng người, tiếng chuông điện thoại reo và ở đầu máy bên kia, giọng chân chất của bà Hai vang lên: “Con ơi, bà Hai gửi lên ít quà miền biển, cây nhà lá vườn không à, con ăn lấy thảo nha. Từ ngày Thư nhận được tiền hỗ trợ để học đại học, bà Hai mừng quá ngủ không được con ơi. Bà Hai biết ơn con, biết ơn quý báo nhiều lắm…”.

Nguyễn Thị Kim Thư (cháu ngoại bà Hai) là một trong rất nhiều học trò nhận được học bổng Nghị lực mùa thi và đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên trong học tập.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN, trao học bổng “Nghị lực mùa thi” của Báo Thanh Niên cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Đào Ngọc Thạch

Vẫn chưa dám tin mình được học đại học

Đến nay đã gần 1 học kỳ Thư trở thành sinh viên mà bà Hai vẫn kể là mừng vui đến nỗi ngủ không được. “Cuộc đời bà Hai chưa bao giờ được cầm số tiền lớn như thế này. Thư còn được trường cấp học bổng học đại học miễn phí, sao bà Hai không vui được con. Số tiền hôm đại diện Báo Thanh Niên trao, bà Hai giữ đó không dám động đến đồng nào, tất cả để lo cho Thư ăn học. Thư được hỗ trợ để học đến nơi đến chốn là điều bà Hai hạnh phúc nhất…”, bà Hai nói tiếng được, tiếng mất vì nghẹn ngào.

2022 nhìn lại: Việt Nam đã thực sự vượt qua đại dịch Covid-19?

Cũng là một trong những nhân vật của loạt bài Nghị lực mùa thi trên Báo Thanh Niên được bạn đọc giúp đỡ, cậu học trò Nguyễn Ngọc Trầm từng “ăn bờ ngủ bụi”, làm đủ mọi việc để mưu sinh ở cái tuổi mà bạn bè đồng trang lứa chỉ có việc ăn và học, đến nay Trầm đã là sinh viên năm 2 của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.

Qua các bài viết trên Thanh Niên, Facebooker Trúc Phương (trái) đã vận động nhiều nhà hảo tâm trao học bổng cho các học sinh khó khăn

Nhật Thịnh

Ngày tôi gặp Trầm lần đầu tiên, em đang ở một mình trong miếu thờ tại H.Bình Chánh, TP.HCM, ôn bài chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT để nuôi ước mơ trở thành nhà toán học. Trầm nói: “Được ở trong cái miếu này là quá sang với cuộc đời em rồi. Trước đây em toàn phải ngủ ngoài sạp chợ”.

Từ khi bà nội mất, một thân một mình trên cuộc đời này, Trầm chưa bao giờ dám nghĩ sẽ được học đại học, dù đó là ước mơ lớn nhất của cuộc đời em. Nay kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian là sinh viên của mình, Trầm cứ luôn miệng cười vì vẫn chưa nguôi được cảm giác hạnh phúc.

“Từ ngày em nhận được sự hỗ trợ của mọi người để được học đại học, cuộc sống của em khác hoàn toàn, như bước sang một trang mới. Nhìn lại cảnh em trước khi vào đại học thật bế tắc, ngày ngày chạy xe ôm rồi vạ vật ngủ đường, ngủ chợ... Khi đi học ở đây, giống như em được lên một tầng lầu và nhìn xuống nên cái nhìn của em bao quát hơn, thấy được nhiều thứ mới lạ và tươi đẹp hơn”, Trầm nói rồi ngậm ngùi kể: “Thỉnh thoảng em ngồi trên lầu 23 của trường, nhìn xuống thấy những người chạy xe ôm công nghệ, thấy hình ảnh của mình trước đây và em suy nghĩ rất nhiều. Em vẫn ngỡ ngàng tại sao mình lại có cơ hội được ngồi ở đây. Thật lòng đến bây giờ em cũng chưa dám tin đây là sự thật”.

Từ cậu học trò mồ côi ở trong miếu, giờ đây Trầm (giữa) đã là sinh viên năm 2 nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc

NVCC

Học thật giỏi để trả ơn cuộc đời

Sau khi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và yêu thương của mọi người để có được ngày hôm nay, Trầm cho biết em luôn cố gắng hết sức học thật giỏi, sau này ra đời làm người có ích để không phụ lòng những người đã giúp đỡ mình.

Trầm kể: “Em quyết tâm đến mức hôm nào cũng ở trên trường cả ngày, nếu giờ nào trống tiết thì em vào thư viện học bài. Những hôm chủ nhật không lên trường, em ở nhà thấy mấy bé hàng xóm học chưa tốt là em gọi mấy bé đến chỗ em để dạy miễn phí cho các bé. Nhìn các bé mà em nhớ đến tuổi thơ phải nghỉ học giữa chừng để lăn lộn mưu sinh”.

Nghe Trầm kể mà chúng tôi thấy ấm lòng. Không chỉ có Trầm, hầu hết các em được nhận học bổng Nghị lực mùa thi đều nuôi quyết tâm học hành thành tài và lan tỏa, san sẻ yêu thương với những mảnh đời khó khăn giống như mình trước đây.

Cảm ơn tấm lòng cao cả của bạn đọc

Thường thì loạt bài “Nghị lực mùa thi” khởi đăng vào thời điểm tháng 6 mỗi năm, cũng là tháng có ngày kỷ niệm của nghề báo. Và năm nào cũng vậy, vào ngày của những người làm báo, ấm lòng biết bao khi từ sáng đến tối tôi nhận được điện thoại của bạn đọc gọi đến xin được hỗ trợ cho nhân vật trong loạt bài “Nghị lực mùa thi” còn nhiều hơn cả những cuộc gọi chúc mừng.

Nhà báo Nữ Vương

Có lời chúc mừng hay món quà nào ý nghĩa bằng việc bài viết của mình được lan tỏa và nhân vật trong các bài viết nhận được sự hỗ trợ của bạn đọc để có thể vượt qua khó khăn, viết tiếp ước mơ đời mình.

Lần đầu tiếp xúc với nhân vật để viết bài, những giọt nước mắt của các em lăn dài khi nghĩ về tương lai phải “đứt gánh giữa đường”, nhưng từ sau khi bài viết về các em được đăng và nhận được sự hỗ trợ của bạn đọc khắp mọi miền gửi về, các em lại vỡ òa nhưng là những giọt nước mắt của hạnh phúc và biết ơn.

Trong vài năm, chỉ tính riêng qua các bài viết của tôi, bạn đọc góp hơn 3 tỉ đồng giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên để bước vào giảng đường đại học, viết tiếp ước mơ của mình.

Các em biết ơn chúng tôi, biết ơn học bổng “Nghị lực mùa thi” của Báo Thanh Niên. Tôi biết ơn bạn đọc khắp mọi miền vì đã luôn đồng hành cùng Báo Thanh Niên chung tay, góp sức hỗ trợ không chỉ cho những mảnh đời bất hạnh mà còn vực dậy khát vọng vươn lên, cống hiến và lan tỏa yêu thương trong thế hệ trẻ.

Ngay trong chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi năm 2022, cậu học trò mồ côi Nguyễn Phan Nguyên Trường (hiện là sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM) đã không ngần ngại trích 100 triệu đồng từ số tiền bạn đọc hỗ trợ cho mình để san sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn khác.

Cậu học trò ấy tâm sự: “Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ đã dạy em về sự biết ơn và lòng sẻ chia. Món quà này đến quá bất ngờ và em không thể nhận phần quà một mình mà em muốn chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương này đến với những bạn có hoàn cảnh giống như em. Mong những phần quà tuy nhỏ nhưng sẽ giúp các bạn có thêm động lực và ý chí phấn đấu để bước tiếp trên con đường học tập”.

Hiện tại, Trường cho biết sau khi đã ổn định và làm quen với việc học đại học, em sẽ đi làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Bởi Trường luôn tự nhủ: “Được đi học đại học như thế này là điều hạnh phúc nhất với em rồi. Nếu như không có những sự hỗ trợ thì em sẽ không bao giờ có được ngày hôm nay. Số tiền còn lại em gửi ngân hàng để phòng sử dụng vào lúc cần, như khi ốm đau bệnh tật. Em cũng muốn mình tự mưu sinh, cố gắng hết mình để không phụ lòng yêu thương mà mọi người dành cho mình”.

Cách đây 3 năm, Vũ Thanh Vy, học sinh Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM) tưởng chừng phải dang dở ước mơ vào giảng đường đại học vì hoàn cảnh quá khó khăn, thì giờ đây, thật ấm lòng khi nghe em gọi báo tin em chuẩn bị đi thực tập và sắp tốt nghiệp ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Tôi nhớ ngày gặp em, cô học trò có vóc dáng bé nhỏ vì thiếu ăn, phải cùng mẹ ngồi tách từng vỏ hạt điều, rồi lại cạo, lại gọt đi những phần chưa trắng mà người ta trả về để ra được thành phẩm. Lúc đó tôi tự hỏi: “Bao giờ mới được 1 kg hạt điều, bao giờ mới được 13.000 đồng và bao giờ ước mơ vào giảng đường đại học của em mới thành hiện thực?”.

Nhưng sau khi bài viết về câu chuyện nghị lực của em đăng trên Thanh Niên, nhiều sự hỗ trợ của bạn đọc gửi về và trong đó có một bạn đọc ở TP.HCM đã dành tiền lương hưu mỗi năm đóng học phí đại học cho em, nên cô học trò ấy đã viết tiếp được ước mơ đời mình.

Thanh Vy hạnh phúc nói: “Nếu như không có những sự giúp đỡ này thì chắc chắn con đường theo đuổi việc học của em sẽ rất vất vả. Đây cũng chính là động lực để những năm qua em không ngừng cố gắng. Sắp tới em định thực tập ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, còn sau này ra trường đi làm, em mong có thể đóng góp những kiến thức mình học được cho xã hội, và giúp đỡ lại những bạn khác có hoàn cảnh khó khăn giống như em trước đây”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.