Bảo tồn loài thú trong Sách đỏ

Như Trần
Như Trần
28/11/2021 09:30 GMT+7

Một cô gái Việt ở Mỹ đang nỗ lực bảo tồn loài mang lớn ở dãy Trường Sơn bằng nghiên cứu của mình.

Vừa qua, trang web Trường Tài nguyên thiên nhiên Warner thuộc Đại học bang Colorado (CSU), Mỹ, giới thiệu về nghiên cứu nhằm bảo tồn mang lớn, loài thú móng guốc chỉ có thể tìm thấy ở dãy Trường Sơn của Việt Nam. Đây là dự án của chị Minh Nguyen, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại CSU, cùng Giáo sư Joel Berger - nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS).

Một con mang lớn cái và con non đang kiếm ăn

Nhóm Lãnh đạo bảo tồn của chị Minh Nguyen

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Nam, chị Minh đã có tình yêu với thiên nhiên từ khi còn nhỏ. Dù sau này cùng gia đình chuyển vào TP.HCM, chị vẫn không quên được nét đẹp của những khu rừng ở dãy Trường Sơn.

Lên đại học, chị Minh chọn công nghệ sinh học để thỏa hiệp trước áp lực phải theo ngành y hoặc kinh tế từ gia đình. Tuy vậy, cô gái này vẫn đau đáu nỗi niềm với thiên nhiên. May mắn thay, các môn học về động vật hoang dã và sinh thái tại trường giúp chị một lần nữa quay về với đam mê của mình.

Khi đó, chị Minh tham gia hoạt động bảo tồn ở Việt Nam và Lào bằng cách làm việc cho WCS và tìm hiểu về sao la, loài được gọi là “kỳ lân châu Á”. “Tôi chỉ biết đến những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này sau khi làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Tôi muốn tham gia vào công tác bảo vệ các loài trên dãy Trường Sơn để những thế hệ tương lai của Việt Nam vẫn có thể chiêm ngưỡng chúng”, chị Minh chia sẻ.

Chị Minh Nguyen cùng nhóm khảo sát trong một chuyến đi thực địa

Do Van Lam/Conservation Careers

Sau vài dự án, chị Minh nhận ra rằng đang có nhiều nghiên cứu về sao la. Trong khi đó, mang lớn - loài được xếp vào nhóm Cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - không được chú ý nhiều và sẽ tuyệt chủng nếu không có nỗ lực dành cho chúng. Vì vậy, chị tập trung nghiên cứu về mang lớn để có thể đóng góp nhiều hơn cho công tác bảo tồn.

Các loài thuộc chi mang đang bị săn bắt bằng bẫy trong các khu rừng khắp Việt Nam, ngay cả trong khu bảo tồn. Đây là mối nguy lớn với các loài động vật quý hiếm như sao la và mang lớn. Do đó, chị Minh muốn đo tác động của bẫy đối với khả năng tồn tại của quần thể mang lớn, từ đó đề ra biện pháp cần thiết để bảo vệ loài này.

Chị Minh Nguyen trong một chuyến đi thực địa

Mạng lưới Bảo tồn động vật hoang dã

Công việc của chị Minh nhận được nhiều sự chú ý của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên. Hiện chị đang được Hiệp hội Nữ đại học Mỹ, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ, Tổ chức Động vật hoang dã thế giới, Mạng lưới Bảo tồn động vật hoang dã và Chương trình Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại CSU hỗ trợ. Chị Minh cũng vừa nhận được học bổng từ WCS và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF).

Chị Minh đang hy vọng có thể thực hiện các chuyến đi thực địa ở châu Á vào cuối năm 2022. Chị cũng mong được gặp các sinh viên trong Nhóm nghiên cứu động vật có vú của mình và giúp họ cảm thấy tự hào khi là những nhà bảo tồn động vật hoang dã. “Công tác bảo vệ động vật ở dãy Trường Sơn đang cần hỗ trợ khẩn cấp để có thể bảo tồn hiệu quả nhiều loài đặc biệt trước khi quá muộn”, chị Minh nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.