Mang chất Việt vào tranh in trên đất Mỹ

Như Trần
Như Trần
21/11/2021 12:35 GMT+7

Để tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tiên tại Mỹ, họa sĩ tranh in Mai Trần đã trải qua một quá trình dài với nhiều gian nan, thử thách.

Mới đây, tại phòng trưng bày nghệ thuật 410 Project ở thành phố Mankato, bang Minnesota (Mỹ) diễn ra buổi triển lãm tranh in mang tên Hallucination (Ảo giác). Nhìn vào các bức tranh tại đây, người Việt sẽ thấy những hình ảnh thân thuộc như cây nêu, con trâu, dưa hấu… Đây là các tác phẩm của chị Mai Trần, họa sĩ tranh in người Việt đang sinh sống tại Mankato.

Giữ sự liên kết với quê hương

Tác phẩm mang tên Melon Man in Kato (tạm dịch Người buôn dưa ở Kato) của họa sĩ Mai Trần cùng bản khắc gỗ

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Mai cho biết Hallucination là triển lãm cá nhân đầu tiên của mình ở Mỹ. Đây là bộ sưu tập thuộc thể loại siêu thực gồm 8 tranh in và bản khắc từ nhiều chất liệu như gỗ, kẽm, cao su. Các tác phẩm được chị Mai thực hiện từ năm 2019 đến nay. “Chủ đề của bộ sưu tập là ảo giác, là những thứ mơ hồ, hoang đường do chính mình tưởng tượng ra. Qua đó, tôi muốn thể hiện những trăn trở, suy nghĩ sau 6 năm sinh sống tại Mỹ”, chị Mai chia sẻ.

Trong những bức tranh này, chị Mai lồng ghép chuyện cổ tích và các chi tiết đậm chất Việt Nam vào khung cảnh Mankato và nước Mỹ. Vì vậy, người xem tranh sẽ thấy được các hình ảnh kỳ lạ như người đàn ông mặc áo dài bên ruộng dưa hấu, gợi nhớ đến sự tích Mai An Tiêm, trong trời tuyết trắng với tháp đồng hồ của Đại học bang Minnesota ở phía sau.

Họa sĩ Mai Trần

NVCC

Ngoài việc thể hiện sự giao thoa văn hóa, cảm hứng Việt Nam trong tranh cũng là một cách để chị Mai giữ sợi dây liên kết với quê hương và giới thiệu cho người Mỹ truyền thống dân tộc.

“Lúc nhỏ, tôi thích các câu chuyện của phương Tây hơn. Sau này sang Mỹ du học và được người khác hỏi nhiều về đất nước mình, tôi mới bắt đầu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Tôi đã phải đọc thêm nhiều khi thực hiện các tác phẩm”, chị Mai cho biết. Họa sĩ này hy vọng sau khi xem tranh, các bạn trẻ sẽ muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc của các chi tiết đậm chất Việt Nam được chị sử dụng.

Triển lãm Hallucination còn độc đáo ở chỗ khách tham quan được xem cả bản khắc của tác phẩm, thứ quan trọng nhất với họa sĩ tranh in. Chia sẻ với Thanh Niên, chị Mai cho biết ở Mankato, chưa ai làm điều này.

“Đưa bản khắc ra triển lãm cũng giống như trưng ruột gan cho người khác xem. Việc này sẽ có một số rủi ro nhất định. Nhưng mình chấp nhận rủi ro đó để người xem hiểu được tranh in là gì”, chị Mai tâm sự. Họa sĩ này nói Việt Nam cũng có các dòng tranh in truyền thống là tranh Đông Hồ và Hàng Trống, nhưng người trẻ không biết nhiều về tranh in. Vì vậy, chị muốn phổ biến loại hình nghệ thuật này tới nhiều người hơn.

Quá trình chị Mai Trần thực hiện tác phẩm Hallucination (Ảo giác)

Mất ăn, mất ngủ vì tranh in

Bên cạnh việc sáng tác, chị Mai đang theo học thạc sĩ và làm trợ giảng ngành kỹ thuật tranh in tại Đại học bang Minnesota ở Makato. Ít ai biết rằng con đường đến với bộ môn nghệ thuật này của chị Mai không bằng phẳng.

Vốn yêu thích hội họa nhưng chị Mai lại chọn học cử nhân ngành thiết kế nội thất chứ không theo đuổi mỹ thuật như ước mơ từ bé của mình. Sau khi tốt nghiệp, chị làm trong những ngành nghề không liên quan đến nghệ thuật.

Buổi triển lãm Hallucination của họa sĩ Mai Trần tại phòng trưng bày nghệ thuật 410 Project

Bước ngoặt đến khi chị Mai sang Mỹ du học ngành thiết kế đồ họa cuối năm 2015. “Khi học thiết kế đồ họa, chị chọn thêm môn phụ là tranh in và yêu luôn từ cái nhìn đầu tiên”, chị Mai kể. Vì vậy, chị quyết định chuyển hẳn chuyên ngành sang kỹ thuật tranh in. “Cảm giác lúc đó giống như tương tư một người, mất ăn mất ngủ vì người đó và phải làm mọi cách để có được họ. Tranh in khá khó và mỗi ngày đều có thêm điều hay để học. Tôi đam mê tranh in cũng vì thích tìm hiểu cái mới”, chị Mai chia sẻ.

Họa sĩ này cho biết khi mới bắt đầu với tranh in, chị cũng gặp vấn đề tài chính. “Gỗ tốt để khắc rất đắt tiền và giấy xịn cũng vậy. Tuy nhiên, tôi luôn dùng các vật liệu tốt nhất. Tôi tâm niệm rằng phải mang lại tác phẩm chất lượng cao vì khách hàng đã bỏ tiền ra mua tranh của mình”, chị Mai nói. Hiện tại, cuộc sống chị đã ổn định hơn nhờ có thêm thu nhập từ việc giảng dạy tại trường.

Quy trình làm tranh in

1. Lên ý tưởng, vẽ ra giấy

2. Vẽ lại lên gỗ (hoặc kẽm, đồng…) rồi khắc

3. Cán mực lên bản khắc (mỗi màu là một bản khắc riêng)

4. In tranh lên giấy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.