Bảo vệ môi trường từ vật liệu tái chế

Đình Toàn
Đình Toàn
05/03/2019 14:12 GMT+7

Chỉ một thời gian ngắn triển khai thí điểm, hàng loạt mô hình hay, độc và đẹp của nhiều học sinh (HS) Huế được Bộ GD-ĐT, Hội đồng Anh cùng chuyên gia môi trường đánh giá cao về những nỗ lực vì một cuộc sống xanh.

“Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” là dự án hợp tác giữa Hội đồng Anh, Bộ GD-ĐT triển khai trong 3 năm (2018 - 2020). Trong năm đầu tiên, dự án được lựa chọn thí điểm thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Học sinh lớp 10 biến rác thải thành sản phẩm có ích
Ngay khi vừa nhận được thông tin, tuyển chọn ý tưởng, nhóm The Sharks - “Nghệ thuật rác vì cộng đồng” của 4 HS lớp 10 Trường THPT chuyên Quốc học Huế đã bắt tay vào thực hiện dự án. “Tiêu chí sản phẩm của tụi em bám sát là phải xanh, gọn, đẹp và hiệu quả kinh tế lẫn truyền thông”, Nguyễn Hoàng Hải, HS lớp 10 chuyên tin học, thành viên nhóm, chia sẻ. Thời gian thực hiện dự án chỉ chừng một tháng. Thế nhưng hàng loạt sản phẩm, mô hình đã ra đời như: cổng chào quen thuộc của Trường THPT Quốc học Huế, những chú heo đất bằng chai nhựa, bức tranh kết bằng túi ni lông, cầu Trường Tiền… Đã có 300 bì ni lông, chai nhựa, lon sắt được nhóm thu nhặt về tái chế. Tiền bán được từ các sản phẩm hàng lưu niệm tái chế được gửi hỗ trợ một trung tâm mồ côi ở TP.Huế. Một bản danh sách tập hợp cả trăm chữ ký phụ huynh cũng được nhóm của Hải thu thập nhằm hướng các bậc phụ huynh, các gia đình trong việc phân loại rác thải sinh hoạt. Không chỉ thế, qua fanpage “Nghệ thuật rác vì cộng đồng” nhóm đã tiếp cận được 3.200 người để nâng cao hiệu quả truyền thông về bảo vệ môi trường, ý thức sử dụng rác thải nói chung.
Một nhóm HS khác cũng từ Trường THPT chuyên Quốc học Huế thực hiện sản phẩm “Xà phòng xanh 1896”. Nhóm gồm 6 bạn HS lớp 10 chuyên hóa, sinh cùng 6 cộng tác viên khác chỉ trong vòng một tháng đã cho ra đời sản phẩm bánh “Xà phòng xanh 1896”. “Tụi em chọn đậu đỏ nha đam, hay các loại đậu nói chung có công dụng bào chế làm sạch da, mềm da. Những sản phẩm này nhằm thay đổi thói quen sử dụng xà phòng đóng chai của mọi người, vì chai sau sử dụng sẽ tạo ra rác thải gây hại cho môi trường”, Nguyễn Gia Phương, nữ sinh lớp 10 và là trưởng nhóm, nói.
HS hai trường THPT Cao Thắng và THPT Hương Thủy cũng gây nhiều bất ngờ. Một “vườn sinh thái” đặt ở một góc sân trường vốn là khoảnh đất hoang, cỏ dại của Trường THPT Hương Thủy với cây xanh, chậu hoa làm bằng vỏ chai nhựa tái chế. Mô hình này cũng được giới thiệu, quảng bá cho nhiều người dân địa phương, các công sở. Trong khi đó, sản phẩm gạch block của một số HS Trường Cao Thắng được ép, nén từ các chất nhựa phế thải để làm sàn lát gạch đã cho những thông số khả quan sau khi kiểm định ở một doanh nghiệp xây dựng.
Tất cả hứa hẹn một “sân chơi” khá lý thú, ý nghĩa và triển vọng vì một cuộc sống xanh, hành tinh xanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.