Bảo vệ trẻ trước những cái bẫy trên internet

28/11/2020 06:14 GMT+7

Sau vụ bé trai 8 tuổi tử vong trong tư thế treo cổ nghi do 'học theo' clip độc hại trên mạng xã hội , nhiều bạn đọc cho rằng cần phải có các 'bộ lọc' mạnh hơn để bảo vệ trẻ trên không gian mạng.

Như Thanh Niên thông tin, Công an Đồng Nai vừa lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh quan tâm đến con em mình hơn khi thấy các cháu chơi "trò chơi lạ" thì phải hỏi rõ để ngăn chặn kịp thời vì có thể đó là trò chơi nguy hiểm mà các cháu học theo khi xem các clip độc hại trên mạng.

"Thế giới ảo, hậu quả thật"

Theo đó, Công an Đồng Nai dẫn một vụ việc đau lòng vừa xảy ra ở tỉnh này. Cụ thể, đó là trường hợp tử vong rất khác thường của bé trai 8 tuổi (ngụ ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, H.Trảng Bom, Đồng Nai).
Theo điều tra ban đầu, khoảng 20 giờ 30 ngày 21.11, người nhà thấy cháu V.P.L vào phòng tắm. Khoảng 30 phút sau vẫn không thấy cháu ra, nghi ngờ có chuyện chẳng lành, mẹ cháu nhờ người phá cửa xông vào thì phát hiện L. đã tử vong trong tư thế treo lơ lửng, cổ áo mắc vào móc treo đồ.
Làm việc với công an, mẹ L. cho biết cháu rất hiếu động, hay chơi trò móc quần áo đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng. Cơ quan công an nghi ngờ cháu L. "học theo" trò chơi treo cổ nguy hiểm này từ các clip độc hại trên mạng xã hội.
Cần dạy cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có "sức đề kháng" tự bảo vệ mình trước thông tin độc hại, cạm bẫy trên internet.

Trúc Tùng

"Đọc tin mà tôi sợ thật sự. Đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các nội dung độc hại trên YouTube, các nền tảng mạng xã hội và phải có biện pháp xử lý những người hướng dẫn các hành vi bạo lực, phản cảm", bạn đọc (BĐ) Tú Anh bức xúc.
Tương tự, BĐ Mỹ Ngọc cho rằng: "Những vụ việc như trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh về việc cho con sử dụng các thiết bị điện tử mà không kiểm soát trong môi trường mạng đầy cạm bẫy như hiện nay. Qua đó cũng cho thấy sự cấp thiết trong việc kiểm soát, loại bỏ những nội dung "rác", độc hại tràn lan trên môi trường mạng".
"Thế giới ảo nhưng hậu quả thì rất thật. Theo tôi, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng phải quyết liệt, mạnh tay với những nhà cung cấp nội dung độc hại, nhảm nhí thì những bậc cha mẹ cũng phải sát sao hơn trong việc quản lý con em mình tiếp cận thông tin trên không gian mạng...", BĐ Ngọc Trung ý kiến.

Phải có "bộ lọc" mạnh hơn

Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ tự tử nghi do "học theo" clip độc hại trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 17.10, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận nữ bệnh nhi V.T.D (5 tuổi, ngụ TP.HCM) trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Người nhà khai bé thắt cổ vì làm theo chỉ dẫn trên mạng xã hội.
Tháng 11.2019, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bệnh nhi gần 8 tuổi (ngụ TP.HCM) trong tình trạng hôn mê, môi tím, tiêu tiểu không tự chủ. Bệnh nhi này dùng khăn quàng treo lên dây phơi đồ rồi thắt cổ “nhưng không chết” như mạng xã hội bày. Rất may gia đình phát hiện kịp thời đưa bệnh nhi đi cấp cứu nên cứu sống được bé.

Các nền tảng mạng xã hội, YouTube phải cam kết loại bỏ các video độc hại, còn không thì "cấm cửa", đơn giản thế thôi.    

Ba Lê

Nhiều ý kiến cho rằng các video xấu hiện đầy rẫy trên YouTube, các nền tảng mạng xã hội, vì vậy cơ quan chức năng phải ngăn chặn từ đầu vào bằng pháp luật. "Các cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp để bảo vệ trẻ trên môi trường internet. Bên cạnh việc ban hành những quy định chặt chẽ, chế tài mạnh hơn đối với các nhà cung cấp nội dung, các nền tảng mạng xã hội thì cũng cần có những "bộ lọc" bằng kỹ thuật thật mạnh để sàng lọc những thứ độc hại. Cần thiết buộc các nhà cung cấp dịch vụ, các nền tảng xã hội cam kết, nếu họ không làm được thì có thể dùng biện pháp mạnh nhất", BĐ Kim Vy ý kiến.
Trong khi đó, BĐ Nguyên Phong cho rằng: "Nhà trường cũng nên đưa vào giảng dạy chính thức cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ mình khi tiếp cận với môi trường mạng...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.