Các trường tự báo động đỏ
Bỏ ra hàng triệu đồng mỗi tháng để sử dụng dịch vụ của các nhà trường, nhiều phụ huynh yên tâm vì con mình được đưa đón đến trường bằng cách an toàn nhất có thể, nhưng vụ việc đau lòng xảy ra ở Trường liên cấp quốc tế Gateway khiến nhiều phụ huynh hoang mang vì lâu nay họ tin tưởng vào việc đưa đón con bằng xe dịch vụ của nhà trường.
Trả lời câu hỏi về quy trình đưa đón trẻ ở những trường sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh (HS), ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: "Sau sự việc đau lòng, Phòng GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường đảm bảo an toàn cho HS, trong đó có việc đưa đón và giao nhận HS. Còn cách đưa đón thì từng trường có quy trình quản lý riêng".
|
Theo tìm hiểu của PV, với các trường ngoài công lập, việc đưa đón HS là dịch vụ không thể thiếu bởi việc tuyển sinh không theo tuyến, nếu không đưa đón, HS khó có thể đi học. Hầu hết các trường ký hợp đồng với một công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển với xe và lái xe chuyên dùng. Các trường sẽ cử cô giáo và phối hợp với lái xe để đưa đón các bé, trong đó có việc kiểm đếm, liên lạc với phụ huynh...
Sau vụ việc kể trên, một số trường ở Hà Nội phát đi thông báo cam kết sẽ siết việc đưa đón HS. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho hay: "Ngay trong đêm 6.8, trường tôi đã báo động đỏ trong toàn hệ thống về việc đưa đón HS bằng xe buýt của trường".
Đụng đâu cũng thấy bất an
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra Văn phòng Chính phủ chiều 7.8 có thông báo cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc làm cháu bé tử vong, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bộ GD-ĐT chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón HS, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để tái diễn sự việc tương tự.
Chí Hiếu
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), cho biết chiếc xe 16 chỗ biển số 29B-069.56 (xe đón cháu L.H.L, học lớp 1 Trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe) thuộc sở hữu của ông Doãn Quý Phiến, xe đăng kiểm ngày 18.4.2019 và hết hạn đăng kiểm ngày 17.10.2019.
Theo Sở GTVT, nhà trường hợp đồng với phụ huynh và có thu thêm tiền đưa đón, nên các xe này thuộc diện xe hợp đồng chở khách phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 86/2014. Tuy nhiên, kiểm tra dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, chiếc xe trên chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Ông Long cho rằng điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát đối với lái xe cũng như phương tiện.
Còn theo ông Đặng Văn Chung, Vụ phó Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT), với xe chở HS của các trường học đều thuộc diện xe hợp đồng chở khách theo Nghị định 86. “Lái xe hợp đồng có trách nhiệm nắm được số lượng khách trên xe, phải kiểm tra khi xe tới điểm đến. Trong trường hợp cháu bé bị bỏ quên trên xe, có trách nhiệm của giáo viên, nhưng cũng có trách nhiệm của chính lái xe”, ông Chung nói.
Không phải tới khi vụ việc đau lòng “bỏ quên” HS dẫn đến cháu bé tử vong xảy ra, những bất cập trong quản lý xe đưa đón HS mới lộ rõ. Trong khi đó, đến thời điểm này, vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung nào về xe đưa đón HS được đưa ra. Phương tiện đưa đón HS cũng rất “đa dạng”. Đặc biệt, với nhiều huyện vùng sâu, vùng xa thậm chí có hiện tượng sử dụng xe hết niên hạn để đưa đón HS.
Không chỉ tại Hà Nội, nhiều tỉnh, TP khác như Hưng Yên, Đồng Nai... cũng có tình trạng phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh vận tải, hết niên hạn sử dụng, không có giấy kiểm định bảo đảm an toàn kỹ thuật... nhưng vẫn được tận dụng để đưa đón HS.
Phải có tiêu chí về dịch vụ đưa đón học sinh
Theo một chuyên gia giao thông, các nước đều có quy định chặt chẽ với hệ thống school-bus (xe đưa đón HS) từ số chỗ, quy mô, các tiêu chuẩn về an toàn trên xe, thậm chí bắt buộc có cảnh báo chống quên HS (như hệ thống sleeping child check tại Hàn Quốc). Những người có trách nhiệm liên quan từ lái xe đến giáo viên đi kèm đều được quy định trách nhiệm chặt chẽ trong việc kiểm soát số lượng HS lên, xuống xe. “Nhưng tại VN, không có một tiêu chuẩn nào với xe đưa đón HS và cũng không có một tiêu chí trách nhiệm chuẩn nào đưa ra với lái xe và cô giáo đi kèm. Các bộ liên quan từ bộ GD-ĐT, GTVT đến y tế cần nhanh chóng phối hợp để đưa ra một quy chuẩn chung thống nhất, tránh tình trạng xe nào cũng có thể trở thành xe đưa đón HS mà không ai kiểm soát”, chuyên gia này khuyến nghị.
Bộ GD-ĐT nhận định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra và xét xử nghiêm minh; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và HS.
Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác HS, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho biết tháng 5, Bộ GD-ĐT đã có công văn về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đầu năm học 2019 - 2020. “Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia nghiên cứu hướng dẫn, quy định cụ thể hơn các tiêu chí đối với dịch vụ này theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể, trách nhiệm các bên liên quan; các chỉ báo dán mác/màu xe... để dịch vụ này được đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối cho HS”, ông Linh cho hay.
Rà soát xe đưa đón học sinh trên cả nướcỦy ban ATGT quốc gia ngày 7.8 có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành triển khai các giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn với xe đưa đón HS. Theo đó, ủy ban này đề nghị Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT trong cả nước nếu đưa đón HS bằng ô tô phải chọn các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định.
Hợp đồng vận chuyển phải ghi rõ yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về ATGT, bảo vệ sức khỏe cho HS khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe. Bộ GTVT rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm ATGT và sức khỏe cho hành khách là trẻ em trên các phương tiện vận tải; nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để đưa đón HS. Sở GTVT các địa phương kiểm tra việc thực hiện quy định về ATGT đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón HS; chấm dứt hợp đồng và xử lý các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định.
M.Hà
|
Bình luận (0)