Nhà trường liên tục cảnh báo các chiêu lừa mới
Phụ huynh chưa kịp hoàn hồn về các chiêu lừa đảo như: giả danh bác sĩ, nhân viên y tế trường học, bệnh viện gọi điện thông báo "con nhập viện cấp cứu chuyển tiền gấp", hay con mua hàng nợ tiền bố mẹ phải trả ngay... thì những ngày gần đây lại xuất hiện hàng loạt các chiêu lừa mới gây tổn hại cả về tài sản và sức khỏe của học sinh.
Lãnh đạo Trường THCS Giang Biên (Q.Long Biên, Hà Nội) thông tin, ngày 12.4 xuất hiện một nhóm người lạ đến trước cổng trường phát cho một số học sinh các gói trà đào trân châu với lý do là quà tặng. Sau khi số học sinh này nhận và pha uống, có một em xuất hiện triệu chứng đau bụng.
Nhà trường đã thông báo tới các giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh các lớp không nhận bất cứ các món quà, các sản phẩm từ người lạ phát tặng.
Cũng cách đây ít ngày, Trường THCS Phan Chu Trinh (Q.Ba Đình, Hà Nội) gửi cảnh báo tới phụ huynh sau sự việc một học sinh lớp 6 của trường bị kẻ gian lừa lấy xe đạp điện bằng thủ đoạn tinh vi.
Cụ thể, có đối tượng tự nhận là phụ huynh của một học sinh trong lớp và nhờ học sinh có xe đạp điện chở ra một khu vực trong ngõ. Sau đó, đối tượng giữ học sinh này lại và giả làm hành động mở điện thoại gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để trao đổi.
Xem nhanh 20h ngày 14.4: Bẫy giả công an gọi video lừa đảo | Nguy cơ bùng phát Covid-19 ở Việt Nam
Tiếp đến, đối tượng nói mượn xe đạp điện của học sinh để đi lấy đồ. Sau khi chờ mãi không thấy đối tượng quay lại trả xe, học sinh mới phát hiện mình đã bị lừa, không ai gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm.
Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình cũng đã phát đi thông báo yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thông tin tới học sinh, phụ huynh các lớp nhằm đề cao tinh thần cảnh giác, ngăn ngừa các hiện tượng tương tự có thể xảy ra.
Trước đó, UBND Q.Ba Đình phát đi cảnh báo các hiện tượng lừa đảo nhằm vào học sinh, trong đó có học sinh tiểu học ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội) bị dụ hút thuốc lá điện tử, rủ thêm bạn sẽ được cho tiền.
Còn tại TP.HCM, cách đây ít ngày, phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) nhận được thông báo từ nhà trường với nội dung cảnh báo lừa đảo: "Hiện tại phụ huynh có nhận tin nhắn có nội dung: kính gửi phụ huynh thông tin kiểm tra tiếng Anh, giúp định hướng tốt hơn cho sự phát triển các kỹ năng tiếng Anh của con và đính kèm đường link để học sinh thực hiện".
Trường THCS Lê Quý Đôn khẳng định nhà trường không có thông báo kiểm tra tiếng Anh qua tin nhắn. Vì thế, nhà trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh học sinh để cảnh giác và không nhấn vào link yêu cầu của tin nhắn.
Phụ huynh nói chưa bao giờ thấy bất an như vậy
Chị Bùi Thị Hiền (trú P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây hầu như ngày nào cũng đọc được thông tin trên báo chí, mạng xã hội về các hành vi lừa đảo nhằm vào học sinh, chưa kịp cảnh giác với chiêu lừa này thì đã thấy xuất hiện chiêu lừa khác.
"Có hai con trong độ tuổi đi học mà chưa bao giờ tôi cảm giác bất an khi con đến trường hoặc tham gia các hoạt động dã ngoại như bây giờ. Cứ thấy tin nhắn từ nhóm lớp lại giật mình", chị Hiền nói.
Tại các nhóm dành cho phụ huynh học sinh trên mạng xã hội, tâm trạng này thời gian gần đây cũng được nhiều cha mẹ chia sẻ để cùng nhau cảnh giác và nhắc nhở con cái.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, cần có các cơ quan chức năng ngăn chặn chứ phụ huynh không lường trước được hết các tình huống; vừa hôm nay dặn con cẩn thận để không bị lừa tiền thì ngày mai đã có hành vi khác dụ dỗ con nguy hiểm đến sức khỏe, lối sống.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại các thông tin cá nhân của học sinh cũng như cha mẹ các em bị lộ, lọt khiến đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Mới đây, trong hội nghị với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP.Hà Nội), đề nghị các nhà trường khi nhận được thông tin của học sinh do ngành công an cung cấp để phục vụ tuyển sinh thì thực hiện nghiêm quy định về bảo mật thông tin cho học sinh, tránh lộ, lọt ra ngoài.
"Hiện nay, chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp các đối tượng sử dụng thông tin học sinh trường nào, lớp nào, bố mẹ là ai để thực hiện các hành vi phạm pháp; do đó cần lưu ý, tránh ảnh hưởng an toàn trong quá trình thực hiện", ông Lâm nêu thực tế.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng nhấn mạnh yêu cầu các nhà trường cần nhanh chóng rà soát toàn bộ các nguy cơ có khả năng gây mất an toàn, an ninh cho học sinh nhằm ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời.
Bình luận (0)