Bất an vì nguồn nước bị ô nhiễm

Khánh Hoan
Khánh Hoan
02/08/2024 09:22 GMT+7

Hàng ngàn hộ dân ở H.Quỳ Hợp (Nghệ An) lo lắng khi nguồn nước thô của nhà máy nước sạch được lấy từ dòng sông bị ô nhiễm, trong khi chủ trương thay đổi nguồn nước thô từ nhiều năm trước chưa biết khi nào thực hiện.

SỬ DỤNG 2 MÁY LỌC VẪN KHÔNG AN TâM

Nước suối chuyển màu vàng đục, cá chết là hậu quả của vụ xả thải trái phép từ mỏ khai thác quặng thiếc ở xã Châu Hồng (H.Quỳ Hợp) vào ngày 1.7.

12-1.jpg

Các bể lắng lọc của nhà máy xử lý nước sinh hoạt H.Quỳ Hợp hiện nay

K.HOAN

Sau khi kiểm tra, xác định mỏ quặng này xả thải trái phép, 2 ngày sau, UBND H.Quỳ Hợp phát công văn khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước từ sông Nậm Huống vì lo ngại nước sông chứa nhiều kim loại nặng độc hại. Kết quả quan trắc mẫu nước của cơ quan chức năng sau đó cho thấy có 5/8 thông số vượt quy chuẩn; trong đó amoni vượt 1,71 lần, asen vượt 5,4 lần, cadimi vượt 18,56 lần, mangan vượt 23,7 lần, sắt vượt 16,34 lần. Thế nhưng ở phía hạ nguồn, cách đó chừng 15 km, nhà máy nước sinh hoạt cung cấp nước thô cho hơn 2.400 hộ dân TT.Quỳ Hợp (H.Quỳ Hợp) vẫn hoạt động.

Lo ngại nguồn nước máy không an toàn, gần 1 tháng qua, nhiều hộ dân ở TT.Quỳ Hợp phải đi xin nước giếng từ vùng khác về để sinh hoạt. Ông Trần Văn Tình, một người dân ở đây, cho biết 5 năm qua gia đình ông không dám dùng nguồn nước máy để nấu ăn dù đã phải sử dụng thêm 2 máy lọc nước tại nhà. Nước dùng để ăn uống, gia đình ông phải mua nước đóng thùng, đóng chai rất tốn tiền.

"Nguồn nước thô bị ô nhiễm, chúng tôi không biết nước máy liệu có an toàn không, rất lo lắng và đành phải chấp nhận mua nước sạch để sử dụng", ông Tình nói.

Ông Tình cũng cho hay trước đây gia đình ông lắp 1 máy lọc nước, cách đây 3 tháng, con trai ông về thăm nhà, thấy không an tâm nên đã mua thêm 1 thiết bị lọc nước khác, lắp vào đầu nguồn nước cấp cho gia đình. Thế nhưng theo ông Tình, chỉ ít ngày sau, gia đình ông thấy nước vẫn có màu đen. Tháo lõi lọc ra thì phát hiện vết bẩn màu đen bám đầy lõi. Nhiều gia đình khác sử dụng nguồn nước máy này cũng chỉ dùng để tắm giặt mà không dám sử dụng để nấu ăn, do lo ngại nguồn nước ô nhiễm.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó chủ tịch UBND TT.Quỳ Hợp, cho biết: "Đây là nỗi lo lắng của người dân từ nhiều năm trước. Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri lần nào, người dân cũng phản ánh. Người dân muốn được biết các số liệu quan trắc, liệu nguồn nước có an toàn không".

BAO GIỜ THAY NGUỒN NƯỚC ?

Thực ra, câu chuyện nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sinh hoạt này đã được đặt ra từ nhiều năm trước, vụ việc xả thải vừa qua cũng chỉ là giọt nước làm tràn ly. Ở thượng nguồn sông Nậm Huống có nhiều mỏ khai thác quặng thiếc đã và đang hoạt động, thường lén lút xả thải ra sông, suối. Năm 2017, đập chứa bùn thải của một mỏ thiếc nằm trên núi cao bị vỡ, nước thải tràn xuống dòng sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân TT.Quỳ Hợp rất lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình có màu đục xen lẫn màu đỏ và có mùi lạ.

12-2.jpg

Lõi lọc nước máy ở nhà người dân H.Quỳ Hợp đen ngòm sau thời gian ngắn sử dụng

K.HOAN

Sở TN-MT Nghệ An phối hợp UBND H.Quỳ Hợp kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước thô đầu vào nhà máy nước sinh hoạt để quan trắc và kết quả cho thấy nhiều chỉ số vượt ngưỡng quy định, trong đó có chỉ số asen. Sau đó, UBND H.Quỳ Hợp đề nghị nhà máy nước thay đổi nguồn nước thô, không sử dụng nguồn nước như hiện tại vì lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm kim loại.

Ông Quán Vi Giang, Phó chủ tịch UBND H.Quỳ Hợp, cho biết địa điểm mới được đề xuất là suối Nậm Chóng, một nhánh của sông Dinh thuộc xã Châu Đình, cách vị trí lấy nước thô hiện nay chừng 2 km. Nhà máy nước này do Công ty CP cấp nước Nghệ An vận hành, quản lý nên việc thay nguồn nước là của đơn vị này. Tuy nhiên, đến nay dự định trên vẫn chưa thể thực hiện.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP cấp nước Nghệ An cho biết trước đây UBND H.Quỳ Hợp và Công ty CP cấp nước Nghệ An có thống nhất đổi nguồn nước thô bằng phương án sử dụng nguồn vốn do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm ở thượng nguồn chi trả. Tuy nhiên, sau đó nguồn vốn này không huy động được. Vị đại diện này cũng cho rằng quản lý việc xả thải trái phép để bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Di dời vị trí lấy nguồn nước thô là rất tốn kém, do đó doanh nghiệp đang cân nhắc để tìm phương án xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.