Bất động sản Trung Quốc thêm phần lao đao vì ông lớn Country Garden

Khánh Như
Khánh Như
16/08/2023 08:41 GMT+7

Mục tiêu giải cứu bất động sản đang lao dốc của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn sau hàng loạt diễn biến không mấy lạc quan từ gã khổng lồ Country Garden.

Tờ Nikkei Asia đưa tin, tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu cứu vớt lĩnh vực bất động sản đang lao dốc, và ra dấu hiệu về một đợt hỗ trợ tiềm năng cho các nhà phát triển gặp khó khăn. Tuy nhiên, hy vọng này đang bị lung lay sau khi Country Garden, công ty bất động sản tư nhân khổng lồ của Trung Quốc, đã thua lỗ hàng tỉ USD và nợ 200 tỉ USD (4,78 triệu tỉ đồng), và tiến gần hơn tình trạng vỡ nợ, theo tờ The New York Times.

Điều này có thể kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt nhà phát triển khác. Ước tính, Country Garden có kế hoạch cung cấp gần 1 triệu căn hộ trên hàng trăm thành phố ở Trung Quốc.

Bất động sản Trung Quốc thêm phần lao đao vì ông lớn Country Garden - Ảnh 1.

Công trường xây dựng các tòa nhà dân cư của nhà phát triển bất động sản Country Garden ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

REUTERS

Viễn cảnh Country Garden vỡ nợ sẽ là sự cố mới nhất trong chuỗi sụp đổ của thị trường nhà đất vốn đã gây tổn hại trong nhiều năm. Thoát khỏi tình trạng phong tỏa trong đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất cần động lực kinh tế của đất nước để tái khởi động. Tuy nhiên, điều này tương đối bất khả thi vì mọi người chi tiêu ít hơn.

Giờ đây, các chuyên gia lo ngại rằng những rắc rối của Country Garden sẽ lan sang các thị trường tài chính rộng lớn hơn, cản trở mọi khả năng phục hồi của ngành bất động sản và lan rộng thiệt hại ra toàn bộ nền kinh tế.

Suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể tệ đến mức nào?

Country Garden gặp rắc rối thế nào?

Country Garden, được thành lập vào năm 1992, hưởng lợi rất lớn từ sự bùng nổ bất động sản thế giới. Người dân Trung Quốc đã đổ thu nhập và tiền tiết kiệm của họ vào bất động sản. Giống như các nhà phát triển tư nhân lớn khác, Country Garden tiếp tục vay mượn và thường vay thêm để trả nợ, hoạt động dựa trên giả định rằng chừng nào còn tiếp tục mở rộng, thì họ có thể tiếp tục trả nợ, theo The New York Times.

Bất động sản Trung Quốc thêm phần lao đao vì ông lớn Country Garden - Ảnh 2.

Văn phòng của Country Garden tại TP. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông

AFP

Tuy nhiên, các hóa đơn lớn đến mức chính phủ bắt đầu lo sợ khoản nợ sẽ đe dọa hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Tình trạng nhu cầu mua nhà giảm trong năm nay đã đặt công ty vào một cuộc khủng hoảng, đối mặt với điều mà họ mô tả là "những khó khăn lớn nhất kể từ khi thành lập".

Thị trường, nhà đầu tư và người mua nhà đang lo sợ điều tồi tệ nhất. Vào đầu tháng 8, Country Garden, đã 2 lần trễ hạn thanh toán nợ. Nếu không trả hết vào đầu tháng 9 hoặc được các chủ nợ cho thêm thời gian, công ty này sẽ bị vỡ nợ. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm xuống dưới 1 USD (23.900 đồng) tại đặc khu kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc).

Tổn thất của Country Garden đang gia tăng. Dự kiến , công ty sẽ báo cáo khoản lỗ lên tới 7,6 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi mọi người vẫn mua căn hộ của Country Garden, công ty vẫn bù vào khoản thiếu hụt tài chính. 

Tất cả những điều này dẫn đến lo ngại rằng Country Garden sẽ kết thúc giống như China Evergrande, một gã khổng lồ bất động sản đã sụp đổ vào năm 2021 và gây ra sự hoảng loạn trên thị trường toàn cầu.

Bà Rosealea Yao, nhà phân tích bất động sản tại công ty Gavekal (Trung Quốc) nhận định vụ vỡ nợ của Country Garden có thể gây ảnh hưởng như Evergrande vì nó quá lớn. Theo bà, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi chính phủ phản ứng.

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm

Các vấn đề của Country Garden vào đúng thời điểm kinh tế Trung Quốc trải qua một tuần ảm đạm với nhiều thông tin không mấy khả quan, theo Nikkei Asia. Bắc Kinh báo cáo rằng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7 trong khi giá tiêu dùng giảm 0,3%, làm dấy lên lo ngại rằng áp lực giảm phát đang gia tăng. Các khoản vay ngân hàng trong tháng 7 tăng với tốc độ chậm nhất trong 14 năm, bất chấp việc cắt giảm lãi suất gần đây.

Bên cạnh đó, các nhà phát triển thiếu tiền mặt khác đang bị đẩy ra khỏi thị trường chứng khoán. Công ty Sichuan Languang Development đã bị hủy niêm yết khỏi sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tháng 6, sau khi giá cổ phiếu của nó duy trì dưới mức tối thiểu 1 nhân dân tệ (3.200 đồng) trong hơn 20 ngày làm việc. Theo tiết lộ mới nhất trước khi hủy niêm yết, công ty vẫn chưa thanh toán khoản nợ 42,55 tỉ nhân dân tệ và phải đối mặt với các vụ kiện 914 triệu nhân dân tệ.

Trong khi đó, cổ phiếu của China Evergrande cũng bị đình chỉ giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. 

Việc trở lại sau khi bị ngừng giao dịch ở thị trường Hồng Kông cũng có thể khó khăn. Cổ phiếu của Fantasia Holdings Group, một nhà phát triển cỡ trung có trụ sở tại TP.Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), đã quay lại sàn vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ tháng 3 và mất 55% chỉ trong một ngày.

Giá trị cổ phiếu của Shimao Group Holdings, một đối thủ cạnh tranh của Evergrande, đã giảm 66% xuống còn 1,52 HKD (4.600 đồng)  trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi kết thúc 4 tháng bị đình chỉ vào ngày 31.7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.