'Bật gốc' và những thông điệp nhân văn của 'Chuyện hôm nay'

25/01/2024 18:00 GMT+7

Với 'Bật gốc', tác giả - nhà báo Đại Dương không ngại đề cập đến những vấn đề 'nóng', những vấn đề từ vĩ mô đến vi mô, được xã hội quan tâm hoặc chỉ về những thân phận nhỏ nhoi trong cuộc đời...

Bật gốc (NXB Thanh Niên) là cuốn sách mới nhất của nhà báo Đại Dương, gồm 99 bài được chọn lọc từ hàng trăm bài viết trong chuyên mục bình luận Chuyện hôm nay của Báo Tiền Phong trong suốt 4 năm, từ năm 2020 - 2023.

'Bật gốc' và những thông điệp nhân văn của 'Chuyện hôm nay'- Ảnh 1.

Bìa sách là một tấm ảnh nghệ thuật đen trắng do chính nhà báo Đại Dương chụp

NXB

Do tính chất của chuyên mục, mỗi bài viết chỉ gói gọn trong tối đa 650 chữ. Cũng do yêu cầu của phong cách báo chí, đề tài, nội dung của từng bài luôn đậm tính thông tin thời sự. Đọc hết 99 bài báo, bạn đọc có thể hình dung được khá rõ dòng sự kiện trong suốt 4 năm qua. Nhà báo Đại Dương tỏ ra rất chuyên nghiệp để đảm bảo tính ngắn gọn, tính sinh động, hấp dẫn của mỗi bài bình luận. Ngòi bút sắc sảo của tác giả đề cập nhiều vấn đề, từ chuyện sân bay Long Thành đến dự án nhà hát ở Thủ Thiêm, từ chuyện cháy ở các chung cư mini đến chuyện triều cường, mưa to gây ngập nước, ách tắc giao thông, từ giá điện tù mù đến chính sách bảo hiểm xã hội, từ chiếc vé tàu xe về quê ăn tết đến giá phòng thuê trọ...

Chúng ta đều nhớ, 4 năm qua là khoảng thời gian có nhiều sự kiện, nhiều biến động lớn ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ, tâm lý của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đại dịch Ccovid-19. Chính vì thế, tác giả bình luận khá nhiều về chủ đề này, qua: Cuộc chiến sinh tử, Đứt gãy thị trường, Giới nghiêm, Nghẽn mạch, Vắc xin cho doanh nghiệp, Bật gốc, Nâng sức đề kháng, Nhịp sống bình thường mới, Giấy thông hành mới, Tưởng nhớ và ghi ơn, Đau thương và trách nhiệm, Giải cứu niềm tin

Trong nhiều tầng lớp xã hội, nhà báo Đại Dương đặc biệt chú ý đến những con người yếu thế, nhất là người nghèo và trẻ em. Người nghèo là nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi (Khế ước trả bằng mạng sống), người nghèo mất việc trong và sau đại dịch Covid-19, trở về quê "nhưng quê hương chỉ còn là những căn nhà trống hoác với người già và trẻ em, ruộng đồng bỏ hoang… không đủ để đảm bảo cuộc sống" (Bật gốc), người nghèo sống "lay lắt" vì hậu quả của dịch Covid-19, thêm cú đấm bồi của thiên tai (Lay lắt)… Thân phận bất an của người nghèo trong các chung cư mini (Loay hoay với chung cư mini), trong nghề làm shipper (nghề giao hàng, như Lá chắn cho người nghèo, Nghẽn mạch), nghề buôn bán lẻ trong từng con hẻm nhỏ (Lệ thuộc)… được tác giả phân tích bằng một thái độ vừa xót xa vừa thương cảm.

Trẻ em cũng là đối tượng của tâm hồn đa cảm của nhà báo. Có thể cảm nhận được điều này qua chuyện cây phượng đổ trên sân trường gây tử vong cho một học sinh (Phượng không thắp lửa), việc xâm hại, bạo hành, bức tử trẻ em (Cái ác hữu hình, Ai bảo vệ con trẻ?), việc trẻ em trầm cảm, tự tử (Đằng sau những đứa trẻ không hạnh phúc, Gương mặt trầm cảm)…; hoặc là những vấn đề liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm trước cổng trường (Bất an), hiện tượng bạo lực học đường (Đậu vớt), chuyện sách giáo khoa (Sách to, đẹp để làm gì?)…

'Bật gốc' và những thông điệp nhân văn của 'Chuyện hôm nay'- Ảnh 2.

Nhà báo Đại Dương

NVCC

Không phải ngẫu nhiên mà bìa sách là một tấm ảnh nghệ thuật đen trắng do chính nhà báo Đại Dương chụp. Hình ảnh một cậu bé đầu trọc mà tác giả gặp trong trại trẻ mồ côi đã khái quát chủ đề về sự mong manh, bất định, "bật gốc" của những số phận bất hạnh như nhan đề cuốn sách. Đôi mắt cậu bé vừa ngơ ngác vừa đau đáu, trùng khít với góc nhìn của tác giả về con người, xã hội. Cách cậu bé ngoái lại nhìn vừa như là trông đợi vừa như hy vọng, như một thông điệp ngầm nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người với những thân phận cô đơn, yếu thế.

Chính vì những điều trên, đại tá, nhà báo, nhà văn Phan Tùng Sơn đã nhận định về tác giả Bật gốc như sau: "Đau đáu trước những vấn đề, sự kiện, câu chuyện, vụ việc… diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong các ngõ ngách của đời sống xã hội, đặc biệt là những biến cố, bất ổn, tiêu cực… ảnh hưởng đến đời sống của những người yếu thế, Đại Dương tìm cách lên tiếng và lựa chọn cách chuyển tải thông điệp sao cho hiệu quả nhất".

Tôi thật sự ấn tượng cách trình bày trang sách độc đáo, sáng tạo của tác giả khi chọn lấy những câu từ quan trọng nhất để lên đầu trang, tô màu chúng theo kiểu đánh dấu highlight làm cho độc giả không thể không chú ý và suy ngẫm...

Cuốn sách được ra đời như chính tác giả bộc bạch, là để kỷ niệm 30 năm làm báo của mình, đồng thời cũng liên quan đến mốc thời gian 70 năm Báo Tiền Phong phát hành số đầu tiên (1953 – 2023). Là một nhà báo lâu năm, đã từng đạt nhiều giải thưởng báo chí toàn quốc, nhà báo Đại Dương không ngại dấn sâu vào chuyên mục Chuyện hôm nay. Bật gốc hội tụ những thông điệp nhân văn – "thông điệp yêu thương, trách nhiệm, nghĩa vụ cứ như là những đốm sáng lóe lên rồi kết tụ thành những vầng sáng trên từng bài viết hướng người ta đủ dũng khí bước về phía trước", như nhìn nhận của Phó tổng biên tập, Tổng thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong Lê Minh Toản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.