Văn hóa tinh thần là những giá trị được mọi người thừa nhận và tự giác tuân theo. Ở mỗi một thời điểm, trong một không gian văn hóa nhất định, phần nhiều giá trị văn hóa trong một xã hội là tích cực, nhưng cũng có một số biến tướng mang tính tiêu cực dưới "mác" văn hóa. Có thể thấy những nét văn hóa tích cực vẫn đang tồn tại ở một bộ phận lớn trong cộng đồng như: tình làng nghĩa xóm, thương người như thể thương thân, kính trên nhường dưới…
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tồn tại những tiêu cực như: sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, đèn nhà nào nhà nấy rạng, đồng tiền là tiên là phật… Bác Hồ nói, “hiền dữ phải đâu là định sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Điều này đáng được chúng ta chiêm nghiệm trong cuộc sống hôm nay.
Trong một gia đình nào đó: cha mẹ thường xuyên cãi nhau, văng tục chửi thề, những đứa trẻ vô tình đã được dạy nói những lời chanh chua, chợ búa. Cha mẹ thường xuyên nói chuyện chuyện xấu ngoài xã hội; trong cơ quan, chửi rửa hết người này người khác... làm sao những đứa trẻ còn tin vào người lớn và xã hội? Cha mẹ thường xuyên nói dối người khác khi điện thoại trước mặt con cái, làm sao dạy con mình tính trung thực?…
Trong một trường học nào đó: thầy cô luôn xúc phạm học trò liệu có truyền bá được giá trị tôn sư trọng đạo? Thầy cô ép học trò học thêm, liệu có dạy được tình thương và trách nhiệm? Thầy cô đi trễ về sớm, liệu có truyền bá được tinh thần “thời gian là vàng ngọc”? Thầy cô đạo văn, liệu có dạy được học trò trung thực?…
Trong một doanh nghiệp nào đó, giám đốc luôn yêu cầu nhân viên lịch sự với khách hàng, nhưng lại thường chửi rủa những khách hàng làm ông ta bực tức. Lãnh đạo công ty luôn yêu cầu nhân viên trung thực, nhưng lại chỉ đạo họ làm thủ tục trốn thuế… Hỏi rằng nhân viên trong doanh nghiệp này nghĩ thế nào về giá trị văn hóa công ty và họ sẽ hành xử ra sao?
Trong một tổ chức nhà nước, thủ trưởng tiêu xài hoang phí thì khó có một văn hóa tiết kiệm; cấp trên là người nịnh bợ thì khó kiếm cấp dưới liêm sỉ; sếp là người thất tín thì sao cấp dưới trung thành; thủ trưởng thích nhận hối lộ, bảo sao tệ lo lót không nảy nở?…
Cho nên, nhìn cách ứng xử của cấp dưới là ta có thể suy ra phần nào cấp trên trong một tổ chức. Người lãnh đạo chính là người lựa chọn văn hóa và truyền bá văn hóa. Văn hóa một gia đình, một doanh nghiệp, một tổ chức công quyền là do người đứng đầu, khởi nguồn từ người đứng đầu.
Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII - một hội nghị có ý nghĩa về nhiều phương diện, khi sau 75 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 tới nay mới có một hội nghị có tầm vóc tương tự - thực sự rất quan trọng, cấp thiết. Trong công cuộc này, cũng cần xem xét khía cạnh văn hóa của người đứng đầu mỗi tổ chức để bắt mạch văn hóa và tìm giải pháp phát triển văn hóa.
Bình luận (0)