Bát nháo ở khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM: Hàng hóa 'vượt rào'

24/03/2020 20:00 GMT+7

Khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn còn cảnh bát nháo khi người thân, phụ huynh quăng hàng hóa qua hàng rào cho người được cách ly bên trong.

Trưa 24.3, chúng tôi có mặt ở khu cách ly ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức). Ở cổng khu cách ly có thông báo: “Theo sự chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM không nhận hàng hóa của thân nhân gửi vào”. Tuy nhiên, rất đông người vẫn chen chúc chờ xin gửi đồ vào cho người thân. 

Ký túc xá ĐHQG TP.HCM đã bớt cảnh rồng rắn tiếp tế người cách ly

Chỉ nhận đồ cần thiết gửi người bị cách ly

Mền, nệm, quạt gió, sữa, gối... được chất thành đống phía ngoài cổng khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM khiến cho lực lượng chức năng nhiều lần phải phát loa thông báo dẹp đường cho xe chuyên dụng ra, vào. 
Không chỉ riêng người dân, đội ngũ giao hàng cũng xếp hàng trước cổng khu cách ly khiến tình trạng phân luồng giao thông cũng rất khó khăn.

Thông báo không nhận hàng tiếp tế của khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM

Ảnh: Mai Ngân

“Khi có xe cấp cứu, xe chở người cách ly hoặc xe thu gom rác thải di chuyển, chúng tôi phải "hô" lên đến để dời người dân lên vỉa hè, ổn định khu vực. Các xe chuyên dụng phải đậu chờ một lúc mới có thể vào được", bạn H., một thành viên nhóm tình nguyện của Quận đoàn Q.Thủ Đức cho hay.

Xe nối đuôi nhau khi đến khung giờ nhận cho phép gửi đồ vào khu cách ly

Ảnh: Mai Ngân

Mặc dù đã có thông báo không nhận gửi hàng nhưng vì có rất nhiều người dân đến đây để xếp hàng, "năn nỉ" nên lực lượng phụ trách ở khu cách ly chỉ tiến hành nhận các đồ dùng thật sự cần thiết cho người dân trong khu cách ly như thuốc men, dụng cụ học tập, đồ dùng vệ sinh cá nhân, nước súc miệng, khẩu trang...

Quạt điện bị từ chối tiếp nhận

Ảnh: Mai Ngân

 

Các vật dụng như quạt điện, mền, gối... bị từ chối tiếp nhận

Ảnh: Mai Ngân

Đứng chờ từ trưa để gửi đồ cho vợ trong khu cách ly, ông Châu (Q.Tân Bình) cho hay: “Tôi chỉ gửi cho vợ những đồ dùng cần thiết như quần áo, nước súc miệng, khẩu trang… nhưng không gửi được”.

Nhiều người chen chúc chờ gửi đồ cho người thân ở khu cách ly

Ảnh: Mai Ngân

Các nhu yếu phẩm như thuốc men, đồ dùng cá nhân cấp thiết được nhận chuyển giao

Ảnh: Mai Ngân

“Cảnh tượng người dân gửi cả tủ lạnh, gửi bia vào trong để nhậu là quá sức tưởng tượng, đây là nơi cách ly. Bây giờ tôi chỉ biết chờ để hy vọng được gửi đồ vào cho vợ”, ông Châu nói thêm.

Người dân đội nắng đứng chờ bên ngoài khu cách ly

Ảnh: Mai Ngân

Người dân đội nắng để chờ vận chuyển hàng hóa vào khu cách ly

Ảnh: Mai Ngân

“Cách đây hai ngày tôi đã mang các vật dụng cần thiết vào cho con gái, hiện tại thì KTX ĐH Quốc gia TP.HCM không nhận đồ nữa, chỉ nhận giao những vật dụng thực sự cần thiết nên tôi gửi một ít thuốc vào cho con”, ông T. cho biết.
Một số phụ huynh khác thì đã đứng từ sáng sớm để gửi tài liệu vào cho con học:  “Bên trong chỉ có con chuột máy tính, USB, tài liệu… Con tôi phải học online vì bây giờ trường nó ở nước ngoài đang vào mùa thi. Giờ mấy anh không cho gửi vào, tôi cũng không biết phải làm sao, chỉ sợ con không kịp giờ học”.

Lực lượng chức năng cũng vấp phải sự phản đối từ phía người dân khi không nhận gửi mền, chiếu...

Ảnh: Mai Ngân

Quăng đồ qua hàng rào cho người bị cách ly

Tùy vào sự cho phép của bác sĩ tại từng tòa nhà cách ly mà người bị cách ly được phép xuống gần cổng để nhận đồ do thân nhân gửi vào hay không. Nhiều người "đôi co" với lực lượng chức năng và tìm nhiều cách để có thể chuyển đồ vào bên trong.

Người bị cách ly đứng phía trong để nhận đồ

Ảnh: Mai Ngân

Cụ thể, nhiều người đã quăng hàng hóa muốn gửi cho người thân qua hàng rào của KTX để người thân bên trong khu cách ly, khi được phép xuống sân vào buổi chiều, sẽ đến lấy. Vì thế, lực lượng chức năng cùng với các tình nguyện viên phải túc trực ở các cổng của KTX cả bên trong lẫn bên ngoài để ngăn chặn tình trạng này.

CSGT và lực lượng tình nguyện viên túc trực tại các cổng của khu cách ly KTX

Ảnh: Mai Ngân

Nhiều người bất chấp, đứng qua hàng rào để quăng đồ tiếp tế vào trong

Ảnh: Mai Ngân

Một người đàn ông quăng đồ tiếp tế vào trong KTX ĐH Quốc gia

Ảnh: Mai Ngân

Tại khu vực cổng khu A mở rộng, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp đứng lên hàng rào để quăng các đồ gửi vào bên trong. Khoảng 15 giờ cùng ngày, một người phụ nữ quăng túi đồ của mình qua hàng rào. Và khi bị lực lượng chức năng phản đối, lấy hàng trở ra thì người phụ nữ này tỏ ra bất bình, rồi vùng vẫy bỏ đi.

Rác thải chất đống ở khu cách ly

Đã 4 ngày kể từ khi KTX ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành khu cách ly cho người Việt ở nước ngoài về để ngăn chặn dịch Covid-19. và ngày 24.3, khu vực cổng KTX khu A mở rộng vẫn tiếp tục “oằn mình” vì số lượng người và rác thải.
Như Thanh Niên đã đưa tin, tính đến 8 giờ ngày 23.3, có 5.036 người cách ly ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM và mỗi người trung bình thải 1 kg/ngày nên có khoảng 5 tấn rác thải mỗi ngày.

Rác thải tại khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM

Ảnh: Mai Ngân

Khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM "oằn mình" vì lượng rác thải sinh hoạt

Ảnh: Mai Ngân

Rác thải ở đây được phân thành 2 loại: rác thải y tế và rác thải thông thường.
Rác thải y tế sẽ được xử lý riêng biệt, nhân viên lấy rác trên xe được trang bị đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, trên xe có dán cảnh báo chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Còn rác thải thông thường như thùng carton, chai nhựa… được tập trung ở phía dưới mỗi tòa KTX và được lực lượng thu gom chuyển đi.

Các xe thu gom rác y tế và rác thông thường thường xuyên di chuyển tại khu cách ly

Ảnh: Mai Ngân

Theo ghi nhận, chỉ trong trưa 24.3, đã có 4 xe chuyên xử lý rác y tế di chuyển ra ngoài và 2 xe rác thông thường (thùng carton, đồ dùng cá nhân...) vào khu cách ly.

Vài người dân vẫn đứng lại để xin tiếp tế cho thân nhân

Ảnh: Mai Ngân

Người bị cách ly được xuống sân vào buổi chiều để tập thể dục

Ảnh: Mai Ngân

Người được cách ly đi dạo, tập thể dục trong khuôn viên khu cách ly

Ảnh: Mai Ngân

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, người dân đã tản về gần hết, chỉ còn một vài người đứng nán lại xin gửi đồ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.