Khám xét 21 địa điểm, biệt thự
Chiều qua 29.3, Cơ quan CSĐT (C01, Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn FLC (viết tắt FLC), để điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán (TTCK)”, quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự.
Lực lượng chức năng phong tỏa và khám xét tại trụ sở chính của Tập đoàn FLC ở Hà Nội; Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết (ảnh nhỏ) |
Đậu Tiến Đạt - trần đan |
Lãnh đạo C01 cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra, xác minh nhiều nguồn tin tố giác tội phạm liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Quá trình điều tra đã xác định bị can Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc FLC, Công ty chứng khoán BOS và các công ty có liên quan có hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, xảy ra vào ngày 10.1.2022, có dấu hiệu hành vi tội phạm thao túng TTCK, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư (NĐT), ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK.
Cùng với việc thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, lực lượng thuộc C01 đã đồng loạt khám xét 21 địa điểm liên quan đến bị can, các cá nhân thuộc FLC, Công ty chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.
Khám xét biệt thự của tỉ phú Trịnh Văn Quyết và trụ sở FLC |
Theo ghi nhận của Thanh Niên, lúc 18 giờ 45 tối qua, tại trụ sở chính của FLC (265 Cầu Giấy, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) xuất hiện hàng chục ô tô mang biển xanh 80A. Lực lượng cảnh sát trấn giữ nhiều điểm trong và ngoài sảnh thuộc tòa nhà. Hoạt động khám xét gây chú ý ở người dân khiến đoạn đường Cầu Giấy đi qua trụ sở FLC Group bị tắc nghẽn. Một cán bộ thực thi nhiệm vụ tại đây cho biết C01 đã tiến hành khám xét từ lúc 15 giờ cùng ngày.
Lực lượng chức năng phong tỏa và khám xét tại trụ sở chính của FLC Group tại Hà Nội tối 29.3 |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Trong khi đó, tại biệt thự riêng của ông Trịnh Văn Quyết tại P.Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng xuất hiện nhiều xe biển xanh 80A cùng lực lượng cảnh sát bố trí dày đặc. Được biết, căn biệt thự này cũng mang lại nhiều tai tiếng cho tỉ phú Trịnh Văn Quyết khi nhiều lần bị chính quyền sở tại xử phạt hành chính và cưỡng chế do xây dựng trái phép.
Liên quan trực tiếp hành vi thao túng TTCK của ông Trịnh Văn Quyết, trước đó trong phiên giao dịch ngày 10.1, FLC đã lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết.
Đến 20 giờ 30 tối 29.3, lực lượng C01 đã hoàn tất việc khám xét tại trụ sở FLC và rời đi với nhiều đồ vật bị thu giữ |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Trước phiên giao dịch kỷ lục gây chấn động có nhiều dấu hiệu bất thường này, ngay trong chiều 10.1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) nhận được báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định. Ngay sau đó, UBCKNN đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Quyết nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định. Ủy ban này cũng có văn bản chỉ đạo HOSE hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10.1 của ông Quyết, nhiều NĐT được hoàn lại tiền đã mua.
Ngày 18.1, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định. Đồng thời ông Quyết cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Tỉ phú sàn chứng khoán
Theo thông tin từ Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; tốt nghiệp cử nhân luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Quyết từng cho biết bản thân lao vào kinh doanh từ năm 14 tuổi và không bắt đầu ngay với nghiệp buôn bán mà khởi sự với công việc gia sư, rồi văn phòng gia sư. Tích cóp được chút vốn, ông gia nhập ngành kinh doanh ĐTDĐ cũ rồi làm thêm đồ gỗ và ti vi.
Năm 2006, ông Trịnh Văn Quyết chuyển đổi văn phòng Luật sư SMiC thành Công ty luật TNHH SMiC. Năm 2010, CTCP FLC được thành lập. Năm 2011, mã chứng khoán FLC chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Nhìn lại lịch sử FLC có thể thấy tập đoàn này cũng có giai đoạn phát triển khá thần tốc gắn với tên tuổi của vị doanh nhân không ít “tai tiếng” trên TTCK. Theo giới thiệu của FLC, đây là một tập đoàn đa ngành, đa nghề gồm 16 công ty con và 2 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó ngành nghề cốt lõi bao gồm: kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, hàng không và bất động sản.
Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn được thành lập vừa lên sàn vào năm 2013, FLC trở thành một trong những cái tên “hot” nhất trong giới bất động sản lẫn giới đầu tư chứng khoán. Công ty này cùng với người anh FLC Faros đã có lúc đưa Chủ tịch Trịnh Văn Quyết lên nhóm người giàu nhất Việt Nam (tính theo giá trị cổ phiếu niêm yết trên TTCK) năm 2017.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện không ít điều tai tiếng liên quan đến FLC. Nhiều dự án của công ty này đã không hoàn thành tiến độ như dự kiến, bị khách hàng, nhà thầu kiện tụng; nhiều dự án dở dang, lãng phí nguồn lực, làm cho không ít người liên quan đến dự án bị thiệt hại. Cổ phiếu ROS có thời điểm lên tới hơn 200.000 đồng, nhưng sau đó đã rơi tự do trở về mức giá chỉ vài nghìn đồng/cổ phiếu khiến rất nhiều NĐT thua lỗ nặng nề.
Về kết quả kinh doanh trung bình giai đoạn từ 2013 - 2020 (trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra), mặc dù doanh thu của công ty tăng trưởng nhanh nhưng lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROE) của FLC khá thấp, chỉ đạt 5,72%, EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) của cổ phiếu chỉ đạt 731 đồng/cổ phiếu.
Lũy kế cả năm 2021, FLC đạt doanh thu thuần 6.772 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 83,6 tỉ đồng, giảm 50% và 73% so với năm 2020. Trong cơ cấu doanh thu của FLC, nguồn thu lớn nhất là bán hàng hóa, thành phẩm, chiếm gần 3.800 tỉ đồng. Xếp sau là doanh thu kinh doanh bất động sản, khoảng 2.145 tỉ đồng. Doanh thu dịch vụ năm nay chỉ là 944 tỉ đồng, giảm 80% so với năm ngoái do ngành hàng không gặp khó khăn.
FLC cho biết tại thời điểm 31.12.2021, công ty đang sở hữu 21,7% vốn tại Hãng hàng không Bamboo Airways, và hạch toán Bamboo Airways là công ty liên doanh, liên kết. Giá gốc khoản đầu tư vào Bamboo Airways là 4.015 tỉ đồng nhưng giá trị hợp lý hiện chỉ còn 3.514 tỉ đồng. Như vậy, FLC đang lỗ hơn 500 tỉ đồng từ Bamboo Airways.
Về khối tài sản của bị can Trịnh Văn Quyết, năm 2017, Chủ tịch FLC từng được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), tăng tới 25.046 tỉ đồng so với năm 2016. Từ sau năm 2018, tài sản của doanh nhân này trên sàn chứng khoán giảm dần, nguyên nhân chủ yếu do thị giá cổ phiếu trượt dốc và Chủ tịch FLC cũng bán bớt cổ phần. Rơi mạnh nhất chính là ROS khi có thời điểm năm 2020 thị giá chỉ còn ngang bằng giá một cốc trà đá (2.000 đồng/cổ phiếu).
Đến hết năm 2021, Chủ tịch FLC đang sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% tổng số cổ phiếu của tập đoàn. Với giá 12.650 đồng, số cổ phiếu FLC của ông Quyết có trị giá hơn 2.724 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ông Quyết còn sở hữu hơn 23,7 triệu cổ phiếu của Công ty CP xây dựng FLC Faros (ROS), trị giá tương đương hơn 193 tỉ đồng. Đồng thời, sở hữu hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB của CTCP đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC với tổng trị giá hơn 1.494 tỉ đồng.
Cơ hội để thị trường thanh lọc cổ phiếu
Về diễn biến cổ phiếu FLC, trong phiên đầu tuần 28.3 (ngay sau khi xuất hiện tin đồn Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt), toàn bộ các cổ phiếu hệ sinh thái FLC bao gồm: FLC, ROS, ART, HAI, KLF, AMD đều giảm sàn “trắng bên mua”. Trong phiên 29.3, hai mã FLC và ROS “đứng im” tại mức giá sàn trong toàn bộ phiên giao dịch với mức giảm 7%, kết phiên đạt lần lượt 12.650 đồng/cổ phiếu và 8.160 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, thanh khoản FLC tiếp tục giảm mạnh, thấp hơn cả phiên trước đó, cả phiên chỉ ghi nhận hơn 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Đến cuối phiên, cả FLC và ROS vẫn còn dư bán giá sàn với khối lượng lớn, lần lượt là gần 70 triệu cổ phiếu và 48 triệu cổ phiếu.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2022 cổ đông hệ sinh thái FLC phải chịu tình cảnh cổ phiếu giảm sàn “trắng bên mua” sau vụ giao dịch không công bố gần 75 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ngày 10.1.
Ngày 28.3 khi tin đồn ông Quyết bị bắt lan rộng, chỉ số VN-Index giảm điểm khá mạnh với 15,32 điểm (-1%), đóng cửa tại mức 1,483.18 điểm. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 29.3, sức cầu tốt ở hầu hết các nhóm cổ phiếu giúp VN-Index tăng 14,85 điểm (tương đương 0,98%), lên 1.497,76 điểm.
Tỉ phú Trịnh Văn Quyết từ tay trắng trở thành người giàu có như thế nào? |
Nhiều thông tin lo ngại việc ông Quyết bị bắt sẽ khiến TTCK chao đảo. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán và nhiều chuyên gia nhận định những tác động tiêu cực chỉ diễn ra trong ngắn hạn vài phiên giao dịch, thậm chí chỉ 1 - 2 phiên, và đây chính là cơ hội để thị trường thanh lọc các cổ phiếu đầu cơ, kém minh bạch. Thực tế cho thấy so với quy mô thị trường hiện nay, sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu FLC về quy mô vốn hóa không còn nhiều như thời kỳ đỉnh cao năm 2018. Với hơn 1,9 tỉ cổ phiếu lưu hành, trong năm 2021, giá trị khớp lệnh của cổ phiếu họ FLC lên tới gần 150.000 tỉ đồng, chiếm 2,4% giá trị toàn thị trường. Hiện nay hầu hết các công ty chứng khoán đều không cấp margin cho các cổ phiếu hệ sinh thái FLC do đó những diễn biến của nhóm cổ phiếu này sẽ được khoanh vùng, tác động không lớn lên toàn thị trường.
Ai sẽ điều hành FLC?
Trong thông cáo báo chí chiều tối muộn 29.3, Tập đoàn FLC cho biết để hạn chế rủi ro có thể phát sinh và đảm bảo hoạt động thường xuyên của tập đoàn, ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC. Theo đó, bà Hải Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC - Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Tre Việt cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty. Đồng thời, ông Quyết cũng ủy quyền cho bà Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Quyết.
Tiêu Phong
Bình luận (0)