Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm: Phải làm rõ việc 'sai số' giữa 2 lần giám định

02/07/2020 05:15 GMT+7

Liên quan vụ bé gái 14 tuổi ở Bình Chánh (TP.HCM) nghi bị hiếp dâm, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng phải điều tra làm rõ tại sao có sự chênh lệch lớn giữa 2 lần giám định độ tuổi của nạn nhân.

Như Thanh Niên thông tin, liên quan loạt bài Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm mà chúng tôi nhiều lần phản ánh, cùng một sự vụ mà Trung tâm giám định pháp y (TTGĐPY) thuộc Sở Y tế TP.HCM cho ra 2 kết quả giám định độ tuổi nạn nhân khác nhau dẫn đến bản chất vụ việc thay đổi, đến nay Sở Y tế TP.HCM mới phản hồi về kết quả giám định “bất thường” này.
Lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết việc giám định độ tuổi trên, TTGĐPY cho rằng giám định theo Thông tư 47/2013 của Bộ Y tế. Thông tư quy định đánh giá độ tuổi bằng 3 tiêu chuẩn: dựa vào phần mềm để xác định độ tuổi, kết quả khám lâm sàng, kết quả cận lâm sàng (xét nghiệm, X-quang, ADN...).
Theo báo cáo của TTGĐPY, hiện Bộ Y tế chưa ban hành phần mềm giám định độ tuổi. Với trường hợp mà Thanh Niên phản ánh, TTGĐPY sử dụng 2 phần mềm nên cho 2 kết quả khác nhau.
Lần 1: sử dụng phần mềm của Viện Pháp y T.Ư (kết quả: nạn nhân N.T.B có độ tuổi từ trên 17 đến gần 17 tuổi 6 tháng - PV) và lần 2: sử dụng phần mềm của Bộ Công an cho ra kết quả khác (vào 17.11.2019, B. có độ tuổi trên 14 tuổi 9 tháng dưới 15 tuổi 4 tháng - PV). Ngoài ra, 2 lần giám định do 2 chuyên viên giám định khác nhau đọc nên có độ “co giãn”. Tuy nhiên, cả 2 phần mềm này chưa được Bộ Y tế công nhận để đưa vào quy trình chuẩn cho quốc gia.

“Sai số” khó chấp nhận

Một lãnh đạo Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho biết phương pháp xác định độ tuổi qua giám định xương có thể xác định độ tuổi đối với một con người, chỉ cần có ảnh chụp X-quang khung xương của người cần được giám định, dựa theo phần mềm xác định về độ tuổi, thì sẽ xác định tuổi chính xác đến từng tháng. “Và độ sai lệch con số tầm khoảng 6 tháng đến 1 năm, còn nếu chênh lệch gần 3 tuổi thì quá sai lệch, có sai sót khi giám định rồi”, vị lãnh đạo này nhìn nhận.
Bạn đọc (BĐ) Minh Nhựt cho rằng cùng một dữ liệu đầu vào, cùng một đơn vị thực hiện nhưng sự chênh lệch độ tuổi giữa 2 lần giám định là quá lớn, mà đây là một nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án hình sự, vì vậy “tốt nhất là hủy hai kết quả trên và giao cho một đơn vị độc lập khác giám định lại cho đảm bảo khách quan, chính xác”.
“Theo tôi, việc giám định này nên để Phân viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an thực hiện nhằm đảm bảo tính chính xác”, BĐ Trúc Nhân đề nghị.
Việc giám định độ tuổi nên là Phân viện Khoa học hình sự sẽ khách quan hơn, tránh gây thắc mắc, hoài nghi từ dư luận.
Van Dung
Phải làm rõ trách nhiệm của bên giám định.
Nguyen Hoang

Phải điều tra làm rõ

Theo một cán bộ giám định của Bộ Công an, nếu đổ lỗi cho phần mềm dẫn đến kết quả sai độ tuổi thì không chuẩn. Nhiều ý kiến BĐ cho rằng vụ việc này cần có các cơ quan liên quan cao hơn vào cuộc làm rõ tại sao lại có sự chênh lệch quá lớn giữa 2 lần giám định. “Trẻ em cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất có thể, vì chúng là tương lai của đất nước. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ lý do có sự cách xa nhau giữa 2 lần giám định này”, BĐ Đoàn Đức ý kiến.
“Cứ đọc về các vụ hiếp dâm trẻ em là lòng đau như bị xát muối. Đề nghị cơ quan chức năng điều tra xem việc giám định này có khuất tất không, nếu có thì xử lý thật nghiêm”, BĐ Chu Hien ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.