Khoảng 48 triệu cử tri Anh ngày 7.5 đã bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới để dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong 5 năm tới.
Người dân ở thành phố Glasgow, Scotland đi bỏ phiếu ngày 7.5 - Ảnh: AFP
|
Đây là cuộc tổng tuyển cử khó dự đoán kết quả nhất trong nhiều thập niên tại Anh, khi các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy không chính đảng nào có thể chiếm thế đa số tại Hạ viện gồm 650 ghế. Cả đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron và Công đảng đối lập đều bám nhau sát nút trong các cuộc thăm dò. Cụ thể, trong 7 cuộc thăm dò dư luận được công bố một ngày trước bầu cử, 3 cuộc cho thấy 2 chính đảng đều có tỷ lệ ủng hộ tương đương nhau; 3 cuộc thể hiện đảng Bảo thủ chiếm ưu thế và 1 cuộc thiên về Công đảng. “Đây là cuộc đua sít sao nhất chúng ta từng thấy”, lãnh đạo Công đảng Ed Miliband phát biểu trước đám đông ủng hộ tại vùng Pendle, miền bắc nước Anh khi đến đây vận động tranh cử.
Theo Reuters, cuộc thăm dò dư luận của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu tại Anh là YouGov cho thấy đảng Bảo thủ sẽ giành 284 ghế so với 263 ghế của Công đảng... Nếu kết quả cuộc thăm dò thành hiện thực, cả hai chính đảng đều sẽ cần liên minh với ít nhất 2 đảng nhỏ hơn để huy động được số ghế quá bán là 326 trong Hạ viện.
Khoảng 50.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh đã mở cửa từ 7 giờ sáng đến 22 giờ tối 7.5 (giờ địa phương, tức 13 giờ ngày 7.5 cho đến 4 giờ sáng hôm sau, giờ VN). Kết quả cuộc bầu cử dự kiến công bố ngày 8.5. Theo BBC, nếu cả Công đảng lẫn đảng Bảo thủ không giành chiến thắng áp đảo thì các cuộc đàm phán thành lập liên minh với những đảng nhỏ sẽ bắt đầu ngay trong ngày 8.5 và nhiều khả năng các cuộc thương lượng có thể kéo dài nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tháng.
Trong những ngày chạy đua nước rút nhằm lôi kéo cử tri, lãnh đạo đảng Bảo thủ đã cam kết sẽ khôi phục kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giảm thuế thu nhập cho 30 triệu người và đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu nhằm loại bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách. Công đảng thì nhấn mạnh sẽ giảm dần thâm hụt ngân sách theo từng năm, tăng thuế thu nhập nhiều nhất là 1%, bảo vệ quyền lợi của người nghèo và duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu. Tuy Liên minh châu Âu (EU) chỉ là vấn đề nhỏ trong cuộc đua tranh vì đa số cử tri đều quan tâm đến các vấn đề khác như kinh tế, y tế, giáo dục, song kết quả cuộc bầu cử lần này ít nhiều có thể ảnh hưởng tới tương lai của khối. Thủ tướng Cameron từng tuyên bố sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017 nếu làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. BBC cho hay Công đảng cũng không loại bỏ khả năng tổ chức trưng cầu dân ý tương tự khi trở lại cầm quyền.
Bình luận (0)