Bay quốc tế thấp thỏm chờ 'hộ chiếu vắc xin'

30/03/2021 07:19 GMT+7

Dù chưa chốt chính thức phương án “hộ chiếu vắc xin”, song các hãng hàng không đang rục rịch chờ ngày bay quốc tế trở lại.

Hôm 25.3, chuyến bay của Vietnam Airlines từ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đã hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng. Đây cũng là chuyến bay trọn gói đưa công dân Việt Nam về nước theo hình thức tự chi trả toàn bộ chi phí, đánh dấu bước tái khởi động bay thương mại quốc tế sau thời gian tạm dừng khai thác do dịch Covid-19.

Sáng 30.3: Gần 46.500 người đã tiêm vắc xin

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, sắp tới sẽ có nhiều chuyến bay trọn gói đưa công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài hết hạn visa nhưng đang kẹt ở nước ngoài về nước. Tiến tới sẽ thực hiện các chuyến bay thương mại có tần suất đưa công dân Việt Nam về nước, ưu tiên 6 điểm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào và Campuchia. Trên thực tế, đây là những đường bay đã được Chính phủ đồng ý nối lại từ tháng 9.2020, song do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã không thực hiện được.
Việc mở lại các đường bay quốc tế từng bước có tác động tích cực với thị trường hàng không, dù vậy, theo một chuyên gia trong ngành, sẽ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, từ việc phải thông qua chính thức “hộ chiếu vắc xin”, địa điểm cách ly, thống nhất chi phí cách ly, giãn cách chuyến bay đảm bảo an toàn phòng chống dịch…
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, kỳ vọng việc triển khai “hộ chiếu vắc xin” tại Việt Nam có thể sẽ tiến hành nhanh, dựa trên nhiều yếu tố: thứ nhất là Tổ chức Hàng không quốc tế IATA đã gửi thư trực tiếp đến Thủ tướng về Travel Pass (“hộ chiếu vắc xin”), Thủ tướng cũng đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu sớm triển khai. Tại các cuộc họp mới đây, Thủ tướng cũng đã trực tiếp yêu cầu đẩy nhanh “hộ chiếu vắc xin”. Thứ hai, Thái Lan vừa tuyên bố sẽ mở cửa thị trường du lịch vào tháng 6 - 7 tới, nếu Việt Nam không nhanh chóng thông qua Travel Pass, sẽ bị các thị trường du lịch quốc tế khác “hút” hết khách.
“Còn nhiều ý kiến xung quanh Travel Pass, ví dụ có cần cách ly không, hay cách ly 2 - 3 ngày, không thể khẳng định sẽ 100% an toàn. Nhưng quan trọng nhất với Travel Pass là những tiêu chuẩn này đã được thống nhất giữa IATA, WHO và chính phủ các nước. Hiện đã có hơn 70 nước đồng ý tham gia Travel Pass với IATA”, ông Tuấn nói.
Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, Travel Pass sẽ cung cấp tất cả các thông tin cá nhân (đã tiêm vắc xin Covid-19), dữ liệu Covid-19 tại nước điểm đi/đến..., kết nối trực tiếp với cổng y tế của các chính phủ. “Việc triển khai Travel Pass ban đầu có thể sẽ thử nghiệm trong một số khu vực, chẳng hạn cho phép khách đến Đà Nẵng, khoanh trong một vài khu vực. Sau giai đoạn thử nghiệm, khi xác định được an toàn mới triển khai mở rộng”, ông Tuấn chia sẻ. Vietnam Airlines cũng dự kiến sau khi Chính phủ thông qua Travel Pass, hãng này sẽ mở các đường bay quốc tế tới các điểm đã được kiểm soát dịch tốt như Đài Loan, Nhật Bản...
Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), ngoài cơ sở pháp lý, khó khăn lớn nhất đối với “hộ chiếu vắc xin” tại Việt Nam là công nghệ. “Nếu nói về “hộ chiếu số” thì làm thế nào để kết nối, liên thông được các hệ thống của các nước với nhau và cung cấp giải pháp truy cập cơ sở dữ liệu cho rất nhiều nơi có nhu cầu kiểm tra, xác nhận thông tin (ví dụ sân bay, khách sạn) là quan trọng nhất”, ông Nam nói.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty lữ hành Fiditour, nhận định, với Việt Nam, để áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, mở lối cho du lịch quốc tế tăng tốc, cần chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực để tạo thành dây chuyền trơn tru, không gây cản trở, khó khăn cho du khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.