Bay quốc tế vẫn chưa 'mở' với khách du lịch?

27/12/2021 06:18 GMT+7

Thông tin thị trường du lịch quốc tế sẽ chưa mở hoàn toàn kể cả khi bay quốc tế trở lại từ tháng 1.2022 khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành đang cảm thấy hoang mang.

“Trước hội thảo thì hăm hở, sau hội thảo thì hoang mang”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, sau khi tham dự hội thảo “Du lịch VN - Phục hồi và phát triển” do Bộ VH-TT-DL phối hợp Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm 25.12.

Duy trì thí điểm, khách quốc tế tới VN nhỏ giọt theo từng chuyến charter. Trong ảnh: Sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) đón khách Nga trở lại sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh

Hiền Lương

Lý do, theo ông Kỳ, sau khi Chính phủ khẳng định quan điểm mở cửa du lịch an toàn, nối lại các đường bay thương mại quốc tế, các doanh nghiệp (DN) du lịch đã lập tức chủ động chuẩn bị rất nhiều kế hoạch để hồi phục. Đơn cử, ngay khi Bộ VH-TT-DL ra văn bản cho phép đón khách vào đi tour 7 ngày không cách ly, Vietravel đã hướng ngay sang các thị trường gần như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Kế hoạch là “đánh” vào những ngày cuối tuần của họ, thường từ 4 - 5 ngày, rất an toàn. Xác định tiếp cận thị trường khách trong bối cảnh dịch bệnh không hề dễ dàng, DN này cũng đã huy động các kênh làm việc với đối tác nước ngoài, tính toán đường bay, làm việc với Tổng cục Du lịch Singapore, Thái Lan… để kết nối lại hoạt động du lịch.

Chúng tôi tha thiết kỳ vọng đừng chần chừ mở ra đóng vào nữa. Đã mở thì mở cho đúng nghĩa. Khó ở đâu, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó

Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn

“Đùng một cái, văn bản của Bộ Y tế ban hành yêu cầu du khách quốc tế phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày. Hai văn bản ra cách nhau khoảng 2 tuần, toàn bộ sự chuẩn bị trong 2 tuần đó của Vietravel đổ sông đổ biển”, ông Kỳ nêu. Cũng theo lãnh đạo Vietravel, tại hội thảo du lịch vừa diễn ra, lại có quan điểm không vội mở du lịch, chỉ mở lại khi thực sự an toàn. Theo ông, cả ngành du lịch và hàng không đang háo hức chờ ngày mở cửa đường bay thương mại, đón khách quốc tế, lên phương án hết cả rồi; giờ quan điểm chưa vội mở khiến “du lịch tiếp tục đứng trước nguy cơ vỡ trận”.

“Thời gian qua, các bộ, ngành nói mở cửa du lịch, mở cửa hàng không nhưng thực chất vẫn đặt ra rất nhiều hàng rào kỹ thuật để trì hoãn. Đơn cử, nói từ 1.1.2022 mở đường bay quốc tế nhưng đến cách đây vài hôm Bộ Y tế mới có văn bản hướng dẫn. Không DN nào trở tay kịp bởi khách không đứng sẵn trước cửa chờ VN mở là ào vô giống như săn hàng khuyến mãi. DN cần thời gian để chuẩn bị thị trường. Nếu cứ mở cửa he hé như thế này, DN du lịch chắc chắn sẽ chết”, ông Kỳ nói.

Covid-19 sáng 27.12: Cả nước 1.651.673 ca nhiễm | Tiêm vắc xin ngay cho F0 vừa khỏi bệnh

Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, cho biết cũng đang rất hoang mang. Dù Phú Quốc (Kiên Giang) đã mở cửa thí điểm đón khách quốc tế từ 20.11 nhưng do lượng khách quá ít, không thể gánh nổi chi phí nên tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 của Ngôi sao biển Sài Gòn tại Phú Quốc United Center vẫn chưa thể mở cửa. Mới đây, sau khi Chính phủ đồng ý kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế, ông Huỳnh Văn Sơn đã hồ hởi sáng đèn trở lại Chợ đêm Phú Quốc Grand World, sẵn sàng đón khách, sẵn sàng hồi sinh.

“Mới vỏn vẹn 7 ngày, chưa kịp ổn định hoạt động thì giờ lại đứng trước nguy cơ gồng lỗ chờ đợi hoặc đóng tiếp. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chi phí đè nặng, bòn rút chút sức lực cuối cùng của DN. Chúng tôi tha thiết kỳ vọng đừng chần chừ mở ra đóng vào nữa. Đã mở thì mở cho đúng nghĩa. Khó ở đâu, DN sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó. Mở cửa, hoặc là chết”, ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến việc tiếp tục duy trì thí điểm đón khách quốc tế tới một số địa phương giới hạn, ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá rất khó để vực dậy ngành du lịch. Công suất của 1 khu resort là cả chục ngàn người. Một quần thể du lịch như ở Nha Trang có thể chứa tới hàng triệu người. Bây giờ đưa nhỏ giọt từng đoàn vài ngàn khách tới không giải quyết được vấn đề gì. Trong khi đó, DN muốn triển khai cái gì cũng cần đầu tư thị trường, đầu tư phát động, đầu tư sản phẩm, nhân sự... Nếu cứ tiếp tục mở cửa hé thế này, DN đã khốn đốn lại càng thêm khổ, ở lại sẽ bị trễ mà bước ra thì dễ bị kẹt.

Nguồn khách hồi hương có hạn

Tính tới chiều qua 26.12, tức chỉ cách 5 ngày là đến mốc mở cửa bay quốc tế trở lại, Bộ GTVT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức, còn các hãng hàng không thì vẫn tiếp tục chờ đợi.

Trước đó, báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết nhu cầu về nước của người VN ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính hơn 140.000 người. Nhu cầu này đặc biệt tăng cao vào dịp tết, vì thế tần suất các chuyến bay thương mại (tới các thị trường có nhu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) khó đáp ứng hết. Ngoài việc đề xuất duy trì các chuyến bay hồi hương (đưa về cơ sở cách ly của quân đội hoặc chuyến bay combo), Cục Hàng không đề xuất tăng tần suất khai thác với các thị trường có nhu cầu thực sự của công dân, trước mắt là Nhật Bản.

Trong khi đó, theo đại diện Vietnam Airlines, hiện hãng mới được cấp slot thực hiện chuyến bay 2 chiều với Nhật Bản. Hãng này vẫn đang đợi thêm hướng dẫn từ phía các bộ, ngành về thị trường, slot cấp cũng như đối tượng khách, trước khi mở bán vé các chuyến bay quốc tế thường lệ tới các thị trường được phép vào đầu năm 2022.

“Trước mắt, khi mở lại một số thị trường không lo thiếu khách, do số lượng khách có nhu cầu hồi hương rất lớn. Song về lâu dài, đặc biệt sau cao điểm tết, nhu cầu khách hồi hương sẽ giảm dần, trong khi đó khách kinh doanh, đầu tư hoặc du lịch lại tăng cao”, đại diện hãng cho hay.

Cũng theo vị đại diện Vietnam Airlines, hiện các chuyến bay charter đón khách quốc tế tới các thị trường thí điểm trong nước như Khánh Hòa, Phú Quốc... vẫn đang diễn ra bình thường. Mới nhất, sáng qua 26.12, chuyến bay charter chở 325 khách du lịch Nga đầu tiên có “hộ chiếu vắc xin” đã đến Nha Trang (Khánh Hòa) sau hơn 2 năm du lịch gián đoạn vì dịch bệnh.

“Khách du lịch quốc tế hay khách hồi hương, khách kinh doanh khi nhập cảnh VN đều phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch của VN trước khi lên máy bay. Trong trường hợp chưa mở rộng tới tất cả các thị trường du lịch, có thể tiếp nhận khách du lịch quốc tế nhưng điểm đến là các địa phương được cho phép thí điểm du lịch, đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng cũng như phòng dịch”, đại diện Vietnam Airlines khuyến nghị và đề xuất các chính sách thay đổi cần dựa trên diễn biến cập nhật của dịch bệnh, tạo thời gian cho DN chuẩn bị.

“Chúng ta sợ mở cửa tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhưng người dân hiện đã chuẩn bị tiêm mũi vắc xin thứ 3 rồi. Bao phủ vắc xin cho người dân mà không để mở cửa, sinh hoạt bình thường trở lại, sống chung an toàn với dịch thì tiêm làm gì? Dọc từ Bắc vào Nam, chúng ta đã đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng cho những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng nhưng đã 2 năm qua nằm chết lặng. Cứ để như vậy thì đó mới thật sự là lãng phí”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings

Khánh Hòa đón khách Nga trở lại sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19

Ngày 26.12, 325 khách du lịch Nga đầu tiên có “hộ chiếu vắc xin” đã đến Nha Trang (Khánh Hòa) sau hơn 2 năm du lịch gián đoạn vì dịch Covid-19. Trước đó, lúc 15 giờ 30 ngày 25.12, chuyến bay của Hãng hàng không Azur Air chở các du khách nói trên cất cánh từ sân bay quốc tế Vnukovo (thủ đô Moscow, Nga), đáp xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) sáng 26.12.

Du khách theo lối đi phân luồng riêng để làm thủ tục nhập cảnh và sàng lọc sức khỏe ngay tại sân bay. Theo kế hoạch, từ ngày 26.12.2021 - 23.3.2022, Khánh Hòa sẽ đón 26 chuyến bay đưa khách Nga từ thủ đô Moscow đến Nha Trang. Tần suất tổ chức bay là 2 chuyến/tuần. Khách Nga là đối tượng khách trọng điểm thứ 2 của du lịch Khánh Hòa, sau khách Trung Quốc.

Hiền Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.