Bế con đến trường và giấc mơ được học của Phong

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
01/10/2019 07:46 GMT+7

Nhìn cậu học trò Nguyễn Thế Phong (7 tuổi, lớp 1A Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) dùng miệng và bàn tay co quắp kẹp ngòi bút nắn nót từng nét chữ, ai nấy không khỏi quặn lòng xót xa.

Chúng tôi đến lớp 1A khi cô trò đang ê a tập đọc. Đây là lớp học đặc biệt bởi có thêm 1 cái giường nhỏ cho Phong nằm học. Chiếc giường gỗ do bố mẹ đóng cho Phong, một đầu có thành cao bằng ván để làm giá kê sách vở. Tay bị co quắp không cầm được bút nên mỗi khi viết, em phải dùng cả tay và miệng kẹp ngòi bút. Mặc dù mới đi học được 3 tuần nhưng em đọc to rõ và đặc biệt viết chữ tròn trịa, nét đều, đẹp.

Nghị lực phi thường của cậu học trò khuyết tật tứ chi

Ở lớp, Phong phụ thuộc nhiều vào cô giáo và các bạn, từ chuyện ăn uống đến đi vệ sinh. Giờ nghỉ, các bạn ra sân chơi đùa, Phong nằm trên chiếc giường nhỏ và quan sát qua ô cửa sổ. Lần đầu tiên Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch tiếp nhận một học sinh khuyết tật đặc biệt như thế. Thầy cô giáo luôn dành tình cảm và sự quan tâm đến Phong. Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A Lê Thị Hiền Bích tâm sự: “Mặc dù em đi học muộn hơn các bạn 1 tháng, nhưng qua sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm và sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường cùng sự nỗ lực của bản thân nên Phong hiện đã tiếp thu kịp các bạn”.
Mỗi ngày Phong được mẹ là chị Nguyễn Thị Trúc Phương (30 tuổi) bế đến lớp và về 4 lượt. Đều đặn hằng ngày, cuối buổi học chị Phương có mặt tại trường, đứng lấp ló ngoài cửa sổ quan sát con trai mình trong lớp mà nhiều hôm nước mắt ngắn dài. Tiếng trống trường vang lên, chị được vào phòng học, đến giường Phong nằm để bồng con về. Trước lúc về, học sinh của lớp xếp thành 3 hàng dọc, chị cũng bồng con đứng vào hàng.
Đường về nhà Phương lởm chởm sỏi đá do nước mưa chảy xói mòn đất, lối vào nhà mọc đầy cỏ dại. Đó là căn nhà gỗ thấp bé và cũ kỹ, trong nhà đơn sơ, tối tăm. Phong là con đầu, sau còn 2 người em nhỏ. Chị Phương phải ở nhà chăm con nên cả gia đình phụ thuộc vào công sức lao động của chồng là anh Nguyễn Văn Nhật (37 tuổi). Kể về con, chị Phương nghẹn ngào: “Trước lúc mang thai em bị cúm, không nghĩ là vi rút độc vẫn tồn tại trong người. Đi khám, bác sĩ đã phát hiện dị tật nhưng vợ chồng em không nỡ bỏ đi, quyết định giữ lại nuôi con. Khi mới sinh, chân tay cháu dính liền vào nhau, phải qua 5 lần phẫu thuật mới được như bây giờ. Theo tư vấn của bác sĩ, cháu cần được đi Hà Nội để tiếp tục chữa trị và làm vật lý trị liệu nhưng tiền ăn cho cháu còn không đủ thì lấy đâu ra tiền mà đi. Vợ chồng em đã chạy vạy vay mượn quá nhiều rồi, giờ đành để cháu ở nhà tự chăm”.
Bà Lê Thị Hiệp, Phó hiệu trưởng nhà trường, tâm tư: “Qua điều tra phổ cập, chúng tôi đã biết hoàn cảnh của Phong. Khi em có nguyện vọng đến trường học, nhà trường rất vui và sắp xếp hỗ trợ hết sức. Gia cảnh của em quá éo le, rất mong các nhà hảo tâm gần xa góp chút ít giúp em chữa bệnh”.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Thế Phong; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình em Phong trong thời gian sớm nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.