Bé gái nghi thắt cổ chết vì làm theo mạng xã hội: Hãy theo sát con mình

Phạm Hữu
Phạm Hữu
18/10/2020 16:40 GMT+7

Từ vụ bé gái nghi tự thắt cổ chết do làm theo mạng xã hội , các chuyên gia cho rằng cha mẹ hãy là người định hướng và kiểm soát trước những thông tin trên nền tảng mạng khi giao quyền truy cập cho con trẻ.

Mới đây, thông tin từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận nữ bệnh nhi V.T.D (5 tuổi, ngụ TP.HCM) do Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở đã đặt nội khí quản bóp bóng do thắt cổ. Nguyên nhân là đứa trẻ thắt cổ vì làm theo chỉ dẫn trên mạng xã hội. Đứa trẻ này dùng khăn quàng cột trên giường tầng, chân chỉ cách đất 20-30 cm.
Qua thực tế này, một số chuyên gia cho biết một bộ phận cha mẹ hiện nay chưa xem trọng việc con trẻ tiếp cận mạng xã hội.

Giám sát thời gian cho con lên mạng

Anh Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Nghiên cứu bảo mật, hệ thống tại HVSC Học viện Sẻ chia, cho rằng mạng xã hội hiện nay luôn có 2 mặt. Có những chia sẻ tin tốt và những thông tin xấu, tiêu cực. Do đó, ngay cả những người lớn cũng khó phân biệt được đâu là những thông tin xấu. Để con nhỏ không phải tiếp xúc với những thông tin hoặc các dạng video clip độc hại thì cha mẹ phải định hướng, đồng hành cùng con khi truy cập internet thời gian đầu, sau đó giám sát dần, giúp con hiểu rõ tác hại của những tin giả, câu view, vô bổ, gây hại.
Mặc khác, tùy độ tuổi của trẻ, cha mẹ sẽ có cách cho con tiếp cận mạng xã hội hoặc giờ giấc cụ thể một cách phù hợp. Trước khi cho con xem, cha mẹ nên kiểm tra nội dung đó trước. Nếu phát hiện nội dung xấu, độc, cha mẹ nên làm động tác báo cáo với quản trị mạng đó để khắc phục. Ví dụ Yotube, Facebook đều có chức năng báo cáo video vi phạm, spam, tin giả...
Cũng theo anh Khoa, về mặt công nghệ, nếu trẻ có độ tuổi từ học THCS trở xuống có thể quản lý bằng ứng dụng hoặc phần mềm kiểm soát nội dung trên các nền tảng mạng xã hội có sẵn.

Môi trường mạng ẩn chứa nhiều rủi ro đối với trẻ em

TN

“Ngoài ra, những nội dung độc trên các kênh YouTube cha mẹ cũng có thể kiểm soát từ những khâu đơn giản nhất”, anh Khoa chia sẻ.
Chẳng hạn, trên nền tảng YouTube Kids, cha mẹ có thể tuỳ chỉnh trải nghiệm cho con bằng tính năng kiểm soát. Cha mẹ là người đặt hẹn thời lượng, giới hạn thời gian nhìn màn hình cho trẻ. Theo dõi trang liên tục sẽ luôn biết được con mình đang xem nội dung gì. Thực hiện thao tác chặn một video hoặc cả kênh có nội dung xấu. Gắn cờ thông báo đến trang về nội dung không phù hợp với kênh dành riêng cho trẻ em.
Anh Khoa hướng dẫn: “Cha mẹ có thể chọn chế độ chỉ nội dung được mình phê duyệt nếu muốn tự tay chọn các video, kênh hoặc bộ sưu tập mà bạn đã đồng ý cho con mình xem. Ở chế độ này, trẻ sẽ không thể tìm kiếm video nào khác. Ngoài ra còn có chế độ mẫu giáo, chế độ trẻ nhỏ tuổi và chế độ trẻ từ 8 tuổi trở lên”.

Đừng để con tự do bơi trong biển thông tin mạng

Chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An chia sẻ,  tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt; sự quản lý thiếu chặt chẽ từ các trang mạng xã hội; những hình ảnh, câu chuyện tiêu cực xuất hiện tràn lan trong khi sự gạn lọc thông tin của người dùng còn hạn chế... ít nhiều người dùng sẽ bị tiêm nhiễm. Đặc biệt là với các bạn nhỏ đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách.
Trẻ con thường rất dễ bắt chước và làm theo hành động của người lớn. Có thể do hằng ngày bé tiếp xúc với các hình ảnh, câu chuyện về tự tử trên mạng xã hội nên ít nhiều bị tiêm nhiễm. Những hình ảnh thiếu tích cực đó vô hình trung để lại dấu vết trên vỏ não và từ trong vô thức khi trẻ rơi vào tình huống, hoàn cảnh tương tự nó có thể khiến các em hành động theo một cách thiếu suy nghĩ.
Chuyên gia này cũng nói thêm, trẻ em đang tiếp nhận khá thụ động những thông tin diễn ra hàng ngày trên internet. Muốn thay đổi điều này thật sự rất khó, cần lộ trình và cần sự chung tay thống nhất mục tiêu giáo dục từ nhiều phía. Phụ huynh cần định hướng, quản lý và nhắc nhở con về việc sử dụng các thiết bị truy cập mạng xã hội tránh việc khoán trắng cho con trẻ tự do sử dụng.
Người lớn trước hết cũng cần là người dùng mạng xã hội thông minh, sáng suốt, có chừng mực để làm gương cho con trẻ noi theo. Với các gia đình có điều kiện trao cho con quyền sử dụng điện thoại sớm cần có định hướng, quy ước và sự can thiệp khi cần thiết tránh để con tự do bơi trong biển thông tin mạng. Phụ huynh nên dành thời gian quan tâm đến đời sống tâm sinh lý của con để kịp thời nắm bắt sự thay đổi của trẻ, cũng như nắn chỉnh hay can thiệp đúng lúc. Tránh cuốn theo vòng xoáy cơm áo gạo tiền mà xem nhẹ vai trò giáo dục gia đình.
Việc cha mẹ dung hoà giữa quản lý con trên internet và sự phát triển chung của xã hội là điều không đơn giản bởi sống trong thời đại công nghệ thì việc tách con trẻ ra khỏi mạng xã hội hay internet là điều không thể. Vì thế các ông bố bà mẹ ngày nay phải nỗ lực hết mình để có thể dạy con cách “hoà nhập nhưng không hoà tan”.
Muốn như vậy, phụ huynh trước hết phải ý thức việc dành thời gian chăm sóc, giáo dục con là rất quan trọng. Chúng ta chỉ thật sự hiểu con và con chịu chia sẻ khi mình thường xuyên gần gũi và làm bạn cùng con.
Hãy luôn nhắc nhở và lồng ghép các bài học giáo dục để tăng cường khả năng nhận thức cho con. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tạo điều kiện, khuyến khích con tham gia các hoạt động tương tác người - người thay vì cứ để con ở nhà tương tác với mạng xã hội.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.