Mấy năm trời mài đũng quần trên ghế nhà trường, nay có hai tuần được ở ngoài doanh trại, chúng tôi thích lắm, mặc dù công việc khá vất vả. Quần áo cũ mang ra làm bảo hộ lao động. Dù cũng đeo găng tay đấy nhưng tay ai cũng phồng rộp, mòn rát đến bật máu vì bốc xếp gạch.
Làm việc đến cuối buổi chiều mỗi ngày mới nghỉ. Nghỉ, đa phần mọi người chạy ngay ra sân bóng chuyền và bóng đá. Tôi cùng mấy người bạn thân đi tắm xong xuống nhà ăn, rồi ra bến Mưa đi dạo. Tuổi trẻ. Lại là học viên sĩ quan kỹ thuật, không phải ngày đêm, mưa nắng học trên thao trường nên nhìn ai cũng trắng trẻo, thư sinh. Tôi mang theo bảng gỗ mỏng (bảng gỗ dùng để vẽ bản đồ trong môn học quân sự) để ký họa cảnh sông nước ở bến Mưa, nơi có cây gạo cô đơn tuyệt đẹp bên dòng sông Lạch Tray. Xa xa nhấp nhô những ngọn núi xanh mơ in trên nền trời mùa đông ảm đạm. Khi hứng nên, chúng tôi liền đi đò sang bên kia sông và chỉ quay về khi màn đêm đã xuống. Thời gian này cuộc sống nói chung đang trầm lắng, đất nước đang có chiến tranh biên giới. Thấy chúng tôi là bộ đội thời chiến mà lại nhàn tản, đi dạo, hình thể trắng trẻo, đẹp đẽ, người dân đi qua ai cũng ngoái nhìn. Có tiếng xì xào đoán định chúng tôi là văn nghệ sĩ chiến sĩ đang đi thực tế sáng tác.
***
Một buổi chiều trên bờ sông. Tôi và Thông đang say mê vẽ cảnh sông nước với những cánh buồm nâu thơ mộng thì nghe tiếng cười khúc khích của hai cô gái trên một chiếc xuồng câu nhỏ. Thông liền gọi với theo:
- Hai cô gì ơi, cho chúng tôi sang bên kia sông với!
- Bộ đội có cầu phao công binh ở quãng sông trên, sao các chú không đi cầu nhà mình mà gọi nhà chài chúng cháu? - Cô gái đang ngồi chèo nói vọng lên.
- Chúng tôi không phải là bộ đội công binh. Quân với dân như cá với nước! Cá không có nước thì cá chết, hai cô cho chúng tôi sang sông với - Tôi nói đùa.
- Thế nước không có cá thì sao ạ? Thì dân chài chúng cháu cũng chết đầu nước đấy - Cô đang ngồi mũi xuồng cười giòn.
Cứ tưởng chỉ là trêu đùa, ngờ đâu các cô ghé xuồng vào thật. Tôi và Thông cùng bước lên xuồng, hai cô gái xinh xắn mắt đen láy, cười bẽn lẽn. Thấy chúng tôi còn trẻ nên đổi sang gọi chú là anh. Hai chị em đều có nước da nâu tươi giòn bánh mật, gương mặt đẹp thuần khiết Á Đông, thể hình săn chắc, rắn rỏi, khỏe mạnh. Chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy các em vừa chèo xuồng vừa hát rất hồn nhiên, trong trẻo. Tiếng hát hơi buồn nhưng tha thiết và rất ngọt. Hỏi chuyện, chúng tôi biết đó là hai chị em con gái một nhà chài đang neo đậu ở gần bến đò phía thượng lưu. Cô chị tên Bình, cô em tên Yên. Bình - Yên gọi tên nghe ấm áp. Chỉ hơn kém nhau một tuổi, chị em giống nhau như hai giọt nước. Tươi tắn cái đẹp mặn mà, tự nhiên. Hai cô, mặt đều sạm nắng gió, cổ tay thon tròn và chắc lẳn lưng ong. Đúng là con gái sông nước, họ đi lại nhanh nhẹn trên con xuồng nhỏ cứ bập bềnh như đi trên sân. Cô chị bảo: “Chúng em công việc chài lưới thường làm một mình, buồn lắm nên chỉ nghe hát và hát theo chiếc đài bán dẫn, vừa nghe vừa vỗ. Hát nhiều nên thuộc nhiều bài hát lắm ạ. Mà các anh khen thật hay vờ?”.
Ảnh minh họa |
shutterstock |
Những hôm sau tôi và Thông lại ra bờ sông ngồi đợi xuồng của hai chị em Bình, Yên. Hằng ngày, vào lúc chiều tối hai chị em bơi xuồng thả lưới dọc khúc sông này. Và hình như không hẹn mà hai chị em cũng có ý chờ đợi chúng tôi. Khi quen nhau rồi hai em thân mật mời chúng tôi sang thăm nhà. Nói là nhà nhưng đó là một chiếc thuyền xi măng, nơi sinh hoạt của gia đình gồm bố mẹ và bảy người con. Chúng tôi đến chào hai bác. Mấy đứa em sàn sàn tuổi nhau đang chạy nhảy chơi đùa trên bãi cát. Bác trai đang ngồi vót nan đan lờ tôm. Tôi rút bao thuốc mời ông, ông thân thiện rót trà cho chúng tôi. Dưới thuyền bà mẹ đang lúi húi nấu cơm cũng gọi chúng tôi xuống thuyền.
Bình tâm sự: “Bố mẹ em trước đây là dân công hỏa tuyến đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bố mẹ quen và lấy nhau đều do tổ chức giới thiệu và đám cưới được tổ chức ngay trên một cung đường vận tải. Hết đợt dân công, mẹ em theo bố về đây làm nghề chài lưới”. Yên nói: “Ngày làm dân công đi chiến dịch, mẹ em là cây văn nghệ nên được ưu tiên mang vác nhẹ để còn hát động viên, cổ vũ đoàn dân công nơi núi đèo heo hút gió”.
Được hai bác cho phép, tôi và Thông cùng ngồi xuồng theo Bình, Yên đi thả lưới. Sông Lạch Tray vào đêm rộng mênh mang, mờ mờ hai bên bờ sông là những bãi bồi trồng cây khoai lang, tỏi và hành. Sóng nước vỗ mạn xuồng ì oạp. Yên nhịp nhàng tay chèo, Bình thả từng sải lưới xuống mặt sông. Cánh tay Yên tròn lẳn, vươn ngực nhịp nhàng khua mái chèo cứ như múa. Bình cắm cúi tay giữ, tay thả những sải lưới như đang gieo hạt trên mặt nước. Tôi chợt hiểu vì sao những điệu múa chèo đò khoan thai dìu dặt và quyến rũ đến thế. Ban đêm, mà lại là đêm mùa đông, ngồi xuồng bơi trên sông thật thú vị. Trời sáng trăng suông, không gian yên tĩnh chỉ nghe tiếng sóng nước và từng nhịp mái chèo bổ nước gọn gàng. Rồi cứ như vậy đêm nào chúng tôi cũng bơi dọc sông Lạch Tray thả lưới, thu lưới đến khi nghe phía bến đò Mưa có tiếng lịch kịch xe thồ của người đi chợ bán tỏi biết trời sắp sáng. Khi ấy mới lên bờ về nhà ăn vội bát cơm rồi đi bốc xếp gạch. Đúng là sức trẻ. Hai tuần liền, hầu như đêm không ngủ, ngày bốc gạch nhưng tuyệt nhiên tôi và Thông không hề biết mệt.
***
Một điều gì đấy, rất tự nhiên. Bình gần gũi với tôi hơn và cũng như vậy, Yên thân thiết với Thông. Là lính thời chiến, trong lòng yêu mến lắm lắm nhưng chúng tôi không dám thổ lộ hay hứa hẹn gì cũng là bởi quá thương yêu hai chị em Bình, Yên. Nhưng chỉ nhìn thôi cũng hiểu. Sâu vào đôi mắt thăm thẳm đang nhìn xa xăm của hai chị em, hiện rõ ràng hai chữ đợi chờ lấp lánh.
Chia tay hai chị em, chúng tôi về Học viện. Bình tặng tôi chiếc áo gối do em kỳ công móc bằng chỉ trắng. Yên tặng Thông mấy lọ dầu gió, chả là Thông hay nhờ Yên xoa dầu gió mỗi khi lên xuồng.
Tôi nhận quyết định vào Đoàn chuyên gia Kỹ thuật Quân sự 478 có Sở chỉ huy ở Phnôm Pênh. Học viện cho xe chở sang sân bay đi máy bay vận tải Quân sự Su 24 bay thẳng Gia Lâm - Pô Chen Tông. Công việc miên man hút hết thời gian và cả tâm trí tôi. Hàng ngày tôi bận lêp lớp huấn luyện vũ khí, trang thiết bị quân sự cho các lớp cán bộ kỹ thuật của bạn. Buổi tối dạy văn hóa lớp sáu cho bộ đội Campuchia là học viên dự bị Trường Kỹ thuật quân sự Phnôm Pênh.
Tôi nhận được nhiều thư của gia đình, bạn bè gửi sang trong hơn ba tháng đi chiến dịch. Bất ngờ nhất là nhận được thư của Thông. Từ ngày ra trường chúng tôi mỗi người đi một đơn vị nên không có địa chỉ để viết thư cho nhau. Có thư của Thông là có tin hai chị em ở Bến Mưa. Nóng lòng tôi vội bóc thư.
***
“Tiến thân mến,
Thông hiện đang là giáo viên ở Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật ô tô. Tớ viết thư về nhà cho bố mẹ cậu, mới biết địa chỉ và viết thư ngay cho cậu. Hai em Bình, Yên mất rồi cậu ạ. Đau lòng lắm phải không? Mình cũng bị choáng váng khi nhận được tin từ thư em gái của Bình, Yên. Cái Minh đấy, cậu còn nhớ nó chứ, con bé cứ nhí nhảnh gán ghép trêu chọc chúng ta ngày ấy đấy. Nó từ Yên Bái viết thư về cho mình.
… Đêm khuya nghe kêu cứu từ bến Mưa, Bình và Yên đã lao như tên bắn xuống dòng sông cứu người. Con đò gặp nạn khi va phải chiếc xà lan chở than. Toàn bộ khách đi đò có 8 người đàn bà và hai người đàn ông được hai chị Bình, Yên đưa lên bờ cứu sống nhưng Bình và Yên thì bị đuối sức và quỵ ngã ngay tại bến do kiệt sức. Người dân đã đưa ngay các em vào bệnh viện nhưng không cứu được. Đám tang hai chị em được cả vùng đi đưa với niềm thương tiếc và cảm phục. Họ tôn vinh hai chị em là anh hùng xả thân cứu người. Sau đấy, vì quá đau lòng và không thể ở được khúc sông ấy nữa mà cả nhà Bình, Yên đã đi vùng kinh tế mới…”.
Mãi sau này tôi mới có dịp đi qua bến Mưa. Vẫn khúc sông cong cong có bến đò với cây gạo cô đơn, nhưng không còn tìm thấy bóng dáng của Bình, Yên đâu nữa. Bến Mưa nay được gọi bến Hai Cô là để tưởng nhớ và biết ơn hai chị em Bình, Yên.
Đứng trên bến đò năm xưa, thẳm sâu trong lòng tôi rưng rưng hai tiếng Bình Yên.
Bình luận (0)