Nâng đỡ nhau đến thành công
Vợ chồng tiến sĩ Trương Hoàng Quân và Nguyễn Cao Thùy Giang (cùng 28 tuổi) đã có 6 năm cùng nhau vượt qua những khó khăn thách thức trong quá trình nghiên cứu khoa học khi cùng học chuyên ngành BioNanoEngineering (chuyên về tổng hợp vật liệu dẫn thuốc để điều trị ung thư) tại ĐH Quốc gia Incheon, Hàn Quốc.
"Chúng mình từng tìm hiểu và yêu nhau khi còn học tại Trường ĐH Cần Thơ. Tuy nhiên, gia đình mình đã khuyên không nên yêu đương mà phải tập trung cho việc học. Vì vậy, chúng mình tạm chia tay nhau và không giữ liên lạc", Giang nói.
Đến tháng 8.2018, cặp đôi này mới tình cờ gặp lại nhau ở một hội nghị khoa học tại Hàn Quốc. Lúc đó, Giang và Quân đã rất bất ngờ khi biết được "đối phương" học chung ngành và nghiên cứu cùng một phòng thí nghiệm.
Khác với những cặp đôi khác có nhiều hoạt động lãng mạn bên ngoài thì phần lớn thời gian của Quân và Giang đều ở phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Cả hai thường xuyên làm việc đến khuya và không nghỉ vào những ngày lễ, cuối tuần. Nhờ vào sự cố gắng, sức mạnh của tình yêu mà cả hai đều có được những nghiên cứu đáng chú ý trong lĩnh vực y tế được chấp nhận tại các hội nghị và đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Giang cho biết có những nghiên cứu trên động vật khiến cô phải theo sát hàng tháng trời trong phòng thí nghiệm. Giang kể lại rằng có những lúc sức khỏe không thể đảm bảo được tần suất làm việc dày như vậy. "Đôi khi kết quả nghiên cứu không như mong muốn khiến mình cảm thấy áp lực và có suy nghĩ bỏ cuộc. May mắn những lúc như vậy luôn có chồng mình cùng đồng hành, động viên. Anh ấy hỗ trợ mình trong việc tính toán, tổng hợp hóa học", Giang chia sẻ.
Quân cho biết vợ mình là người khéo léo, tỉ mỉ và luôn hỗ trợ đắc lực trong quá trình làm thí nghiệm. Lúc đầu không được ủng hộ nhưng quá trình đồng hành, giúp đỡ nhau để chạm đến thành công của cặp đôi này đã chinh phục được phụ huynh hai bên. Cặp đôi này đã có được một "đám cưới trong mơ" vào tháng 3.2024.
Hiện tại, Giang và Quân đều làm nghiên cứu sau tiến sĩ - trợ lý giáo sư tại ĐH Massachusetts (Mỹ). Cặp đôi này tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhau trong việc nghiên cứu khoa học và đặt mục tiêu sẽ trở thành giáo sư. Tiến sĩ Quân và Giang cùng nhau làm một số nghiên cứu để tối ưu hóa cho các loại vắc xin nhằm đạt được hiệu quả cao hơn và có giá thành thấp. Vợ chồng tiến sĩ trẻ kỳ vọng nghiên cứu sẽ được công bố và ứng dụng vào một ngày không xa.
Không buông tay dẫu hoạn nạn xảy ra
Anh Lưu Tiến Lực (33 tuổi), sinh sống tại tỉnh Ninh Bình, từng là một chàng trai khôi ngô, yêu thể thao và làm trụ cột gia đình.
Tháng 11.2023, trên đường về nhà sau buổi chơi cầu lông, anh Lực bị tai nạn giao thông cách nhà khoảng 800 m. Được người dân báo tin, vợ anh Lực, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (26 tuổi) chạy đến đưa chồng đi cấp cứu. Theo lời chị Nguyệt, vài phút sau tai nạn, trông anh Lực vẫn bình thường, nhịp thở đều và bị chảy máu ở tai. "Mình có dự cảm không lành, đầy sự bất an", chị Nguyệt kể lại.
Khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, anh Lực bắt đầu co giật, bác sĩ tiên lượng 80% sẽ tử vong và cần đặt nội khí quản gấp. Theo chị Nguyệt, bác sĩ chẩn đoán anh Lực bị dập não thái dương phải, tụ máu dưới màng cứng và vỡ xương đá. Sau đại phẫu, anh Lực may mắn giữ được mạng sống nhưng phản xạ kém, không có ý thức, liệt tứ chi, vệ sinh không tự chủ và chẳng thể ăn uống bình thường.
"Trước khi bị tai nạn, anh Lực là trụ cột trong nhà, chuyện lớn nhỏ mình đều có chồng san sẻ. Mình vốn tính yếu đuối nhưng không biết điều kỳ diệu nào đó đã giúp trở nên mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa cho chồng và con gái", chị Nguyệt nói.
Một năm qua, chị Nguyệt luôn kề cận, chăm sóc chồng như chăm một đứa trẻ. Một tay chị thay tã, tắm rửa, lo từng bữa ăn và tập vật lý trị liệu cho chồng. 4 tháng sau tai nạn, anh Lực mới tự ngồi được. 5 tháng sau mới có thể đứng bằng hai chân. Sức khỏe anh Lực dần hồi phục, cũng là lúc chị Nguyệt tập đi cho chồng. Những bước đi của anh Lực nặng nề, đôi khi mất thăng bằng kéo chị Nguyệt cùng té ngã.
"Vợ chồng là cái nghĩa trăm năm, khi đã thương thì dù lúc đẹp đẽ, giàu có hay hoạn nạn, bệnh tật vẫn phải luôn đồng hành, nâng đỡ nhau. Mình và anh Lực vẫn đang cố gắng từng ngày. Hiện tại, anh Lực đã tự bước đi được một mình. Mình mong anh sẽ hồi phục để cùng nuôi dạy con nhỏ", chị Nguyệt chia sẻ.
Năm 2019, Huỳnh Châu Nhật Minh (26 tuổi) và Nguyễn Nhật Quang (27 tuổi), ngụ Q.12 (TP.HCM) biết nhau khi chơi game trực tuyến, sau đó chấp nhận yêu xa trong suốt 4 năm. Để có những buổi hẹn hò, Nhật Minh phải đi 160 km từ Sóc Trăng lên TP.HCM. Vì có nhiều năm gắn bó, nhiều điểm tương đồng trong cuộc sống nên Nhật Minh và chồng đã tiến tới hôn nhân.
Minh chia sẻ thử thách lớn nhất của mình trong hôn nhân là tình trạng sức khỏe. 7 tháng sau đám cưới, Minh phát hiện bản thân bị đái tháo đường tuýp 1. Mắc căn bệnh này đồng nghĩa với việc nếu như có thai, cô sẽ gặp nhiều khó khăn hơn phụ nữ bình thường. Minh kể thời gian đầu cô vô cùng căng thẳng và có những suy nghĩ tiêu cực. "Tuy nhiên chồng luôn là chỗ dựa vững chắc cho mình, anh luôn đồng hành trong những đợt tái khám", Minh nói.
Minh kể trong một lần cô bị sốt xuất huyết phải nằm viện hơn 1 tuần, lúc này cơ thể suy kiệt, không thể tự sinh hoạt hay ăn uống. Minh cho biết mẹ chồng và chồng đã thay phiên nhau chăm sóc cô từ việc tắm rửa, vệ sinh và ăn uống. "Những lúc như vậy mình mới nhận ra bản thân đã chọn đúng người. Cả chồng và mẹ chồng đều không đặt nặng vấn đề con cái, chỉ bảo mình giữ sức khỏe tốt", Minh chia sẻ.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thế Huy, Phó giám đốc Công ty TNHH truyền thông, tư vấn và đào tạo Ý Tưởng Việt, TP.HCM: "Sự đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau trong hôn nhân khi gặp khó khăn là biểu hiện của một mối quan hệ có sự gắn kết an toàn. Gia đình luôn được xem là điểm tựa vững chắc, đầy tình yêu thương. Truyền thống này không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ trách nhiệm mà còn là sự thấu hiểu và tình yêu vô điều kiện, những yếu tố mà tâm lý học coi là nền tảng của hạnh phúc hôn nhân".
Thạc sĩ Huy cho biết theo nghiên cứu về tình yêu và hôn nhân, tình yêu bền vững không chỉ dựa trên sự hấp dẫn về thể chất hay những cảm xúc lãng mạn ban đầu, mà còn là chấp nhận sự không hoàn hảo của đối phương.
"Một khái niệm quan trọng trong tâm lý học là altruistic love (lòng vị tha), thể hiện qua việc yêu thương đối phương không dựa trên điều kiện. Để nuôi dưỡng tình thương, các cặp vợ chồng cần xây dựng một môi trường giao tiếp cởi mở, nơi có thể chia sẻ những khó khăn, kỳ vọng mà không sợ bị phán xét", thạc sĩ Huy chia sẻ.
Thạc sĩ Huy cho biết thêm, trong quá trình khởi nghiệp, sự động viên giữa vợ chồng là yếu tố quan trọng giúp vượt qua các giai đoạn kinh doanh khó khăn. "Động viên không nhất thiết phải là những lời nói hùng hồn, mà đôi khi chỉ cần một cử chỉ đơn giản như lắng nghe, chia sẻ câu chuyện nhỏ trong ngày. Hay tạo điều kiện cho đối phương có thời gian nghỉ ngơi và tự chăm sóc bản thân", thạc sĩ Huy nói.
Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề "Bên nhau, mình là nhà" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip...
Bình luận (0)