|
Hội thảo “Thực trạng dinh dưỡng trẻ em đô thị Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng. Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên toàn quốc ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi hiện là 16%, suy dinh dưỡng thấp còi 29,3% và tỷ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc là 4% (khoảng 300.000 trẻ).
Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở các TP lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng cao hơn hẳn trung bình cả nước. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Sở Y tế TP.HCM) cho biết có trẻ 12 tháng tuổi đã nặng 20 kg, gần gấp đôi so với mức bình thường là 11-12 kg; có trẻ 5 tuổi nặng đến 40 kg, so với trung bình là 18 kg. “Cân nặng hợp lý còn phải dựa trên số đo chiều cao, tuy nhiên với các trường hợp trên thực sự là các trẻ có cân nặng dư quá mức”, bác sĩ Tuấn cho biết.
PGS-TS Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết cơ cấu khẩu phần ăn cho trẻ ở các đô thị thay đổi rõ rệt về lượng và chất, theo xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm, béo. “Bữa ăn này giúp cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ, nhưng mặt khác lại làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì và các bệnh mạn tính không lây”.
Theo tiến sĩ Bạch Mai, một trong những vấn đề rõ nhất trong bữa ăn cho trẻ thành thị là nhiều chất béo, thiếu hụt vi chất. Chất béo chế biến tinh như dầu, mỡ không cao nhưng chất béo ẩn trong thực phẩm như thịt, trong món chiên xào thì cao. Một cuộc điều tra trong nhóm trẻ béo phì cho thấy, 71% các món mặn giàu đạm trong bữa ăn; các món được chế biến như xào, rán, quay chiếm đa số. Trong khi đó, món luộc, hấp vốn ít hoặc không có chất béo lại chiếm tỷ lệ thấp.
“Bữa ăn thường xuyên dư đạm từ động vật làm tăng đào thải can xi qua nước tiểu, trong khi can xi vốn đã không được đáp ứng đủ trong khẩu phần ăn thông thường. Thiếu hụt can xi không chỉ hạn chế đến tăng trưởng chiều cao mà còn ảnh hưởng xấu đến sức bền cơ bắp”, tiến sĩ Bạch Mai lưu ý.
Điều tra mới nhất trong tháng 6-7.2013 với những người mẹ tại đô thị cho thấy: 30% người mẹ có con bị thừa cân nhưng vẫn không biết trẻ đã thừa cân; 15% người mẹ có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục tăng cân; thậm chí nhiều người muốn con dư cân béo khỏe để có lực phát triển và dự phòng những lúc trẻ ốm. Điều tra cũng cho thấy, sự tiện ích của thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều người mẹ cho con ăn quá mức.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết, ở trẻ dưới 2 tuổi thì năng lượng từ chất béo chiếm khoảng 30% khẩu phần ăn và tỷ lệ này cần giảm đi khi trẻ sau 2 tuổi; càng lớn thì tỷ lệ này càng giảm dần. Nếu cung cấp chất béo không hợp lý sẽ dễ dẫn đến béo phì, từ đó kéo theo hệ lụy mắc các bệnh: đái tháo đường, tim mạch (tăng mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch), tiểu đường khi trưởng thành.
Nam Sơn
>> Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn là thách thức
>> Niềm vui khi con thoát suy dinh dưỡng thấp còi
>> Tặng sữa cho trẻ suy dinh dưỡng
>> Suy dinh dưỡng do bỏ bữa
>> Suy dinh dưỡng
>> Chăm trẻ suy dinh dưỡng
>> Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Bình luận (0)