Gút là một dạng viêm khớp thể hiện qua những cơn đau nhức hoặc sưng đỏ tại một hay nhiều khớp.
|
Một số nghiên cứu cho thấy số người mắc bệnh gút liên tục tăng lên trong những năm gần đây, và nam giới là đối tượng bị tấn công nhiều nhất. Bệnh gút thường bộc phát không rõ nguyên nhân cụ thể, nhưng lại có mối liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, trọng lượng cơ thể, như: uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thịt và hải sản, béo phì.
Triệu chứng
Theo Bodyandsoul, bệnh gút ảnh hưởng đến 16,5% những người đàn ông lớn tuổi và các cơn đau có thể nặng đến nỗi chỉ cần chạm nhẹ vào là chịu không thấu. Không giống như các dạng viêm khớp diễn ra từ từ, bệnh gút tấn công rất bất ngờ và thường xảy ra vào ban đêm. Khi cơn đau diễn ra sẽ kèm theo sự khó chịu, sau đó kéo dài vài giờ, và vài ngày sau giảm dần. Lúc cơn đau giảm, sẽ thấy da ở vùng khớp bị sưng trước đó tróc ra hay ngứa hoặc đỏ, tím tái, cử động khớp bị hạn chế.
Nguyên nhân
Tiến sĩ John Carnie, cựu Giám đốc y tế ở tiểu bang Victoria (Úc), cho biết bệnh gút xảy ra do lượng a xít uric trong máu quá cao. Mức a xít uric cao kết tủa thành các tinh thể tích tụ trong các khớp xương gây ra viêm, đau và sưng. Thông thường a xít uric đi qua thận và thải ra ngoài qua đường tiết niệu, Tuy nhiên, nếu cơ thể sản xuất quá nhiều a xít uric và thận xử lý không hiệu quả thì sẽ dẫn đến tình trạng các tinh thể muối urat ứ đọng tại các khớp xương gây ra bệnh.
Thực phẩm cần tránh
Song song với việc điều trị bằng thuốc để kiểm soát nồng độ a xít uric trong máu, có thể hạn chế sự tấn công của các cơn đau thông qua việc tránh hoặc hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin làm tăng mức a xít uric như: hải sản, nước hầm xương, nội tạng động vật, thịt đỏ, thịt hun khói, măng tây, nấm, rượu bia.
Thực phẩm nên dùng
Kate Di Prima, phát ngôn viên của Hiệp hội Các chuyên gia dinh dưỡng ở Úc, cho biết với những người bị bệnh gút việc lựa chọn thực phẩm khoa học cũng là cách giúp đẩy lùi bệnh tật. Ngũ cốc, cà rốt, khoai tây, táo, nho, cà chua, cà tím, quả mâm xôi, quả anh đào, các loại hạt là những thực phẩm cần được ưu tiên trong chế độ ăn hằng ngày. Những thực phẩm này có tác dụng giảm nồng độ a xít uric trong máu. Bên cạnh đó, để “giải thoát” lượng a xít uric ra khỏi cơ thể, cần uống nhiều nước lọc.
Hạ Yên
>> Bệnh gút
>> Mối liên hệ giữa bệnh gút và bệnh tim mạch
>> Mối liên quan giữa bệnh gút và suy thận
>> Vai trò của vi tinh thể muối urate natri trong bệnh gút
>> Phương pháp mới điều trị bệnh gút
>> Bệnh gút chẩn đoán sớm có thể chữa khỏi
Bình luận (0)