Bệnh lý 'tồn tại màng đồng tử' là gì, có nguy hiểm không?

Duy Tính
Duy Tính
10/11/2022 11:51 GMT+7

“Tồn tại màng đồng tử” là một dị tật mắt bẩm sinh chiếm 95% dị tật mắt ở trẻ sơ sinh và 20% ở người trưởng thành.

Ngày 10.11, Bệnh viện mắt Quốc tế Hoàn Mỹ (TP.HCM) cho biết bệnh viện đã ghi nhận ca bệnh mắc bệnh lý bẩm sinh "tồn tại màng đồng tử" (Persistent pupillary membrane - PPM) với mức độ màng che trước đồng tử dày hiếm gặp.

Luôn được người xung quanh chú ý vì con mắt lạ

Bệnh nhân N.T.N.D hiện là sinh viên năm thứ 3 một trường đại học tại TP.HCM. Chị D. cho biết từ khi còn nhỏ đã thấy mắt có các dấu hiệu lạ. Lên cấp 2, khám sức khỏe định kỳ ở trường, chị được phỏng đoán có dấu hiệu đục thủy tinh thể, thị lực ngày càng giảm nhiều hơn khi lớn lên. Điều đặc biệt, đôi mắt của chị D. luôn nhận được nhiều sự chú ý từ xung quanh do bẩm sinh có màng che trước đồng tử.

Là sinh viên ngành ngôn ngữ nên chị D. thường xuyên phải tiếp xúc với từ ngữ, nét chữ mới. Gia đình đã mua cho chị một chiếc đèn đặc biệt để giúp cho việc học dễ dàng hơn. Tuy vậy, việc nhìn vẫn khó khăn vì vẫn cần phải dí đèn sát vào tập vở thì mới quan sát được nét chữ. Càng ngày việc nhìn càng trở nên khó khăn hơn đến mức ngay bàn tay để trước mắt cũng không nhìn thấy rõ.

Mắt bệnh nhân trước phẫu thuật

BVCC

“Càng ngày, tôi thấy mình nhìn càng khó. Thời điểm trước khi quyết định tìm hiểu nơi để phẫu thuật mắt thì bạn bè lúc nói chuyện với tôi, dù là ở cự ly gần, tôi nhìn cũng không rõ”, chị D. chia sẻ.

Tại Bệnh viện mắt Quốc tế Hoàn Mỹ, chị D. đã được bác sĩ thăm khám và được chẩn đoán mắc phải bị bệnh “tồn tại màng đồng tử”. Chị được chỉ định phẫu thuật lấy "tồn tại màng đồng tử" để đảm bảo thị lực.

Theo bác sĩ, "tồn tại màng đồng tử” là một căn bệnh không hiếm nhưng trường hợp màng đồng tử che kín đồng tử là hiếm gặp và việc điều trị là không quá khó.

Bệnh lý tồn tại màng đồng tử là gì?

Theo các bác sĩ, đây là một bệnh lý bẩm sinh do sự phát triển sai lệch của mống mắt, tạo nên những dãy xơ chắn trước đồng tử, ảnh hưởng đến thị lực người bệnh. Người bệnh ban đầu sẽ khó phát hiện khó phát hiện vì biểu hiện ban đầu của bệnh lý này nhìn không rõ, từ từ, màng trở nên dày hơn sẽ gây cản trở việc quan sát.

“Tồn tại màng đồng tử” là một dị tật mắt bẩm sinh chiếm 95% dị tật mắt ở trẻ sơ sinh và 20% ở người trưởng thành. Bệnh xuất hiện dưới dạng các sợi mống mắt nhỏ dọc theo đồng tử, là tàn tích của tuyến tiền mạc “tunica vasculosa lentis" cung cấp dinh dưỡng cho thủy tinh thể trong 6 tháng đầu của bào thai, bản thân màng đồng tử bắt đầu thoái triển vào tháng thứ 6 và biến mất hoàn toàn vào tháng thứ 8 của thai kỳ. Sự hoạt động thất bại của các tế bào ảnh sẽ hưởng đến sự thoái triển này và dẫn đến sự tồn tại của màng đồng tử. Có một số bằng chứng gần đây hơn cho thấy căng thẳng trong tử cung, đặc biệt là do tăng huyết áp mãn tính ở người mẹ, có thể đẩy nhanh sự biến mất của các màng này.

Mắt bệnh nhân sau phẫu thuật

BVCC

“Tồn tại màng đồng tử” sau sinh bị teo đáng kể trong năm đầu sau sinh. Bệnh thường phổ biến hơn ở trẻ sinh non và không có sự khác biệt về giới tính.

“Tồn tại màng đồng tử” bẩm sinh có thể bị nhầm lẫn với bệnh lý màng mống mắt phụ (Accessory Iris membrane-AIM), viêm màng bồ đào dính mống, hội chứng nội mô giác mạc mống mắt, viêm mống mắt vô căn bẩm sinh… Phương pháp điều trị của “tồn tại màng đồng tử” là phẫu thuật laser tách màng và bệnh nhân cần tuân thủ lộ trình điều trị, tái khám từ bác sĩ có chuyên môn.

"Tồn tại màng đồng tử" có thể là 1 bên hoặc 2 bên và có thể thay đổi về hình dạng, kích thước, cấu hình và mật độ. Đa số trường hợp "tồn tại màng đồng tử" không ảnh hưởng đến thị lực nên không điều trị gì. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần được theo dõi tình hình khúc xạ, nhược thị nếu có xảy ra để can thiệp điều trị kịp thời.

Với những trường hợp "tồn tại màng đồng tử" dày, che khuất diện đồng tử, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực người bệnh thì cần được can thiệp điều trị sớm. Tùy theo tình trạng cụ thể của màng đồng tử mà có thể điều trị bằng thủ thuật cắt màng đồng tử. Trong trường hợp màng đồng tử dính vào mặt trước thủy tinh thể có ảnh hưởng đục thủy tinh thể thì phẫu thuật thủy tinh thể kết hợp cắt màng đồng tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.