Bệnh nhân lập 'phòng bay' trong bệnh viện tâm thần có thoát tội?

05/04/2021 08:54 GMT+7

Theo các chuyên gia, bệnh nhân tâm thần mở 'phòng bay' trong bệnh viện nếu vẫn nhận thức được hành vi của mình thì vẫn chịu trách nhiệm hình sự.

Ngày 31.3, Cơ quan Công an TP.Hà Nội cho biết vừa triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư I. Đường dây này do Nguyễn Xuân Quý (39 tuổi, ngụ H.Thanh Trì, Hà Nội), một người có tiền sử bệnh tâm thần, cầm đầu, dùng những thủ đoạn tinh vi mở “phòng bay” trong bệnh viện và biến nơi này thành nơi giao dịch mua bán, ma túy.
Được biết, Quý có tiền sử bệnh tâm thần và được đưa vào điều trị tại BV Tâm thần T.Ư I từ năm 2018. Quý nhiều lần ra khỏi BV, đến ngày 7.1.2021 bị Công an Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt giữ về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, do có tiền sử và bệnh án tâm thần nên cơ quan chức năng trả về BV Tâm thần T.Ư I để tiếp tục điều trị.

Vẫn có căn cứ xử lý hình sự

Theo Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (Đoàn LS TP.HCM), căn cứ khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015, tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) của họ thì đây là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Căn cứ vào đó để xác định đối tượng trên có bị bệnh tâm thần trong lúc thực hiện hành vi phạm tội hay không. 
Theo LS Thục, nếu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Quý và đồng phạm được xác định là vẫn bị bệnh tâm thần, hoàn toàn không nhận thức được hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo Điều 21 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.  
“Ngược lại, kết luận giám định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội họ có khả năng nhận thức thì phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Quan điểm của tôi, cơ quan điều tra cần phải điều tra, làm rõ liệu đây có phải là đường dây mua bán ma túy lớn với thủ đoạn tinh vi và lợi dụng kẻ hở của pháp luật để đối phó hay không? Không thể có một bệnh nhân tâm thần nào mà tổ chức mua bán sử dụng ma túy tinh vi như thế được. Việc có chịu trách nhiệm hình sự hay không đối với Quý và các đồng phạm phụ thuộc rất nhiều vào kết luận giám định này”, LS Thục nhận định. 

Dấu vết còn sót lại của việc cải tạo phòng điều trị thành phòng cách âm, bay lắc của Nguyễn Xuân Quý

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết việc Quý và các đồng phạm đang điều trị tại bệnh viện tâm thần chưa chắc những người này không có năng lực trách nhiệm hình sự. Bởi vì, trong khi biểu hiện ra bên ngoài của những người này vẫn sử dụng được chất ma túy, tức là nhận thức được việc sử dụng chất ma túy.
Còn trong trường hợp những người này còn bệnh, nhưng bệnh đã thuyên giảm, theo LS Thục, người này vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi kết luận giám định chỉ ra rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất năng lực hành vi. Trong trường hợp này, đây là tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Trách nhiệm của những người liên quan

Theo LS Phát, đối với người tổ chức “phòng bay” trong bệnh viện tâm thần, sẽ bị điều tra khởi tố về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo theo khoản 2, điều 255 BLHS năm 2015, khung hình phạt có thể đối mặt từ 7 - 15 năm tù. Đối với người mua bán chất ma túy cho những người tham gia “phòng bay”, có thể bị điều tra khởi tố theo dấu hiệu của tội “mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 BLHS 2015, tùy thuộc vào số lần hoặc định lượng chất ma túy, mà có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến tử hình.

KHÓ TIN: Bệnh nhân tâm thần mở phòng... "bay lắc", mua bán ma túy trong bệnh viện

Riêng, đối với những người cán bộ bệnh viện để xảy ra vụ việc bệnh nhân tâm thần mở “phòng bay”, theo LS Phát, tùy thuộc vào kết quả điều tra, nếu chứng minh họ biết sự việc mà vẫn không có hành động ngăn chặn thì vẫn có thể khởi tố với vai trò đồng phạm với các tội danh nêu trên.
Thế nhưng, rất khó để nói rằng, những người này không biết, bởi để biến phòng bệnh thành “phòng bay”, đòi hỏi phải các trang thiết bị được mang vào lắp đặt và đã diễn ra trong một thời gian dài. Mà bệnh viện tâm thần này hoạt động như các bệnh viện công, bệnh viện tư khác, đều dựa trên quy định của pháp luật, quy định của ngành y tế nhưng các nghi phạm lại dễ dàng lợi dụng cơ chế khám chữa bệnh của bệnh viện này, nhằm biến bệnh viện thành nơi tổ chức mua bán trái phép chất ma túy một cách tinh vi.
“Trong trường hợp, cán bộ bệnh viện không tham gia trực tiếp nhưng biết rõ nhóm đối tượng thực hiện hành vi này mà không tố cáo thì có thể bị xử lý về tội không tố giác tội phạm”, LS Thục cho biết.
Ngoài ra, theo LS Thục, có thể xem xét xử lý trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện trong việc buông lỏng quản lý, để xảy ra vụ việc bệnh nhân tâm thần mở “phòng bay”, căn cứ theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, thì tùy vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi gây ra, có thể bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc theo Điều 7 nghị định này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.