Bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở đã sống lại nhờ cấp cứu kịp thời

Đình Tuyển
Đình Tuyển
23/01/2020 04:31 GMT+7

Đang dọn nhà đón Tết, người đàn ông 57 tuổi ở Hậu Giang bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng n gưng tim, ngưng thở . Rất may, các bác sĩ ở Cần Thơ đã kịp sốc điện, can thiệp cứu sống bệnh nhân.

Chết đi sống lại

Ngày 22.1, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết Khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp với bệnh cảnh rất nặng khi mới vào viện do biến chứng rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Đưa người đàn ông từ cõi chết trở về sau cơn đau tim lúc dọn nhà

Bệnh nhân là ông N.V.N (57 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), có tiền sử tăng huyếp áp và hút thuốc lá nhiều năm với số lượng nhiều.
Trước đó, khoảng 10 giờ sáng ngày 21.1 (ngày 27 Tết), ông N. đột ngột khởi phát cơn đau ngực trái dữ dội như bóp nghẹt, như dao đâm, vả mồ hôi, cơn đau kéo dài trên 20 phút. Bệnh nhân được người nhà nhanh chóng đưa đến trạm y tế xã và sau đó được chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Khoảng 12 giờ 50 phút cùng ngày bệnh nhân đến nhập Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tuy nhiên, vừa vào viện bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn, ngừng thở, mạch và huyết áp bằng 0. Ngay lập tức, kíp trực của Khoa Cấp cứu tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện, đặt nội khí quản bóp bóng hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc vận mạch, chống toan, chống loạn nhịp và kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện.
Sau 3 lần sốc điện, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, bệnh hôn mê, thở qua nội khí quản. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành trước giờ thứ ba có biến chứng ngưng tim do rối loạn nhịp (rung thất) và có chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu. Ê kíp can thiệp do thạc sĩ, bác sĩ (BS) Trần Văn Triệu (thủ thuật viên chính), BS Nguyễn Huỳnh Minh Thông đã tiến hành chụp mạch vành cho bệnh nhân.
Kết quả bệnh nhân bị tắc hoàn toàn nhánh động mạch liên thất trước từ lỗ xuất phát do vỡ mảng xơ vữa có nhiều huyết khối.
Ê kíp đã tiến hành kỹ thuật hút huyết khối, nong bóng và can thiệp đặt 1 stent phủ thuốc với kích thước (4 x 34 mm) tái thông mạch vành thành công sau 40 phút thủ thuật. Sau can thiệp tái thông mạch vành tình trạng huyết động của bệnh nhân cải thiện rõ, sinh tồn ổn định, tri giác cải thiện, bệnh nhân được rút ống nội khí quản và chuyển đến Khoa Tim mạch can thiệp để tiếp tục theo dõi và điều trị nội khoa tích cực.
Đến chiều 22.1, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết đau ngực, sinh tồn ổn định và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Hình ảnh mạch vành của bệnh nhân N.V.N bị tắc nghẽn trước và được tái thông sau khi can thiệp

Ảnh: Đình Tuyển

Ngăn ngừa nhồi máu cơ tim

“Sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình bệnh nhân mà của cả ê kíp, nhất những ngày giáp tết này. Đây cũng là ca nhồi máu cơ tim cấp thứ 3 mà Khoa Tim mạch can thiệp đã chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu thành công trong ngày 21.1”, BS Trần Văn Triệu, Khoa Tim mạch can thiệp nói.
Cũng theo BS Triệu, nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch có đến 30% người bệnh tử vong nếu không được điều trị. Đặc biệt, những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trước rộng là bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp và choáng tim.
Nhồi máu cơ tim có những biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim là sự tắc nghẽn đột ngột của mạch máu nuôi tim do cục máu đông. Nguyên tắc chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu.
Các trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở nếu không kịp thời thực hiện tốt quy trình cấp cứu hồi sinh tim phổi thì việc nếu có cứu sống thì cũng để lại nhiều di chứng đặc biệt là đời sống thực vật hoặc ít hơn là suy tim sau này.
“Ở ca cấp cứu trên, nhờ sự phối hợp nhanh chóng xử trí cấp cứu từ khi tiếp nhận, thực hiện quy trình báo động đỏ nên bệnh nhân đã được cấp cứu thành công. Đặc biệt, sự can thiệp kịp thời đã không để lại di chứng tổn thương não, các thông số huyết động và siêu âm tim kiểm tra ghi nhận chức năng cơ tim được bảo tồn”, BS Triệu nói.
BS Triệu cũng khuyến cáo nhồi máu cơ tim có thể phòng ngừa được bằng cách điều trị tích cực các bệnh lý tim mạch liên quan kết hợp với điều chỉnh lối sống khoa học lành mạnh, hạn chế các loại chất béo có hại có nhiều trong mỡ, da, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt dê), lòng đỏ trứng; ăn giảm muối và tăng cường bổ sung chất xơ và các vitamin có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt; không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê; tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.