Bệnh nhân nữ đầu tiên bị hội chứng 'người cây'

06/02/2017 08:01 GMT+7

Một nữ sinh tại Bangladesh với các mẩu “vỏ cây” mọc trên mặt có thể là bệnh nhân nữ giới đầu tiên mắc hội chứng “người cây” từng được ghi nhận trong lịch sử y khoa.

Sahana Khatun, 10 tuổi, xuất hiện các mẩu “cây” trên má, tai và mũi, nhưng các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược tại Dhaka vẫn đang tiến hành các cuộc xét nghiệm và hội chẩn trước khi xác định bệnh nhân phải chăng đang mắc chứng rối loạn da hiếm gặp. Có khoảng 6 người trên thế giới bị chứng Epidermodysplasia Verruciformis, tạm gọi là rối loạn tăng sinh biểu bì dạng u nhú, chỉ tình trạng da tăng trưởng quá mức, và cho đến nay vẫn chưa xuất hiện ca nữ giới nào, theo tờ Guardian dẫn lời Samanta Lal Sen, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phỏng của bệnh viện trên. “Chúng tôi cho rằng đây là ca đầu tiên”, ông Sen nói.
Cha của bé Khatun, một công nhân nghèo ở vùng nông thôn phía bắc Bangladesh, cho hay đầu tiên cả nhà chẳng mấy lo lắng khi cái u đầu tiên xuất hiện trên mặt cô bé cách đây khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, ông bắt đầu sợ hãi khi chứng kiến các khối u “nhảy” nhanh chóng. Thế là, người cha mang con rời làng lên thủ đô chữa bệnh. “Chúng tôi rất nghèo. Con bé mất mẹ khi mới 6 tuổi. Tôi vô cùng hy vọng các bác sĩ sẽ bóc những mảng “cây” đó khỏi mặt con gái xinh xắn của tôi”, người cha Mohammad Shahjahan bày tỏ một cách thống thiết. Các bác sĩ khác cũng theo dõi trường hợp Khatun cho hay bệnh nhân trẻ đang biểu lộ một dạng nhẹ hơn của căn bệnh gây biến dạng cơ thể, và do đó cho rằng cô bé sẽ hồi phục nhanh hơn những trường hợp nghiêm trọng từng được ghi nhận.

Bệnh viện Đại học Y dược tại Dhaka hiện điều trị một nam bệnh nhân mắc bệnh trầm trọng hơn nhiều so với trường hợp của bé Khatun. Họ đã tiến hành tổng cộng 16 cuộc phẫu thuật trong 1 năm để tách bóc các khối u lớn trên tay và chân của người này. Các khối u khổng lồ với tổng trọng lượng 5 kg đã “ngốn” luôn hai tay của anh Abul Bajandar, 27 tuổi, người Bangladesh đầu tiên mắc hội chứng “người cây”. Trường hợp của anh Bajandar đã thu hút sự quan tâm của cả nước cũng như Thủ tướng Sheikh Hasina, người hứa hẹn sẽ cho phép bệnh nhân này được điều trị miễn phí. Và đến tháng 1, các bác sĩ hoan hỉ đưa tin lần đầu tiên trong cả thập niên, anh Bajandar đã có thể ôm vợ con và sẵn sàng xuất viện.
“Việc trị được bệnh của anh Bajandar là dấu ấn quan trọng trong lịch sử y khoa”, theo Trưởng khoa Sen. Ông cho hay bệnh nhân sẽ được xuất viện vào giữa tháng 2 sau khi đội phẫu thuật hoàn thành các cuộc tiểu phẫu nhằm khôi phục hình dáng bàn tay cho đối tượng. Ông Sen cho rằng Bajandar có thể là người đầu tiên được chữa khỏi căn bệnh này, do đến nay khối u không có dấu hiệu mọc lại. Hồi năm ngoái, một bệnh nhân Indonesia bị chứng “người cây” đã thiệt mạng vì bác sĩ ở đây đành bó tay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.