Bệnh nhân ung thư có nhóm máu nào dễ bị cục máu đông nguy hiểm?

Thiên Lan
Thiên Lan
22/04/2022 00:09 GMT+7

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân ung thư thuộc các nhóm máu A, B và AB, có nguy cơ cao phát triển huyết khối tĩnh mạch (HKTM) hoặc cục máu đông trong tĩnh mạch, 3 tháng sau khi phát bệnh, theo nhật báo Hindustan Times.

HKTM là sự tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông, là bệnh tim mạch phổ biến thứ 3, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại bệnh viện - nhưng có thể phòng ngừa được.

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân ung thư thuộc các nhóm máu A, B và AB, có nguy cơ cao phát triển huyết khối tĩnh mạch

Shutterstock

HKTM bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu - là cục máu đông thường hình thành trong các tĩnh mạch sâu của chân và thuyên tắc phổi - là tình trạng cục máu đông vỡ ra và gây tắc nghẽn trong động mạch phổi gây đe dọa tính mạng.

Các nhà khoa học từ lâu đã cố gắng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ gây ra HKTM. Các bác sĩ hiện dựa vào loại khối u hoặc loại ung thư để phát hiện những người có nguy cơ cao bị HKTM.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không mắc những loại ung thư này vẫn phát triển các cục máu đông đe dọa tính mạng không rõ nguyên nhân.

Để tìm hiểu vấn đề này, trong nghiên cứu, được công bố trên tạp chí y khoa Blood Advances, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 1.708 bệnh nhân mới phát bệnh hoặc tái phát ung thư từ dữ liệu của Nghiên cứu Ung thư và Huyết khối ở Vienna (CATS).

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu chia những bệnh nhân theo nhóm máu, rồi phân loại dựa trên loại khối u của họ. Những bệnh nhân có khối u ung thư tuyến tụy, dạ dày và ung thư não được phân loại là có nguy cơ cao bị HKTM.

Huyết khối tĩnh mạch là sự tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông, là bệnh tim mạch phổ biến thứ 3, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại bệnh viện - nhưng có thể phòng ngừa được

Shutterstock

Bên cạnh những loại khối u dễ gây HKTM, nhiều người có khối u nhẹ hơn vẫn gặp phải các cục máu đông nguy hiểm.

Tác giả nghiên cứu Cornelia Englisch, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Y khoa Vienna (Áo), cho biết: "Dựa vào loại khối u, chúng tôi chỉ xác định được 50% số người phát triển HKTM, còn bỏ sót đến 50% trường hợp", cô nói thêm.

Kết quả cho thấy hóa ra nhóm máu có thể giúp dự báo bệnh nhân ung thư nào dễ bị HKTM, theo Hindustan Times.

Cuối cùng, kết quả đã chỉ ra rằng những bệnh nhân ung thư - thuộc các nhóm máu A, B, AB - có nhiều nguy cơ phát triển HKTM sau 3 tháng kể từ khi phát bệnh hoặc tái phát ung thư.

Tiến sĩ Englisch lưu ý rằng cần phải nghiên cứu thêm về vấn đề này. Các nhà khoa học hy vọng, nhóm máu có thể là công cụ hữu ích để đánh giá nguy cơ HKTM ở bệnh nhân ung thư trong tương lai, theo Hindustan Times.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.