Bệnh nhi bị ong đốt 55 vết: Đã cai máy thở sau 2 tháng điều trị

Lê Cầm
Lê Cầm
15/11/2023 11:11 GMT+7

Bé D.M.T.D (3 tuổi, nữ, ngụ Kiên Giang) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM) trong tình trạng tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp nặng.

Ngày 15.11, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, cho biết sau khi trải qua gần 2 tháng điều trị, bé D. được cứu sống nhờ kỹ thuật oxy máu qua màng ngoài cơ thể “kép” V-VA ECMO.

Khai thác bệnh sử được biết, trước ngày nhập viện, hai anh em T. (5 tuổi) và D. (3 tuổi), cùng người chị họ tên M. (8 tuổi) chơi ở sân vườn sau nhà thì bất ngờ gió thổi làm tổ ong trên cây rơi xuống. Ong vò vẽ bay ra đốt ở đầu, mặt, mình, tay, chân các em. Người nhà phát hiện đưa 2 trẻ đến bệnh viện địa phương. Em M. bị đốt ít và bỏ chạy kịp nên tình trạng ổn định.

Tại bệnh viện địa phương, hai anh em T. và D. có biểu hiện lơ mơ, tiểu máu xá xị, khó thở, tay chân lạnh, được điều trị cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố. Bé T. bị ong đốt 28 vết, tổn thương gan nặng, suy hô hấp được đặt nội khí quản, thở máy, truyền dịch, điều trị hỗ trợ gan, trẻ cải thiện dần, cai được máy thở tỉnh táo, tiểu khá.

Bé D. có tình trạng nặng nhất: lơ mơ, trụy tim mạch, khó thở tím tái, vàng da vàng mắt, tiểu ít, tiểu máu xá xị (tiểu hemoglobine), ghi nhận khoảng 55 vết ong đốt ở đầu cổ, lưng, tay, chân. Bé được đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc và được làm xét nghiệm cấp cứu. 

Kết quả cho thấy bé D. bị tổn thương phổi nặng, suy gan, suy thận nặng, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, tăng kali máu.

Bé trai suy đa tạng do ong đốt được cai máy thở sau 2 tháng điều trị - Ảnh 1.

Trẻ được cai máy thở sau 2 tháng điều trị

M.T

Bé D. được nhanh chóng chuyển khoa Hồi sức, được lọc máu liên tục. Sau 2 đợt lọc máu, tình trạng bé D. cải thiện khá hơn, bớt vàng da vàng mắt, nhưng sau đó diễn tiến phức tạp, xuất hiện triệu chứng suy hô hấp nặng, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS nặng, suy tuần hoàn - sốc, phản ứng viêm tăng cao. Do đó, các bác sĩ quyết định đặt thêm ống đường tĩnh mạch để tăng cường oxy hóa máu qua màng trao đổi oxy để cung cung cấp đủ oxy cho mô (theo phương thức V-VA ECMO). Ngoài ra, bé được theo dõi điều trị tình trạng tổn thương gan thận, phản ứng viêm được kết hợp lọc máu hấp phụ và lọc máu liên tục.

Trải qua gần 2 tháng, bé D. hồi phục dần, cải thiện tri giác tỉnh táo, cải thiện hô hấp, tuần hoàn, cải thiện chức năng gan thận, trẻ được cai ECMO, máy thở, thở khí trời, tiểu khá…

Xem nhanh 12h ngày 15.11: Thời sự toàn cảnh

Bác sĩ Tiến cho biết, họ ong vò vẽ (lông trơn) gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Nhóm này có ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần. Ong vò vẽ là loài ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá hoặc bị đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong

Nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm; đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng; đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít, bị ong vò vẽ đốt nhiều hơn 10 vết.

"Đề phòng ong đốt bằng cách tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do té và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong, kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.