Tuần trước, ông Nguyễn Hoàng Phan (ở TP.Pleiku) bị tai nạn giao thông phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Gia Lai. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân này được “gợi ý” đến Trung tâm y tế TP.Pleiku để chữa trị tiếp, vì nơi đây đang thiếu vật tư, thuốc. Nhiều bệnh nhân khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, phải chuyển đến điều trị tại BV Quân y 211 (ở Gia Lai) hoặc một số cơ sở điều trị khác.
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở H.Ia Grai, Gia Lai) bức xúc: “Tôi đóng bảo hiểm y tế (BHYT) để được khám chữa bệnh. BVĐK tỉnh Gia Lai là tuyến trên, cuối cùng của cấp tỉnh nhưng khi tôi bị tai nạn giao thông gãy tay, đến đây chữa trị thì được “gợi ý” đến BV Quân y 211 hay BV Y Dược Hoàng Anh Gia Lai... vì ở BVĐK Gia Lai thiếu vật tư”.
Ngày 22.9, trả lời PV Thanh Niên, bác sĩ Phạm Bá Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Gia Lai, giải thích: “Bệnh nhân phải chuyển viện cũng vì bất đắc dĩ. Để khẩn trương khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã thuê tư vấn từ TP.HCM để tổ chức đấu thầu kịp thời. Tôi đâu có thể mua một mình được, phải rõ ràng, phải đem ra tập thể bàn bạc, quyết định chứ”.
Tuy nhiên, trong lần làm việc mới đây (ngày 10.9) giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) Gia Lai, Sở Y tế và BVĐK tỉnh Gia Lai để giải quyết một số vướng mắc, khó khăn trong khám, chữa bệnh BHYT của BV này, đã bộc lộ nhiều vấn đề. Theo đó, do tình hình đấu thầu không thành công nên dẫn đến thiếu vật tư y tế. Thủ tục hành chính trong đấu thầu của BV này có nhiều sai sót. Đến thời điểm này vẫn đang vướng về thủ tục hành chính nên BHXH chưa chấp nhận thanh toán. BV xin tạm dừng các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến ngoại khoa, gồm 18 danh mục kỹ thuật và 110 loại vật tư y tế nhưng đại diện BHXH, Sở Y tế đều không đồng ý và đề nghị BV phải tiếp tục thực hiện các danh mục kỹ thuật trên cho người bệnh.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết: “Việc bệnh nhân được chuyển viện là có. Chúng tôi đã yêu cầu BVĐK tỉnh kiểm điểm vấn đề trên cũng như phải đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân theo quy định. Trước đó, chúng tôi đã có chỉ đạo về vấn đề này, trong khi chờ kết quả đấu thầu, rớt thầu hoặc không trúng thầu có thể áp dụng mua sắm trực tiếp vật tư y tế và không sai luật. Nhưng BVĐK tỉnh đã làm không đúng”.
Có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ trong mua sắm
Trong thời gian chậm đấu thầu (gói thầu mua sắm 2019 - 2020), để mua sắm vật tư dùng ngắn hạn, ông Phạm Bá Mỹ đã chỉ đạo cấp dưới chia nhỏ các gói thầu bằng cách ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu. Tổng giá trị của các gói này hơn 95 tỉ đồng, trong đó có 361 mặt hàng không tổ chức đấu thầu. Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, việc làm này trái với quy định của luật Đấu thầu, gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng ngân sách. Nghiêm trọng hơn, Thanh tra tỉnh Gia Lai còn phát hiện một số thủ tục không đúng quy định, có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ trong mua sắm nói trên.
|
Bình luận (0)