Bệnh viện được giao tự chủ mà không biết tự chủ cái gì

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/10/2019 05:37 GMT+7

Chuyện “tưởng rất kỳ lạ” nhưng “thực tế lại thế” xảy ra trong việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập thời gian qua, được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ sáng 3.10.

Tự chủ nhưng việc gì cũng phải xin ý kiến

Vướng mắc lớn nhất của việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các BV là giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, đặc biệt là về tài chính và cán bộ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí

Cụ thể, nêu vấn đề tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ của các bệnh viện (BV) công lập, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, cho rằng vướng mắc lớn nhất của việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các BV là giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, đặc biệt là về tài chính và cán bộ. Cho biết đây là tâm sự “tưởng rất kỳ lạ nhưng thực tế lại thế” của một lãnh đạo BV, ông Trí đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết làm thế nào để tháo gỡ và ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng nhận định, cái khó nhất của thực hiện tự chủ là giao tự chủ nhưng không được tự quyết, mà mọi việc đều phải xin ý kiến hết, nhất là chuyện nhân sự. Từ đó, ông Xuân đề nghị Bộ Nội vụ giải thích vì sao các BV được tự chủ nhưng không ký hợp đồng được, với lý do là không có chỉ tiêu biên chế?
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh làm cơ sở cho tự chủ của các BV chưa làm được, do ảnh hưởng tới chỉ số CPI và khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Còn đối với vấn đề nhân sự, Bộ trưởng lý giải hiện nay các đơn vị tự chủ được quyền quyết định đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc và tuyển dụng. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn chưa phân cấp, mà do UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt, nên vướng.
“Chúng tôi chia sẻ vấn đề này nhưng không phải thẩm quyền của Bộ Y tế”, bà Tiến nói và cho biết vấn đề này Bộ Nội vụ trả lời sẽ sát hơn.
Trong phần giải trình liên tục bị chủ tọa ngắt lời và đề nghị đi thẳng vào trọng tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Trọng Thừa lại cho biết, Bộ Nội vụ đã tháo gỡ vấn đề này, vì hiện đã cho phép các BV xác định vị trí việc làm và phân cấp các UBND tỉnh phê duyệt, nên vấn đề nhân sự trong BV “không có gì vướng mắc, cản trở”.
Cho rằng phần trả lời của các cơ quan hữu quan "chưa thấm vào cái tinh tế bên trong", đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết nhiều địa phương đang thực hiện một cách máy móc khi triển khai Nghị quyết của T.Ư về tinh giản bộ máy, vì cứ chằm chằm vào giảm biên chế trong ngành y tế, trong khi bệnh nhân ngày càng đông hơn, các BV đang cần nhiều người làm hơn. “Nghị quyết của T.Ư đặt mục tiêu giảm 10% biên chế là giảm 10% số người ăn lương nhà nước, chứ người làm việc các nơi là phải tăng”, ông Trí nêu quan điểm và đề nghị Bộ Nội vụ phải sâu sát hơn trong vấn đề này.

Tỉnh có chưa tới 1 triệu người, nhưng mổ mắt cho 5 triệu bệnh nhân !

Chúng tôi chia sẻ vấn đề này nhưng không phải thẩm quyền của Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thị Kim Tiến

Trong phiên thảo luận về việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT chiều cùng ngày, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Hoàng Mai cho biết một trong những tồn tại, bất cập “dai dẳng và bức xúc” là thanh quyết toán BHYT giữa Cơ quan BHXH VN và các BV. Theo ông Mai, các BV rất bức xúc vì không có tiền thanh toán cho đối tác, thậm chí một số BV tới cuối năm không có tiền thưởng cho cán bộ vì không quyết toán được tiền BHYT. “Có nơi, UBND tỉnh phải trích ngân sách trên 30 tỉ để giúp cơ sở khám chữa bệnh tạm thanh toán tiền với các đơn vị đối tác”, ông Mai nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xem lại cách phân bổ kinh phí BHYT vì các BV đang gặp khó khăn. “Đến lúc người ta từ chối, sợ khám bảo hiểm vì hết tiền phân bổ rồi còn đâu mà khám. Nhận vào không thanh toán được thì sao?”, ông Trí nói.

Lạm thu người bệnh để... tự chủ 

Một khía cạnh được nhiều đại biểu đề cập tại phiên giải trình sáng 3.10 là việc nhiều BV lạm dụng kỹ thuật công nghệ cao, thiết bị không cần thiết, kê thuốc ngoài danh mục bảo hiểm để tăng nguồn thu khi được giao cơ chế tự chủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, khi các BV tự chủ không được cấp ngân sách thì phải có nguồn thu để thu hút người giỏi, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở, xử lý chất thải, chống nhiễm khuẩn... “Các chi phí này đều rất tốn kém trong khi BHYT chỉ thanh toán tối thiểu, nên mới nảy sinh chuyện lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng thuốc, kê thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, số ngày, giường điều trị... ”, bà Tiến nói và cho biết giải pháp hiện nay là phải có định mức để thanh tra kiểm toán, giám sát. Mới tháng trước, Bộ Y tế cũng đã có chỉ thị về chống lạm dụng, trục lợi để có biện pháp tăng cường giám sát.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi thì cho rằng BHXH hiện đã ứng trước 80% nguồn kinh phí phân bổ hằng năm, nhưng với đơn vị 1.000 tỉ mà giữ lại 20%, tương ứng với 200 tỉ, thì là con số rất lớn. “Chỉ cần giữ lại 1 tỉ thôi cũng đủ chết rồi, chứ đừng nói 200 tỉ. Đề nghị BHXH báo cáo với UBND các tỉnh để chỉ đạo cơ quan BHXH địa phương phải linh hoạt trong việc thanh toán với các BV. Bây giờ chúng ta giao cho BV tự chủ, nâng cao chất lượng mà không có tiền để mua thuốc thì làm sao được”, ông Lợi nói.
Giải trình về vấn đề này, Phó tổng giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn cho biết vấn đề hiện nay là nằm ở việc quyết toán, vì các BV không giải trình, thuyết minh được các khoản chi phí. “Có những loại bệnh mà chỉ nhìn vào chi phí 6 tháng đầu năm 2019 đã thấy bất cập, vô lý là chi phí mổ Phaco (phẫu thuật đục thủy tinh thể - PV).
Có BV chỉ 6 tháng mà chi 24 tỉ, theo logic bình thường thì số tiền này phải điều trị cho 5 triệu bệnh nhân, trong khi tỉnh đó dân số chưa tới 1 triệu người!”, ông Sơn nêu và cho biết nhiều khoản BHXH có bị phê bình cũng không thể thanh toán, vì nếu thanh toán thì cái chưa đúng của BV sẽ trở thành cái sai của cơ quan BHXH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.