Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) than phiền về việc giao dự toán chi không đủ. Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), trong luật BHYT không có điều khoản nào giao dự toán chi cho cơ sở KCB nhưng đây là cách Chính phủ điều hành để kiểm soát trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nâng cao trách nhiệm cơ sở KCB và trách nhiệm của địa phương. Việc giao dự toán là Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Y tế nhất trí về chủ trương, nhưng thanh toán là theo luật định và hướng dẫn thống nhất giữa các địa phương. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn.
Theo ông Khảm, các cơ sở KCB chi đúng chi đủ thì BHYT phải trả đúng trả đủ, trước mắt phải trả cho các cơ sở KCB 80% (chi phí dự toán) để hoạt động theo đúng luật, hết năm sẽ điều chỉnh sau. Bởi đây mới chỉ là dự toán cả năm, sau đó giám định sẽ thanh toán đủ.
Theo ông Khảm, từ năm 2016 đến nay, năm nào quỹ BHYT cũng bội chi. Nhưng hiện nay quỹ BHYT kết dư là 37.000 tỉ đồng, số dư này là dư từ các năm trước còn lại và quỹ dự phòng, sẽ duy trì không bao lâu nữa. Các nguyên nhân gây gia tăng chi phí KCB BHYT được ông Khảm lý giải là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mức đóng BHYT thấp, nhưng quyền lợi người bệnh được hưởng thì mở rộng, phương thức thanh toán theo dịch vụ, sử dụng dịch vụ chưa hợp lý.
Ngoài ra, việc thực hiện tự chủ tài chính ở các cơ sở KCB đã làm xuất hiện một số bệnh viện tuyến dưới “giữ” bệnh nhân lại điều trị, hạn chế chuyển lên tuyến trên, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, thậm chí là trục lợi BHYT là một thách thức...
Bình luận (0)