Bệnh viện vùng ven vượt khó: Định hướng phát triển bệnh viện quận, huyện phù hợp hơn

Duy Tính
Duy Tính
05/10/2022 06:59 GMT+7

Bên cạnh một số bệnh viện tuyến quận, huyện phát triển, hiện vẫn còn các BV khó khăn. Ngành y tế TP.HCM đưa ra những định hướng phát triển bệnh viện quận, huyện trong thời gian tới.

Khoảng 10 giờ ngày 28.9, nhiều bệnh nhân (BN) tập trung tại quầy phát thuốc BHYT ở Bệnh viện (BV) H.Nhà Bè (TP.HCM). Còn tại phòng khám dịch vụ vắng BN, ghế trống trơn. BV H.Nhà Bè được coi là BV vùng ven, nhưng không cách xa trung tâm TP lắm nên nhiều BN đi thẳng lên BV trung tâm, BV lớn.

Bác sĩ (BS) CK2 Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc BV H.Nhà Bè, giải thích bao năm nay lượng BN đến BV vẫn vậy, trung bình 800 - 900 lượt/ngày. BV có 110 giường bệnh, nội trú đạt 70% giường, nhưng vậy là đã tăng 20% so với trước đây. Khi BV tự chủ chi thường xuyên thì vấn đề lo lương bổng, thu nhập cho nhân viên khó khăn. BV thực hiện khám sức khỏe ngoại viện, một số dịch vụ khác, hỗ trợ y tế cơ quan nhằm có thu nhập tăng thêm.

Thiếu bác sĩ, phòng mổ

Theo BS Thơ, hơn 5 năm trước, BV được hỗ trợ từ BV tuyến trên, sau đó BV tự lực cánh sinh nên BV phải tự hợp tác với các BV khác. BV được xây dựng 18 năm trước, không phù hợp cho điều trị mà phù hợp với khối dự phòng nên bất lợi. Vì BV chỉ có 2 phòng mổ, mỗi ngày mổ 3 - 4 ca, và nhiều ngày không đủ chỗ để mổ BN. Cũng chỉ làm những phẫu thuật nhỏ, cơ bản, còn phẫu thuật sâu như cắt đoạn ruột, điều trị viêm phúc mạc thì không đủ lực, phải chuyển viện. Về thiết bị, BV chỉ có những loại cơ bản như siêu âm, X-quang, CT-Scanner 16 lát cắt… chưa có các loại thiết bị kỹ thuật cao khác.

Khu vực sàng lọc cấp cứu BV H.Nhà Bè, BN phải ở ngoài mái che tạm

DUY TÍNH

"Thiếu BS, đặc biệt là thiếu BS có tay nghề, trình độ cao. BV H.Nhà Bè có 60 BS, trong đó BS chuyên khoa, có tay nghề cao chiếm 1/3, còn lại là BS mới. Điều dưỡng chỉ hơn 60 người”, BS Thơ nói và cho biết thêm, khó khăn nhất là BS gây mê hồi sức (GMHS), tuyển vào đào tạo vài tháng thì họ nghỉ vì điều kiện phòng mổ không đầy đủ. Hiện BV không có BS GMHS, phải "mượn" từ BV khác.

Với bệnh viện ít bệnh nhân mà tự chủ chi thường xuyên toàn phần thì khó khăn và họ đi tìm nguồn thu bằng mọi giá. Trách nhiệm của Sở Y tế là định hướng lại cho các bệnh viện và trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện quận, huyện phải nhìn nhận cho đúng.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Cũng theo BS Thơ, BV có dự án cải tạo xây mới từ năm 2012, đến nay qua nhiều đời chủ tịch huyện nhưng chỉ mới làm lễ khởi công, dự kiến tháng 11 tới đây mới xây dựng. Với quy mô 200 giường bệnh, kết hợp cải tạo khu BV hiện tại 100 giường sẽ thành BV 300 giường. “Dân số H.Nhà Bè gần 300.000 người (kể cả tạm trú), bên cạnh là Long An, khu vực xung quanh huyện phát triển mạnh nên tiềm năng của BV là rất lớn. Khi có BV mới với trang thiết bị hiện đại (khoảng sau 2 năm nữa), mỗi ngày có thể thu hút 2.000 lượt BN đến khám và điều trị nội trú 300 người. Nhưng để khám được như vậy, BV cần thêm 100 BS, trong đó có 50 BS tay nghề cao cắm ở các khoa. Còn hiện tại BV cần đến 15 BS có tay nghề cao", BS Thơ nói.

Theo BS Thơ: "Muốn phát triển thì phải xây BV, phải có chỗ làm, phải có máy móc. Mời BS về, họ hỏi có chỗ làm không? Nói có 2 phòng mổ như vậy thì làm sao mổ sâu được, phải có hồi sức sau mổ tốt”. Do đó, theo BS Thơ, BV H.Nhà Bè có định hướng sắp tới là tập trung phát triển GMHS, vì đây là nền tảng để phát triển các lĩnh vực ngoại khoa. Bên cạnh đó là phát triển hồi sức cấp cứu có khả năng cấp cứu hàng loạt vì trên địa bàn có cảng biển, có khu công nghiệp…

Định hướng lại, không để bệnh viện phát triển lệch

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng BV quận, huyện trên địa bàn TP chiếm khoảng 20% lượt BN đến khám, chữa bệnh (KCB) của toàn TP. Có 5 BV sáp nhập với Trung tâm y tế (TTYT) thành một (gồm: Q.1, Q.3, Q.5, Q.10 và H.Cần Giờ). Trong đó, H.Cần Giờ cần ưu tiên đầu tư để tách ra phát triển thành BV đa khoa mạnh, vì Cần Giờ quá xa trung tâm, người dân đi lại khó khăn. 4 BV còn lại khi phát triển có thể tách ra, nhưng không nhất thiết vì ở trung tâm đã có quá nhiều BV. TP sẽ củng cố lại các TTYT này, đặc biệt là Q.10 về bộ máy quản lý.

Người dân sau khám bệnh, nhận thuốc tại BV H.Nhà Bè

DUY TÍNH

Theo người đứng đầu Sở Y tế, cái khó của BV H.Nhà Bè cũng là cái khó của một số BV quận, huyện khác như Q.4, Q.6, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình, đó là cơ sở hạ tầng xuống cấp, trong đó có BV khó thu hút nhân lực. Như BV Q.6 có quy mô nhỏ, phát triển khựng lại do nhiều lý do, trong đó có vấn đề về quản lý và cần được củng cố, Sở cũng đã tăng cường nhân lực quản lý về. BV Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức) cơ sở nhỏ, nhưng nếu mở rộng thì phát triển được. BV Q.Bình Tân dù đã làm được một số kỹ thuật nhưng cần củng cố thêm. Hiện ở trung tâm TP.HCM có 3 BV tuyến quận, huyện phát triển mạnh gồm BV Q.11, Q.Tân Phú và Q.Bình Thạnh (mỗi ngày 1 BV có thể khám từ 3.000 - 4.000 lượt BN).

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, BV tuyến trên sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các quận, huyện, nhưng khó khăn nhất là các BV thiếu nhân lực để tiếp nhận. Nên trước mắt tới đây TP sẽ phát động luân phiên BS, nhân viên y tế tuyến trên về hỗ trợ. Và do đặc thù của các BV không giống nhau, nên trong định hướng phát triển, TP vẫn ưu tiên cho các BV quận, huyện vùng ven phát triển thành BV đa khoa hoàn chỉnh, giống như H.Bình Chánh, H.Củ Chi. Tiếp theo là H.Nhà Bè, H.Cần Giờ, vì hiện 2 BV này vẫn khó tuyển nhân lực. Còn các BV quận nội thành không nhất thiết phát triển thành BV đa khoa toàn diện, vì xung quanh còn rất nhiều BV lớn của TP.

“BV quận, huyện ở trung tâm được định hướng lại, là nơi tiếp nhận đầu tiên khi BN khám, điều trị ở trạm y tế, phòng khám không hết bệnh. Đó là đẩy mạnh KCB trong ngày, giảm nội trú. Bệnh nặng sẽ chuyển BV tuyến TP. Tổ chức Y tế thế giới cũng nhấn mạnh, phải nâng cao năng lực BV để tiếp nhận các bệnh phổ biến. BV quận, huyện trung tâm không thể đi mổ thẩm mỹ hay phát triển kỹ thuật cao khác”, Giám đốc Sở Y tế nói và cho rằng ông rất chia sẻ với giám đốc các BV quận, huyện, vì áp lực tự chủ để phát triển BV và thu hút, giữ chân BS nên dành thời gian tìm nguồn thu nhiều hơn thời gian tìm hiểu, định hướng hoạt động BV đúng theo khuyến cáo. Vì áp lực tự chủ nên vài nơi tìm nguồn thu, làm lệch đi ý nghĩa BV quận, huyện là nơi KCB ban đầu. Do đó, sắp tới về vấn đề tự chủ, để các BV quận, huyện không phát triển lệch thì Sở sẽ đánh và sắp xếp, điều chỉnh lại phù hợp cho từng BV. Nếu bắt các BV tự chủ khi còn non quá thì khó cho BV.

“Với BV ít BN mà tự chủ chi thường xuyên toàn phần thì khó khăn và họ đi tìm nguồn thu bằng mọi giá. Trách nhiệm của Sở Y tế là định hướng lại cho các BV và trách nhiệm của lãnh đạo BV quận, huyện phải nhìn nhận cho đúng. Và luật cần cho BV quận, huyện đa dạng hóa mô hình điều trị ngoại trú (điều trị nhà), chăm sóc tại nhà, và cũng không cần mở rộng BV vì nội thành khó có đất để thực hiện”, người đứng đầu Sở Y tế nói thêm.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, sau lần đầu thi tuyển chức danh Giám đốc BV Mắt (dự kiến trong tháng 10.2022) Sở Y tế sẽ có đánh giá, nhận định. Việc làm tốt công tác quy hoạch và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý BV là hợp lý, kích thích sự phát triển. Nếu đã thi tuyển chức danh giám đốc BV cấp TP thì quận, huyện sẽ thuận lợi hơn. Nhưng thi tuyển chức danh giám đốc BV quận, huyện thì câu hỏi sẽ khác BV chuyên khoa. Lãnh đạo BV nên là người chuyên môn và được đào tạo về quản lý, trừ BV có hội đồng quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.