Bếp cơm được nấu tại Tịnh Thất Thiện Hoa, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, do thầy Nhuận Đức kêu gọi phật tử chung tay góp sức. Bao khó khăn thăng trầm, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua; nhưng rồi, như có một phép màu kỳ diệu trợ duyên, gian bếp yêu thương ấy đã giữ lửa đến hôm nay và tin rằng sẽ mãi về sau.
Khi mới thành lập, bếp cơm lúc nào cũng nhộn nhịp, ai cũng tràn đầy nhiệt huyết một lòng cống hiến vì những mảnh đời khó khăn vất vả ở ngoài kia. Cứ tối thứ bảy, mọi người tụ họp đông đúc, người gọt củ quả, người thái cắt, nhặt rau... Mọi việc sơ chế phải sẵn sàng để sáng mai chỉ việc nấu cho kịp giờ mang cơm lên bệnh viện. Khi đó, các con tôi còn nhỏ nên tôi đưa cả các con đến cùng tham gia, bếp cơm trở thành nơi giáo dục nhân cách, dạy các con tôi bài học về sự yêu thương, chia sẻ.
Thời gian trôi qua, nhiều thành viên dù vẫn còn đó những yêu thương gắn bó với bếp cơm, nhưng buộc phải dừng lại vì cuộc sống mưu sinh, vì công việc và những trách nhiệm gia đình. Có những lần đi phát cơm chỉ được vài người, bệnh nhân thì đông vượt xa dự tính. Các thành viên ai nấy đều hối hả khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng để buổi tặng cơm được diễn ra thành công.
Suất ăn không đủ tặng nhưng ai cũng hạnh phúc vì được nhìn thấy nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt của những bệnh nhân khi nhận được. Những lời hỏi han ân cần, lời chúc mau chóng phục hồi luôn niềm nở. Chúng tôi tự nhủ thầm tuần sau sẽ nấu nhiều hơn.
Lại có lần, bếp cơm vẫn nấu số lượng như thường lệ, nhưng do vừa tết xong một số bệnh nhân được về nhà chưa tái viện, cơm thì còn nhiều mà người nhận đã vắng, vậy mà ai nấy đều vui. Chúng tôi sau đó chia nhau mang cơm đến tặng cho Trại Trẻ mồ côi và Hội Người khuyết tật. Người trao người nhận đều hân hoan...
Năm cả nước chiến đấu với dịch Covid-19, bếp cơm từ thiện trở thành nơi tập kết rau củ quả chi viện cho TP.HCM. Bao chuyến xe tải lớn vận chuyển rau củ đến với thành phố thương yêu ruột thịt. Những thành viên trong bếp cơm là những chiến sĩ không ngại hiểm nguy, vừa phục vụ cơm ăn nước uống cho người đi cách ly, vừa trực tiếp đi thu hái củ quả trên cánh đồng, đóng góp công sức không nhỏ trong công cuộc chống dịch. Chẳng cần một sự ghi nhận nào, các thành viên đều tận tâm chung tay cống hiến mà không hề toan tính thiệt hơn...
Có những thời điểm thiếu kinh phí, các suất ăn phải giảm bớt khẩu phần. Nhìn bữa ăn đạm bạc, các thành viên ai cũng xót xa, mọi người bảo nhau bỏ thêm tiền để củng cố bữa, sao cho đủ đầy hơn. Tuy rằng tất cả các phần ăn đều là những món chay, giản đơn, thanh đạm, song vẫn đậm đà mùi vị sắc hương. Các suất ăn được nấu bằng những đầu bếp không chuyên, nhưng nó được nêm bằng một loại gia vị rất đặc biệt: gia vị của tình yêu thương! Thứ gia vị ấy chẳng mất tiền mua nhưng là vô giá, giúp bệnh nhân vượt qua cơn khó khăn bĩ cực, giúp bệnh nhân cảm nhận hương vị của tình thân giữa nơi đất khách quê người.
Đối với những bệnh nhân khó khăn mà phải điều trị dài ngày, những suất ăn tình thương còn là liều thuốc tinh thần quý giá, là lời động viên an ủi giúp bệnh nhân có thêm động lực, niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Cứ thế, căn bếp ấm ấy đã lan tỏa, kết nối để rồi nhân lên những tấm lòng hảo tâm và thắp sáng triệu trái tim.
Tôi tự hào vì mình là một thành viên của bếp cơm từ thiện. Tôi hạnh phúc khi mỗi sáng chủ nhật, đôi chân tôi rảo bước thoăn thoắt khắp bệnh viện, kêu gọi mọi người ra nhận suất ăn ấm áp yêu thương. "Các cô chú anh chị em phòng mình có ai ăn cơm từ thiện thì xuống nhận, hoàn toàn miễn phí nhé", tôi đã lặp đi lặp lại câu nói ấy suốt bao năm, vang tới khắp các phòng. Dù trời mưa hay nắng, dù bận rộn với đủ thứ công việc, nhưng câu nói ấy sẽ mãi theo tôi trên suốt hành trình này…
Bình luận (0)