Bí ẩn mặt nạ vàng hơn 3.000 năm tuổi ở Trung Quốc

22/09/2022 11:43 GMT+7

Mặt nạ vàng được tìm thấy bên trong một ngôi mộ quý tộc cổ xưa ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc . Kết quả nghiên cứu cho thấy ngôi mộ thuộc về tàn tích cổ thành từ đời nhà Thương.

Thông tin Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc/cgtn

Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ thành phố Trịnh Châu cho biết mặt nạ vàng có chiều dài 18,3 cm, rộng 14,5 m và nặng khoảng 40 g. “Kích thước của mặt nạ cho thấy nó được dùng để phủ lên mặt của một người trưởng thành”, báo The Jerusalem Post hôm 22.9 dẫn lời chuyên gia Huang Fucheng của viện di sản.

Mặt nạ này nằm trong số nhiều cổ vật tạo tác bằng vàng được tìm thấy bên trong ngôi mộ quý tộc. Các nhà khảo cổ cũng tìm được hơn 200 đồ vật chôn cùng, bao gồm các đồ tạo tác bằng đồng và ngọc.

Trước đây, Trung Quốc phát hiện một số lượng lớn cổ vật bằng vàng ở Di chỉ Tam Tinh Đôi thuộc thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, mặt nạ vàng trên hiếm khi nào được tìm thấy ở bất kỳ khu di chỉ đời nhà Thương ở miền trung nước này.

“Ngôi mộ là phát hiện quan trọng trong nỗ lực nghiên cứu các nghi thức lễ tang/chôn cất vào đời Thương”, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Chen Lüsheng, Phó Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.

Từ năm 2018, Cơ quan Di sản Cổ vật Quốc gia Trung Quốc đã triển khai 11 dự án khảo cố nhằm lần theo dấu vết và nghiên cứu nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc. Kể từ đó, các đội ngũ chuyên gia thực hiện hơn 200 đợt khai quật và thu thập được nhiều bằng chứng quan trọng.

Giới chuyên gia nhận định dự án ở Trịnh Châu có thể hé mở những thông tin đáng chú ý về tập tục chôn cất thời cổ đại và nền văn hóa sử dụng vàng của đời nhà Thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.