Bí ẩn mộc bản Chính Hòa năm thứ 18: Nhiều khúc mắc cần giải mã

30/11/2022 07:13 GMT+7

Bất chấp những nghi vấn do nhóm Bùi Thiết, Lê Trọng Khánh đề ra, năm 1985, tập II của bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư Nội các quan bản vẫn ra mắt, với dòng chữ “Mộc bản năm Chính Hòa thứ 18”. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó.

Ngày 10.2.1987, ông Lê Trọng Khánh đã gửi thư đến Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách để trình bày quan điểm của mình, và quy kết rằng cơ sở của bản dịch mới được thực hiện là tài liệu giả.

Ngày 20.10.1987, trong cuộc họp của Ủy ban Khoa học xã hội, bức thư được đọc lên. Việc xuất bản Nội các quan bản SA.PD2310 được dừng lại cho đến khi Tiểu ban nghiên cứu bản in này hoàn tất công việc và tiến hành hội thảo chuyên đề để đưa ra kết luận cuối cùng. Buổi hội thảo tiến hành ngày 16.4.1988 tại Hà Nội, quy tụ 45 nhà nghiên cứu, trong đó gồm cả ông Bùi Thiết và ông Lê Trọng Khánh. Trong đó, sáu nghi vấn của nhóm Bùi Thiết được Phan Huy Lê giải đáp tuần tự như sau:

Chuyên san về hội thảo năm 1988

Thứ nhất, hai dấu tròn hình rồng ở tờ bìa không phải là con dấu đóng vào bản in, mà là được khắc thẳng vào ván in. Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Chu Quang Trứ và một số đồng nghiệp ở Viện Mỹ thuật đã so sánh và nhận định hai hình tròn này mang phong cách mỹ thuật thời Lê - Trịnh, niên đại khoảng cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18.

Thứ hai, Nội các đã xuất hiện từ thời Lê - Trịnh, dù không có nhiều ghi chép về nó. Bằng chứng là năm 1673, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “hạ lệnh cho các quan văn vào Nội các của Vương phủ bàn việc. Việc chầu hầu ở Nội các bắt đầu từ đấy”.

Thứ ba, theo quy chế kiêng húy ban hành thời Lê Chiêu Tông, khi viết văn và in sách thì không cấm tên húy. Bản in Trùng san Lam Sơn thực lục của nhóm Hồ Sĩ Dương in năm 1676 cũng dưới triều Lê Hy Tông chỉ tuân thủ việc kiêng húy ở trong bài tựa, còn trong 3 quyển chính văn có nhiều chỗ không kiêng húy. Bản in này cũng là một bản in chính thức của vương triều.

Thứ tư, Nội các quan bản có sự chia quyển trùng khớp với lời tựa của Phạm Công Trứ, trong khi Quốc tử giám tàng bản không tuân thủ sự chia quyển đó. Điều này chứng tỏ Nội các quan bản có niên đại sớm hơn.

Thứ năm, chữ “lịch triều” trong câu “Vựng lịch triều chi sự tích” hoàn toàn không chỉ bó hẹp vào các triều đại đã qua. Điển hình là cuốn Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục của nhóm Nguyễn Hoãn có lời đề tựa năm 1779 bao gồm những người thi đỗ từ thời Lý đến thời Lê; Lịch triều thi sao của Bùi Huy Bích thời Lê có chép thơ từ thời Lý đến thời Lê Cảnh Hưng...

Dòng chữ Hoàng Lê triều vạn vạn thế trong bản in Nội các quan bản

TƯ LIỆU

Thứ sáu, câu “Hoàng Lê triều vạn vạn thế” có trong Nội các quan bản. Việc câu này không xuất hiện trong bản dịch chỉ là một sơ sót. Các bản in Quốc tử giám tàng bản cũng có câu này, vì vậy nó không có giá trị xác nhận niên đại.

Về giả thuyết của nhóm Bùi Thiết rằng Nội các quan bản là bản in được nhóm Phan Thanh Giản thực hiện năm 1856, Phan Huy Lê nói rằng Đại Nam thực lục đã dùng chữ “ấn loát”, nghĩa là in ra từ một bộ ván khắc đã có sẵn, chứ không phải cho khắc một bộ ván in mới.

Bản thân Phan Huy Lê cũng thừa nhận bản in Nội các quan bản SA.PD2310 không phải là bản in lần đầu năm 1697, nhưng là bản in ra từ bộ mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 [1697]. Trên cơ sở bộ ván in được khắc năm 1697, người ta có thể in ra một bộ sách vào bất cứ thời điểm nào. Thời gian in ấn Nội các quan bản SA.PD2310 là từ năm 1697 đến trước khi bộ ván này được xác nhận là đã thất lạc vào năm 1800. Vào thời điểm in ấn, theo giám định của Trần Kinh Hòa, khoảng 5 - 6% số ván in đã được khắc lại để thay thế cho những ván đã hỏng. Mặc dù có sự thay đổi các ván mới, nhưng vì nó rất ít, Phan Huy Lê vẫn nói rằng Nội các quan bản SA.PD2310 “về cơ bản là văn bản (text) Chính Hòa 18 của bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư”.

Quan điểm của Phan Huy Lê về bản chất và thời gian in Nội các quan bản SA.PD2310 cũng là quan điểm được dùng để tổng kết hội thảo. Tuy nhiên, lời tổng kết cũng không loại trừ khả năng trong tương lai có thể phát hiện thêm những bản in khác từ hệ thống ván khắc năm Chính Hòa thứ 18 [1697], kể cả bản in gần nguyên bản hơn bản này. Việc dịch thuật và công bố Nội các quan bản được khuyến khích tiếp tục. Hội thảo còn kêu gọi: “Không được biến ý kiến khác nhau về học thuật thành mâu thuẫn hay sự đả kích cá nhân”.

Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc xung quanh niên đại và bản chất của Nội các quan bản SA.PD2310 vẫn còn đó. Trong Đối thoại sử học, Bùi Thiết phàn nàn “với thành phần tham dự: 3 người tham dự phản bác Nội các quan bản là bản in 1697 trên 45 đại biểu được mời hội thảo, với cách bố trí phát biểu ý kiến, với kết luận được chuẩn bị, là những việc làm còn lâu mới đạt được không khí học thuật trong sáng và thẳng thắn”. Nhưng bước tiến tiếp theo về khảo sát Nội các quan bản không được thực hiện bởi nhóm Bùi Thiết. Vậy đó là gì? (còn tiếp)

Bí ẩn mộc bản Chính Hòa năm thứ 18

Truy tìm cổ bản đã mất

Tranh luận 'bất phân thắng bại'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.