Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Tàng thư ẩn trên vách núi

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
26/05/2022 06:44 GMT+7

Hình thành suốt 4 thế kỷ qua, hệ thống ma nhai (văn tự được khắc lên vách đá) ở các ngọn núi của Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng ) chịu sự phong hóa cũng như xâm hại thô bạo của con người. Ma nhai cần một cuộc “khai quật lại” nhằm xuất lộ, phát huy những giá trị tiềm tàng.

Ẩn thân dưới vôi vữa

Dạo bước qua các động Huyền Không, Vân Thông, Hoa Nghiêm… ở Ngũ Hành Sơn, người dân và du khách dễ dàng bắt gặp các bia ký được khắc công phu trên vách đá. Nếu không đi cùng với hướng dẫn viên, người xem sẽ khó hiểu hết ý nghĩa của các bức ma nhai vì ký tự được khắc thuần chữ Hán - Nôm. Tuy vậy, những gì nhìn thấy chỉ là “phần nổi” của một kho tàng tri thức tựa “tảng băng” đang ngủ yên trong các hang động. Từ xưa, giới nghiên cứu đã đặc biệt quan tâm đến ma nhai.

Động Hoa Nghiêm nơi có nhiều bia ma nhai được khắc trên vách đá

HOÀNG SƠN

Theo đại đức Thích Không Nhiên, gần đây nhất (năm 2019), trong nỗ lực nghiên cứu khảo sát di sản văn khắc Hán - Nôm Ngũ Hành Sơn, nhóm công tác của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã làm xuất lộ và sưu tầm được trên 60 văn bản bia ma nhai, không kể hơn 30 bia bị bôi trát hoặc mờ chữ. Ma nhai với đủ thể loại từ bi ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị cao tăng, vua quan triều Nguyễn cùng nhiều thế hệ tao nhân mặc khách với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến những thập niên cuối thế kỷ 20. Qua khảo sát, đại đức cho hay, trong số 8 bi ký dưới thời chúa Nguyễn hiện còn thì có đến 5 bia đã bị đục hết chữ. Động Huyền Không có 9 bia ký bị bôi trát bởi xi măng và sơn.

“Ma nhai tại động Tàng Chơn cũng tương tự. Tuy nhiên, một phần được chúng tôi gia công làm bong tróc các lớp xi măng và sơn bôi lấp bên ngoài, phần còn lại với những văn bản chữ đã quá mờ thì rất may nội dung đã được sao lục khá đầy đủ trong Ngũ Hành Sơn lục (do Hồ Thăng Doanh biên soạn vào đầu triều Khải Định 1916)”, đại đức thông tin. Riêng tại động Linh Nham, 2 văn bản đề thơ thời Bảo Đại cũng chịu số phận bị xi măng bôi lấp. Tuy nhiên, theo nhận định nội dung 2 văn bản này không bị ảnh hưởng nhiều nếu được gia công làm xuất lộ.

Ngoài ra, đối chiếu những ghi chép trong Ngũ Hành Sơn lục, nhóm nghiên cứu được biết trên vách động Huyền Không trước đây từng lưu dấu 2 bài thơ thất ngôn bát cú. Một của Ưng Bình Thúc Giạ Thị khắc năm Duy Tân thứ 3 (1909), một của Nông Sơn Nguyễn Mạnh Lương khắc năm Khải Định nguyên niên (1916). “Tuy nhiên, văn bản ma nhai của chúng hiện chưa được tìm thấy. Có lẽ chúng nằm lẩn khuất đâu đó dưới các lớp xi măng bôi trát vô hồn trên các vách động”, vị đại đức tiếc nuối.

Đừng để di sản “hóa thạch”

TS Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Đà Nẵng (thành viên Hội đồng Khoa học thẩm định hồ sơ ma nhai Ngũ Hành Sơn đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới), đánh giá hệ thống tư liệu ma nhai là một bộ phận cấu thành quan trọng của di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Hệ thống tư liệu ma nhai hiện còn là dấu nối giữa tiền nhân và hậu thế, là nhịp cầu giao lưu, quan hệ giữa VN và các quốc gia, dân tộc trong khu vực. Do vậy, ma nhai Ngũ Hành Sơn có nhiều giá trị đặc biệt về những phương diện lịch sử, văn hóa, văn học, thư pháp, nghệ thuật, kinh tế du lịch. Trong đó, giá trị nổi bật của ma nhai Ngũ Hành Sơn là giá trị về lịch sử - văn hóa.

Theo ông Thân, trước hết, ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được Non Nước là một danh thắng của đất Nam châu, hấp dẫn bao tao nhân mặc khách phải lưu lại bút tích nơi đây. Các ma nhai còn chứng minh được mối quan hệ giao lưu quốc tế giữa VN với Nhật Bản và Trung Quốc vào nửa đầu thế kỷ17. Cũng theo ông Thân, giá trị ma nhai Ngũ Hành Sơn là phương tiện để các tên làng xã xưa hóa thạch, lưu giữ mấy trăm năm qua và tiếp tục cho mai sau. Ngoài ra, ma nhai còn phản ánh tư tưởng chính trị thời Nguyễn. “Có thể nói, giá trị của ma nhai Ngũ Hành Sơn trường tồn lâu bền như đá núi và nổi bật như một khoảnh con chữ hằn in giữa sắc rêu xanh, cây lá”, ông Thân nói.

Trước thực trạng nếu không nhanh chóng bảo tồn thì sẽ vĩnh viễn mất đi di sản tư liệu ma nhai, ông Thân cho rằng, cần ngăn cản sự xâm hại của con người và hạn chế tối đa sự phong hóa; bảo tồn bản sao - sưu tầm, in rập, số hóa ma nhai. “Tuy nhiên, nếu bảo tồn mà không phát huy thì di sản ma nhai cũng chỉ là di sản “hóa thạch”. Do vậy, đi đôi với bảo tồn là phát huy giá trị di sản, như: có thể sưu tầm ma nhai biên soạn thành sách Thơ đề vịnh Ngũ Hành Sơn chẳng hạn. Đây là sản phẩm du lịch cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu, cảm thụ về Ngũ Hành Sơn qua thơ ca. Thứ nữa, tại sao chúng ta lại không sáng tạo thêm một “mẫu sản phẩm” mới là “thạch thi” để đa dạng hóa sản phẩm du lịch ?”, ông Thân nói.

(còn tiếp)

Bí ẩn Ngũ Hành Sơn

Ly kỳ chuyện chọn người vào vai Quán Thế Âm

Nơi Huyền Trân công chúa từng dừng chân?

Đi tìm bến ngự Tấm bia nào cổ nhất ?



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.